TPHCM: Giải pháp nào trước thực trạng "rác" quảng cáo tràn lan?

Thứ Tư, 05/04/2023 10:34

|

(CATP) Tại TPHCM, "rác" quảng cáo trở thành vấn nạn đô thị từ nhiều năm nay. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trong năm 2022, trên địa bàn TP có hơn 32.000 băng-rôn quảng cáo treo không phép, chưa kể các loại quảng cáo dán trên cột điện, đóng đinh vào cây xanh hay những những tấm biển di động... Trong khi việc xử lý tình trạng này vẫn chưa có giải pháp căn cơ, thì những kiểu quảng cáo trái phép vẫn đang ngày càng biến tướng và tràn lan.

Cột điện, bờ tường, cây xanh đều bị "tấn công"

Ngay tại khu dân cư, các tuyến đường trung tâm cũng như vùng ven ngoại thành TPHCM, hàng loạt băng-rôn, biển quảng cáo trái phép được treo tràn lan trên cột điện, gốc cây, thậm chí cả biển báo giao thông. Tuy nhiên, để tìm và xử phạt được hành vi này không phải điều dễ dàng. Dạo quanh một số tuyến phố, không khó để bắt gặp những biển quảng cáo, băng-rôn trái phép giăng đầy. Các quảng cáo, rao vặt đa dạng chủng loại, kiểu dáng, kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Hầu hết đều được in trên vải nhựa và ghim chặt trên thân cây xanh nên có thể tồn tại nhiều năm và chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Từ các quảng cáo vay tiền, thuê nhà, bán đất, bán vườn, khoan cắt bê-tông, các chương trình khuyến mãi, dịch vụ làm đẹp... đều được treo, đóng đinh trên nhiều cây xanh, cột điện. Có nơi treo 2 - 3 tấm, thậm chí họ còn giăng băng-rôn quảng cáo che khuất cả biển báo giao thông.

Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính về quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo đã quy định xử phạt với nhiều hành vi: người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng. Còn theo Điều 51 Nghị định 158 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về quảng cáo, các lỗi này bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo.

Trong báo cáo trình UBND TPHCM về quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn, Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân tự ý treo băng-rôn quảng cáo trên trụ chiếu sáng. Trong năm 2022, có hơn 32.600 băng rôn quảng cáo treo không phép. Đáng nói, sau khi được xử lý và buộc tháo gỡ, các đơn vị đã chuyển qua đóng đinh và treo băng-rôn quảng cáo lên cây xanh đô thị và trụ điện lực, gây ảnh hưởng đến an toàn của người đi đường, làm xấu mỹ quan đô thị.

Tình trạng quảng cáo trái phép này khá phổ biến, nhưng để tìm và xử phạt được hành vi này không phải điều dễ dàng. Sau khi bị tháo gỡ khỏi trụ chiếu sáng, băng-rôn được chuyển qua đóng đinh và treo lên cây xanh, trụ điện... Chưa kể, việc kiểm tra và dẹp bỏ quảng cáo vi phạm tốn rất nhiều nguồn lực, có nơi cứ dọn xong lại bị dán, treo lại. Tại TPHCM, có hơn 26.000 trụ đèn chiếu sáng đô thị được phép treo băng-rôn, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận cho sở tiếp tục thỏa thuận với các đơn vị được treo băng-rôn nhưng chỉ với mục đích duy nhất là tuyên truyền, cổ động chính trị hoặc chương trình phục vụ cộng đồng và các sự kiện được UBND thành phố chấp thuận.

Quảng cáo nhếch nhác trên các tủ điện, cột điện

Theo quan sát của chúng tôi, tại các tuyến đường đông đúc người qua lại như Nguyễn Thị Thập (quận 7), Nguyễn Tất Thành (quận 4), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Lý Thường Kiệt (quận 10), Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Võ Văn Tần (quận 3)... nhiều băng-rôn, tờ rơi quảng cáo được treo, dán chi chít như mạng nhện trên các cột điện, viễn thông, đèn chiếu sáng. Đáng chú ý, các băng-rôn quảng cáo trái phép được in trên giấy hoặc bạt nhựa rồi dán hoặc cột chắc chắn vào cột điện, cột viễn thông đã khiến việc tháo gỡ rất khó khăn.

Trước thực trạng trên, các tổ chức đoàn thanh niên đã ra quân tháo gỡ, tẩy xóa các mẫu quảng cáo, rao vặt trái phép để trả lại mỹ quan cho thành phố. Thế nhưng "rác" quảng cáo vừa được tháo gỡ trước đó, thì vài ngày sau lại tiếp tục tái diễn với mức độ nhiều hơn. Người bóc ra, người lại dán vào, cứ thế các tuyến phố chẳng thể nào sạch nổi.

Luật quảng cáo cũng đã có, nhưng vì lợi nhuận mà nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp. Theo điều 8 của Bộ luật Quảng cáo năm 2012, trong đó có hành vi quảng cáo trái với quy định về thuần phong mỹ tục, trái với truyền thống văn hóa. Ngoài ra, quảng cáo làm mất mỹ quan đô thị, trật tự xã hội và an toàn giao thông. Đối với 2 hành vi này thì cá nhân tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 40 đến 60 triệu đồng. Ngoài ra có thể bị xử phạt bổ sung là đình chỉ quảng cáo và bị thu hồi sản phẩm.

Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân tự ý treo băng-rôn quảng cáo trên trụ chiếu sáng. Sau khi được xử lý và buộc tháo gỡ, các đơn vị đã chuyển qua đóng đinh và treo băng-rôn quảng cáo lên cây xanh đô thị và trụ điện lực, gây ảnh hưởng đến an toàn của người đi đường, làm xấu xí đô thị. Có những trường hợp dù là đơn vị được cấp phép nhưng vẫn không tuân thủ theo các quy định về kích thước, chiều cao, treo số lượng lớn, treo tại các giao lộ, che khuất tầm nhìn...

Các nội dung được quảng cáo trên băng-rôn, tờ rơi chủ yếu rao bán bất động sản, hàng ăn cùng các loại dịch vụ khác

Do thiếu quy hoạch, quản lý bài bản?

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2012 - 2022, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã xử lý 2.181 trường hợp vi phạm đối với phương tiện quảng cáo ngoài trời, với tổng số tiền phạt hơn 22,3 tỷ đồng. Bên cạnh những thuận lợi khi Luật Quảng cáo ban hành, UBND TPHCM cho hay, việc quản lý Nhà nước về quảng cáo trên địa bàn TP còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách vừa mỏng, vừa chưa được đào tạo theo đúng chuyên môn phụ trách, chuyên ngành theo quy định và thêm công tác kiêm nhiệm, do đó chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Ngoài ra, công tác phối hợp trong thực thi Luật Quảng cáo của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, lại dẫn đến việc chồng chéo trong hoạt động quản lý Nhà nước, chưa thống nhất trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo ngoài trời. Cụ thể, đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TPHCM vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc nhiều quy định so với địa hình đặc thù của thành phố. Một số vấn đề bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực quảng cáo như sự khác nhau về quy định của Luật Giao thông đường bộ và Thông tư số 04/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng; việc cấp phép xây dựng đối với các công trình quảng cáo thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

Theo đánh giá của HĐND TPHCM, công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời chưa được thực hiện đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động quảng cáo ngoài trời. Cơ chế phối hợp, quản lý chưa đồng bộ giữa các Sở, ngành và địa phương dẫn đến thiếu chặt chẽ và sâu sát trong công tác quản lý, nhất là công tác hậu kiểm, dẫn đến còn xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Nguyên nhân, do chính quyền thành phố chưa phê duyệt Đề án quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác quảng cáo. Công tác quản lý về an toàn, an ninh thông tin, nhất là trên các nền tảng Internet, mạng xã hội, các màn hình LED, LCD chưa được quan tâm đúng mức.

Thành phố cũng chưa có giải pháp quản lý hoạt động quảng cáo trên các màn hình LED, LCD bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh. Có tình trạng cho lắp dựng bảng cổ động chính trị, tuy nhiên sau đó lại chuyển sang quảng cáo thương mại mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Tình trạng quản lý quảng cáo trên các phương tiện công cộng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức...

Nhu cầu quảng cáo băng rôn rất lớn nhưng số lượng vị trí cấp phép còn hạn chế, trong khi quảng cáo "lậu" lại tràn lan nên Sở VH-TT TPHCM đề xuất thu phí quảng cáo băng rôn trên trụ đèn chiếu sáng. Theo đó, sáng 23-3-2023, Ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM giám sát công tác quảng cáo trên địa bàn với một số sở ngành. Sở VH-TT TPHCM cho biết, để bảo đảm mỹ quan đô thị trên các tuyến đường, Sở chỉ chấp thuận hình thức quảng cáo treo băng-rôn tại các vị trí kinh doanh và treo băng-rôn tuyên truyền cổ động chính trị kết hợp quảng cáo thương mại trên trụ đèn chiếu sáng đô thị. Do vậy, Sở VH-TT đề xuất HĐND và UBND THCM tính phí quảng cáo đối với hình thức quảng cáo treo băng-rôn trên các trụ đèn chiếu sáng trên địa bàn để tăng nguồn thu cho ngân sách. Ngoài ra, Sở VH-TT cũng kiến nghị TPHCM giao Sở GTVT và Sở Tài chính tham mưu phương án quản lý đấu thầu thu phí các vị trí quảng cáo trên đất công, công viên, hệ thống phương tiện giao thông công cộng do Nhà nước quản lý để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thiết nghĩ, quảng cáo để cung cấp thông tin, dịch vụ là một nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, với tình trạng quảng cáo gây phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị tràn lan như hiện nay thì ngoài chế tài xử phạt đã có, các địa phương cần có những giải pháp quyết liệt hơn để dẹp bỏ hoàn toàn, nhằm mang lại mỹ quan đô thị cũng như sự an toàn tại các khu dân cư.

Bình luận (0)

Lên đầu trang