Lừa bán điện thoại xịn giá rẻ:

Thủ đoạn cũ nhưng nhiều người vẫn "sập bẫy"

Thứ Tư, 05/04/2023 10:37

|

(CATP) Thời gian gần đây, các chiêu trò lừa đảo lại bùng phát khi mua hàng trên mạng xã hội. Chiêu thức bất biến của kẻ lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản chính là đánh vào lòng tham của con người. Ngoài ra, lợi dụng mua bán điện thoại trên Facebook hay Zalo, nhiều đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền hàng chục triệu đồng.

Đầu tháng 4-2023, trong khi lướt Facebook, chị Châu Kiều (ngụ Q12) thấy một tài khoản rao bán điện thoại iPhone với giá rẻ hơn rất nhiều so với các đại lý bán hàng chính hãng mà chị đã tìm hiểu trước đó. Truy cập thông tin, chị nhận thấy trang này có vẻ uy tín khi liên tục post hình ảnh chụp những người dùng đã mua iPhone tại cửa hàng, còn có cả túi đựng sản phẩm ghi thương hiệu riêng của cửa hàng. Sau khi trao đổi qua chat, tin tưởng và chuyển tiền đặt cọc 3 triệu đồng, chị Kiều chờ mãi vẫn không thấy giao hàng. Quay lại trang chat thì chị phát hiện mình đã bị chặn, gọi điện cũng không liên lạc được.

Do cần mua chiếc iPhone 12 Pro Max bản 128GB, chị Nguyễn Thu Thủy (trú huyện Củ Chi) đã lên mạng tìm kiếm thì bất ngờ Facebook hiện ra một loạt cửa hàng, gian hàng ảo được thiết kế theo hình thức khuyến mãi của các trang web chuyên bán hàng online. Nếu iPhone 13 Pro Max 128GB có giá chính hãng khoảng 29 triệu đồng thì các gian hàng này chào giá chỉ bằng phân nửa là 15 triệu đồng. Đặc biệt, iPhone 11 Pro Max chỉ còn 4.990.000 đồng với thông tin cực kỳ hấp dẫn: "100 iPhone 11 Promax khuyến mãi cho khách hàng may mắn", chỉ cần để lại số điện thoại, sẽ có người gọi điện tư vấn.

Khoảng 20 phút sau, chị Thủy nhận được cuộc gọi, thông báo mình trúng suất mua điện thoại iPhone 11 Pro Max với giá cực rẻ như trên. Nhân viên tư vấn cửa hàng còn hứa hẹn 5 ngày sau sẽ giao hàng và cho chị kiểm tra trước khi thanh toán. Nhưng khi chị Thủy thắc mắc về địa chỉ cửa hàng thì chỉ được báo là ở Hà Nội nhưng không cho địa chỉ cụ thể. Khi hỏi về thông tin sản phẩm, đơn vị nhập khẩu hay bảo hành sản phẩm thì nhân viên hứa hẹn "hàng chính hãng, bao test, bảo hành đầy đủ” và... từ đó đến nay không thấy liên hệ.

Trước đó, tối 15-01-2023, anh Lê Thanh Hùng (quê Thanh Hóa) thấy tài khoản Facebook "NG Mai" đăng bài bán điện thoại iPhone 14 Promax giá với 28 triệu đồng nên đã đặt mua 2 chiếc với giá 56 triệu đồng. Sau đó, anh được đối tượng chỉ dẫn đến một cửa hàng trên đường Trần Phú, phường Ba Đình (TP.Thanh Hóa) để lấy điện thoại. Cùng thời điểm này, đối tượng liên hệ với cửa hàng trên để đặt mua 2 điện thoại iPhone 14 Pro Max với giá 62 triệu đồng và nói là sẽ cho người tên Hùng qua lấy điện thoại. Đến chiều hôm sau, anh Hùng tới gặp chủ cửa hàng kiểm tra 2 điện thoại iPhone 14 Pro Max. Sau khi chuyển khoản 55,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng theo số tài khoản do đối tượng cung cấp, anh Hùng mới biết mình bị lừa nên đến Cơ quan Công an trình báo.

Cần cẩn trọng khi mua điện thoại iPhone trên mạng xã hội

Tiếp đến, ngày 20-01, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Thủ Đức đã tạm giữ Văn Võ L. (SN 1983, ngụ TP.Thủ Đức) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bước đầu, L. khai nhận: khi xem mạng xã hội Facebook thì thấy anh V. đăng tải thông tin bán các loại iPhone cho một cửa hàng nên nảy sinh ý định lừa đảo. L. gọi điện cho anh V. để đặt mua với tên giả là Nguyễn Đăng Khôi (trú KP4, phường Hiệp Phú, TP.Thủ Đức). Vài giờ sau, L. nhận được cuộc gọi của nhân viên Thế giới di động gọi đến xác nhận đơn hàng mà L. đặt là chiếc iPhone 13 Pro max 256 GB, giá 36.490.000 đồng. L. kêu nhân đem điện thoại đến một công ty trên đường 3 (KP4, P.An Phú, TP.Thủ Đức) giao.

Ngay sau đó, L. điều khiển xe máy đến điểm hẹn, gửi xe rồi xách 2 chai nước suối lên trên công ty và ngồi đợi nhân viên giao hàng ở khu vực trưng bày sản phẩm. Lúc này, anh N.H.N là nhân viên giao hàng đem điện thoại đến. L. mời anh N. uống nước rồi giới thiệu đây là nơi làm việc của mình. Chiếc điện thoại này L. đặt giùm cho giám đốc công ty. Đối tượng cầm điện thoại và mượn CMND của anh N. để cho "thu ngân" làm thủ tục trả tiền.

Vì nghĩ L. làm việc ở đây nên anh N. tin tưởng đưa chiếc iPhone cho L. đi kiểm tra. Lợi dụng sơ hở, L. lẻn ra cửa sau lấy xe chuồn thẳng. Chờ mãi không thấy L., anh N. gọi điện thoại nhưng L. không bắt máy, hỏi các nhân viên thì mọi người xác nhận không có nhân viên nào tên L., anh N. đã đến Cơ quan Công an trình báo. Công an TP.Thủ Đức xác định đối tượng lừa đảo tên L., có một tiền án về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đang bị truy nã. Sau 2 tuần, đối tượng bị Công an TP.Thủ Đức bắt giữ. Cũng với kịch bản và thủ đoạn trên, trước đó, L. đã thực hiện thêm nhiều vụ lừa đảo khác.

Hiện nay, nhiều người dân cũng bị lừa mua đồ gia dụng, đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm... với thủ đoạn yêu cầu chuyển khoản đặt cọc rồi chặn Facebook hay số điện thoại. Từ các vụ lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội cho thấy, kẻ lừa đảo đều lập tài khoản giả mạo trên các trang mạng xã hội, khi vụ việc bị phát giác đối tượng lập tức khóa tài khoản, lập nick mới và tiếp tục hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để nạn nhân tin tưởng, kẻ gian dùng tài khoản ngân hàng có địa chỉ hẳn hoi. Thực tế, đối tượng lừa đảo thuê người hoặc sử dụng CMND hoặc CCCD giả để mở tài khoản, khi tiền chuyển vào là chúng lập tức rút ngay để chiếm đoạt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang