Dù các dự án (DA) này được xem là hướng đi đúng đắn, nhưng đến nay một số vẫn chỉ nằm trên giấy! Các BV như Ung bướu, Truyền máu - Huyết học, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương, An Bình, Nguyễn Trãi… đang được triển khai xây dựng (XD), nhưng rơi vào tình trạng chậm tiến độ theo kiểu rùa bò.
BỆNH VIỆN CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH 7 NĂM CHƯA THỂ KHỞI CÔNG
Bệnh viện chậm tiến độ nhiều năm liền được nhắc tới trong số này là Chấn thương chỉnh hình (số 929 Trần Hưng Đạo, P1Q5, TPHCM), được XD và đi vào hoạt động từ năm 1962 trên diện tích 6.000m2.
Tính đến nay, đây là một trong những BV rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng nhất trên địa bàn TP. Bác sĩ (BS) Châu Văn Đính - Giám đốc BV - cho biết, mỗi năm bệnh nhân (BN) đến khám và điều trị luôn tăng gấp đôi so với năm trước, nhưng cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ vẫn không có gì thay đổi đáng kể.
Hiện mỗi phòng 12 - 14m2 phải khám 150 - 200 BN/ngày, 11 phòng mổ quá tải và các ca chờ phẫu thuật vì thế cũng tăng theo. Để giải quyết tình trạng này, BV phải gửi công văn lên Sở Y tế (YT) xin cải tạo lại một số khu chức năng với phương án mở rộng quy mô để phục vụ người bệnh.
Tháng 4-2012, UBND TPHCM phối hợp với Tổng công ty cổ phần đền bù giải tỏa mặt bằng ký tắt hợp đồng BT (XD - chuyển giao) để làm cơ sở pháp lý cho việc xây mới BV, với tổng mức đầu tư 2.166 tỷ đồng, trên diện tích 5,6ha, cao 11 tầng, quy mô 500 giường bệnh, tọa lạc tại khu 6A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Nhưng đã hơn 7 năm trôi qua, đến nay DA xây mới BV vẫn chỉ là... bãi đất hoang!
Nhiều bệnh viện hiện rơi vào tình trạng quá tải
Để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, Sở YT TPHCM chấp thuận cho BV Chấn thương chỉnh hình đầu tư 3,4 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, XD các hạng mục tạm thời trong khuôn viên BV tại khu đất hiện có để phục vụ khám chữa bệnh (KCB) và điều trị cho BN.
Là nhà đầu tư xây mới BV Chấn thương chỉnh hình, ông Phạm Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP đền bù giải tỏa mặt bằng - cho biết, DA đầu tư XD cơ sở 2 của BV Chấn thương chỉnh hình đang gặp khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
Hiện Ban bồi thường GPMB huyện Bình Chánh vẫn chưa giao đủ mặt bằng, diện tích nên chủ đầu tư (CĐT) chỉ rào chắn khu đất đã được bồi thường đồng thời cử bảo vệ quản lý để tránh tình trạng tái lấn chiếm.
BỆNH VIỆN UNG BƯỚU CŨNG TRỄ HẸN
Tương tự, DA xây mới BV Ung bướu được khởi công tháng 6-2016 tại P.Tân Phú, Q9 với quy mô 1.000 giường cũng đang chậm tiến độ. Dự án có tổng mức đầu tư 5.845 tỷ đồng, trên diện tích 55.594m2.
Tại lễ khởi công, đơn vị thi công cam kết hoàn thành sau 18 tháng, nhưng đến nay đã nhiều lần trễ hẹn mà BV vẫn chưa đi vào hoạt động. Có mặt tại cơ sở 2 BV Ung bướu, chúng tôi ghi nhận nhiều hạng mục công trình vẫn còn ngổn ngang, trang thiết bị chưa nhập về, nên ngày phục vụ người bệnh còn xa vời.
Theo BS Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc BV Ung bướu, BV Ung bướu cơ sở 2 được đầu tư XD theo hình thức hợp đồng PC (thi công xây lắp và thiết bị xây lắp). Tổng thầu công trình là Liên danh Công ty TNHH xây dựng - thương mại Thuận Việt và Công ty CP Era E&C triển khai. Đơn vị thi công cam kết hoàn thành DA vào tháng 10-2017, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang!
Lý giải việc chậm tiến độ, ông Võ Văn Bé - Tổng giám đốc, đại diện liên danh Công ty TNHH xây dựng Thuận Việt - cho rằng, đây là chương trình cực kỳ khó khăn vì tất cả thiết bị YT đều được nhập từ nước ngoài, trong khi đó nhà thầu không kiểm soát được thiết bị, không tương thích trong quá trình thiết kế so với công năng và yêu cầu của BV. Tổng giá trị hợp đồng là 2.269 tỷ, nhà thầu được thanh toán 1.337 tỷ và gặp khó khăn trong quá trình thanh quyết toán. Theo dự kiến, các hạng mục chính gồm khối phòng khám, khu vực nội trú sẽ hoàn thành cuối năm 2019 và đến đầu năm 2020, BV Ung bướu sẽ đi vào hoạt động.
Người dân ngồi chờ ở hành lang đợi khám bệnh
Theo ông Bé, việc chậm tiến độ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do cấu hình, tính năng, kỹ thuật và dự toán trang thiết bị YT đợt 2 của DA chưa được UBNDTP phê duyệt, dù đã có văn bản thẩm định của Bộ YT. Ngoài ra, DA san lấp mặt bằng và XD hạ tầng kỹ thuật 2,7ha mở rộng DA đã được phê duyệt chủ trương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được ghi vốn, CĐT chưa có cơ sở triển khai thực hiện. Ông Bé bày tỏ: "Tôi mong quý I-2020 sẽ hoàn tất công việc để bàn giao công trình, nếu chậm trễ nhà thầu cũng phát sinh nhiều chi phí và thiệt hại".
Trong khi đó, tại BV Ung bướu cơ sở I trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, mới 6 giờ sáng mà khoa Nội - Tổng hợp đã đông kín BN chờ đến lượt vào khám, ngồi vạ vật từ hành lang đến cầu thang. Trong các phòng bệnh, BV phải xếp 2-3 BN/giường, nhiều người đành tận dụng nền gạch phía dưới giường trải chiếu nằm. Dọc khuôn viên BV có rất nhiều BN nằm ngồi la liệt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở YT TPHCM - cho rằng, việc XD các BV tại cửa ngõ TP nhằm giảm tải cho các BV trung tâm nằm trong quy hoạch phát triển ngành YT TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025 của TP. Đây được xem là bước đột phá nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải cho các BV trên địa bàn.
Theo đó, quy hoạch phát triển sự nghiệp YT sẽ gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP, có tính đến vị trí, vai trò của ngành trong vùng kinh tế trọng điểm, trong khu vực. Theo đó, TP sẽ XD mạng lưới YT rộng khắp từ tuyến YT cơ sở đến tuyến TP mang tính chuyên sâu, phát triển mạng lưới vận chuyển cấp cứu chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần thực hiện công bằng, hiệu quả trong việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân.
Nhưng, điều đáng nói là trên thực tế, nhiều BV đang được thực hiện tiến độ kiểu rùa bò, khiến dư luận bức xúc!