Từ sáng sớm 06-4, hàng trăm người dân đã đến căn nhà số 422 Tôn Đản, tổ 35, P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát với gia đình ông Hồ Tá Lực (59 tuổi) sau vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 ở vịnh Hạ Long.
Trước đó, gia đình ông Lực gồm 7 người tổ chức đi DL tại Hải Phòng - Quảng Ninh, gồm: ông Hồ Tá Lực (59 tuổi), vợ là Nguyễn Thị Hội (60 tuổi, cùng trú P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), chị Hồ Thị Thanh Huyền (28 tuổi, ngụ P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ), con gái út của ông Lực cùng chồng và con chị Huyền, bà Hồ Thị Oanh (51 tuổi, ở TP.Đà Nẵng), em gái ông Lực và bà Phạm Thị Bê (65 tuổi, ngụ Đà Nẵng), bạn của gia đình ông Lực. Chuyến DL trên được gia đình lên kế hoạch từ trước, do vợ chồng chị Huyền đặt tour để mừng sinh nhật cha.
Từ trưa 05-4 đoàn đã đáp máy bay ra Hải Phòng, sau đó đến Quảng Ninh để tham quan vịnh Hạ Long. Khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, gia đình ở Đà Nẵng nhận được cuộc gọi của ông Lực thông báo đã đến nơi an toàn, cả nhà đang tham quan Quảng Ninh. Sau đó không thể liên lạc được nữa, cho tới khuya cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh và Bộ Quốc phòng (QP) thông tin toàn bộ hành khách trên máy bay đã tử vong.
Bà Hồ Thị Phương - chị gái ông Lực - cho biết: "Lúc ra đến nơi để đi DL thì con của Huyền bị sốt nên hai vợ chồng phải đưa con nhập viện ở Hải Phòng, vì vậy vợ chồng Huyền và con nhỏ không lên máy bay được nên thoát nạn".
Lực lượng tìm kiếm trục vớt mảnh vỡ của máy bay gặp nạn
Khoảng 16 giờ 56 ngày 05-4, Đại tá Chu Quang Minh (59 tuổi) lái trực thăng du lịch BELL 505 số hiệu VN-8650 của Công ty trực thăng miền Bắc (thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18, Bộ QP) từ bãi đáp Tuần Châu chở 4 hành khách (ông Lực và các bà: Hội, Oanh, Bê) ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao. Khoảng 17 giờ 15 ngày 05-4, trực thăng mất liên lạc và gặp nạn tại tọa độ 200515"N - 1070013"E (thuộc khu vực giáp ranh vịnh Hạ Long, Quảng Ninh và vùng biển quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng).
Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty trực thăng miền Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cảnh sát giao thông điều 2 tổ công tác gồm 21 cán bộ chiến sĩ sử dụng 3 tàu tham gia TKCN. Công an (CA) tỉnh Quảng Ninh cũng điều 2 xuồng, 2 tàu cứu hộ cứu nạn và 20 cán bộ chiến sĩ, do Thượng tá Nguyễn Thuận - Phó giám đốc CA tỉnh - trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường.
Tối 05-4, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đã có mặt tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác TKCN. Đến trưa 06-4, lực lượng chức năng đã vớt được 4 thi thể trong số 5 nạn nhân trên chuyến bay, phát hiện một số mảnh vỡ của chiếc trực thăng, cả hộp đen. Thi thể Đại tá Chu Quang Minh và 3 nạn nhân đã được đưa về Nhà tang lễ TP.Hạ Long.
Bà Hồ Thị Phương và người thân túc trực chờ nhận thông tin
UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 20 triệu đồng, UBND TP.Hạ Long hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng. Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đã giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, CA tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban quản lý vịnh Hạ Long, UBND TP.Hạ Long, TX.Quảng Yên tiếp tục khẩn trương phối hợp với lực lượng chức năng của các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất, rà soát tìm kiếm trên mặt nước và khu vực lân cận, dùng Flycam dò tìm từ trên cao... Các đơn vị, lực lượng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định...
Chiều 06-4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Đinh Việt Thắng thông tin đã tạm dừng các dịch vụ bay ngắm cảnh bằng trực thăng sau tai nạn trên. Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu tạm dừng các dịch vụ bay ngắm cảnh bằng trực thăng tại các tour ngắm cảnh ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo để chờ thông báo mới.
Hoạt động bay trực thăng ngắm cảnh do Tổng công ty trực thăng Việt Nam (doanh nghiệp thuộc Bộ QP) thực hiện, triển khai từ năm 2020. Tại vịnh Hạ Long, các dịch vụ bay có giá từ 2,2 triệu - 6,16 triệu đồng/khách.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện 221/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, các Bộ trưởng: QP, CA, Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Về tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 (số hiệu VN-8650) của Công ty trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18, Thủ tướng yêu cầu Bộ QP chủ trì, phối hợp với Bộ CA và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương TKCN nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình phi công và những người bị nạn, thực hiện các chế độ chính sách đối với quân nhân bị nạn theo quy định. Điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, bảo đảm kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các chuyến bay. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN tổ chức theo dõi công tác TKCN, kịp thời điều phối, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của các bộ, địa phương theo thẩm quyền.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp với Bộ QP khẩn trương triển khai hiệu quả công tác TKCN và khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn; thông báo cho tàu thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản ở khu vực máy bay bị nạn phối hợp TKCN theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN...
THANH HÒA