Cảnh báo những chiêu lừa mới "tấn công" phụ huynh và học sinh

Thứ Tư, 29/03/2023 15:58

|

(CATP) Thời gian gần đây, dư luận "dậy sóng" với chiêu thức lừa đảo giả danh giáo viên chủ nhiệm thông báo "con đang nhập viện, cần chuyển khoản gấp" khiến nhiều phụ huynh mất tiền. Dù các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin tuyên truyền cảnh giác nhưng tình trạng này đang có chiều hướng lan rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Mới đây, trên địa bàn TPHCM lại xuất hiện chiêu lừa đảo mới, tiếp tục gây hoang mang trong cộng đồng...

Ngành giáo dục khuyến cáo những chiêu lừa mới

Sáng 28-3, thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TPHCM) đã xác nhận, cách đây vài ngày, một học sinh lớp 12 của trường đã gặp phải đối tượng lừa đảo.

Theo lời kể của nam học sinh này, vừa tan trường, em đang đứng trước cổng chờ mẹ đến đón thì bỗng xuất hiện một người đàn ông lạ mặt tầm 50 tuổi chạy xe máy áp sát và nói với giọng hốt hoảng: "Ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đến bệnh viện, chú là bạn ba con". Tuy nhiên, học sinh này đã sớm nhận ra có điều gì đó bất thường vì ba của em đã mất. Do đó, em vội chạy ngay vào phòng giám thị để báo cáo sự việc. Khi giám thị và bảo vệ nhà trường chạy ra cổng thì gã đàn ông kia đã nhanh chóng mất dạng.

Qua sự việc, dù không biết thực hư về sự xuất hiện của người đàn ông lạ mặt kia với mục đích gì, nhưng Ban giám hiệu trường THPT Phú Nhuận xác định đây có thể là một chiêu thức lừa đảo mới, cực kỳ nguy hiểm nên đã nhanh chóng thông tin đến tất cả học sinh các lớp về tình huống nói trên để các em nâng cao đề phòng, cảnh giác. Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường cũng báo cáo vụ việc lên Sở GD&ĐT TPHCM.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã thông báo đến tất cả các trường THPT và trưởng phòng GD&ĐT để các cán bộ quản lý thông tin đến phụ huynh, cảnh báo về màn lừa đảo này. Theo đó, trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ có văn bản yêu cầu nhà trường tổ chức tập huấn cho học sinh về cách đối phó với các trường hợp nguy hiểm, đột xuất, song song đó sẽ tạo kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh.

Đối tượng thường thông báo học sinh đang nằm tại khoa cấp cứu rồi yêu cầu phụ huynh chuyển khoản để đóng viện phí phẩu thuật gấp (ảnh minh họa)

Cách đây không lâu, một số phụ huynh trên địa bàn TPHCM bị các đối tượng lạ mặt gọi điện thoại, giả danh giáo viên chủ nhiệm, phụ trách lớp hoặc nhân viên bệnh viện... thông báo con nhập viện cấp cứu, đề nghị phụ huynh chuyển khoản để đưa con đi phẫu thuật gấp. Kết quả, họ đã "sập bẫy" của những kẻ lừa đảo và mất hàng trăm triệu đồng. Cũng với kịch bản đánh vào sự lo lắng đến độ mất cảnh giác của các phụ huynh như trên, lần lượt lại có thêm người bị hại là ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng...

Liên quan đến các vụ lừa đảo nói trên, một lần nữa chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề, vì sao các đối tượng lại có thể lừa được rất nhiều phụ huynh trên cả nước bằng cuộc gọi "đúng tên, đúng tuổi, thậm chí là đúng trường lớp" để kêu chuyển tiền cứu con phẫu thuật gấp; phải chăng là ngoài những yếu tố khách quan khác, phụ huynh đã sơ hở, vô tình để lọt thông tin cá nhân của con lên trên mạng xã hội?

Cách đây không lâu, tại buổi tọa đàm "Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học" nhằm luận bàn về các vấn đề có liên quan sau những cú lừa ngoạn mục của kẻ xấu, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc lộ thông tin học sinh; kèm theo lời khuyên, để tránh lộ thông tin học sinh, phụ huynh cũng nên hạn chế "khoe" các thành tích của con trên mạng xã hội.

Chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đạm này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết: mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý và kiếm tiền phi pháp bằng việc xâm nhập, tấn công cộng đồng bằng rất nhiều chiêu thức khác nhau. Việc sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều cũng chính là những cạm bẫy không thể lường trước trên không gian mạng.

Công an TPHCM đã phát thông tin cảnh giác đến người dân về chiêu thức lừa đảo này

Cần bình tĩnh để tránh bị lừa

Ở góc độ của những người bị hại, trong một tình huống khẩn cấp như vậy thì rất dễ bị mất kiểm soát và bị cuốn theo những yêu cầu của đối tượng. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp giữa nhà trường (các cấp) và phụ huynh rất tốt, đa phần mỗi phụ huynh đều có số điện thoại liên lạc của giáo viên chủ nhiệm hoặc bảo mẫu (đối với cấp tiểu học), việc nhận tin con bị tai nạn từ một số điện thoại lạ thì cũng rất cần phải cân nhắc. Trong trường hợp này, nếu các phụ huynh bình tĩnh hơn, liên lạc lại với giáo viên chủ nhiệm để xác minh thông tin thì sẽ không sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Phụ huynh Lê Ngọc Châu (ngụ quận 2, có con gái học tiểu học) cho biết: Thời gian gần đây, tôi cũng đọc và nghe nhiều thông tin các phụ huynh bị lừa khi nhận được tin thông báo con nhập viện. Trước hết, tôi rất chia sẻ và đồng cảm đối với những người bị hại; nhưng tôi cũng chia sẻ thẳng, nếu nhận tin từ số máy lạ với những thông tin hoang mang thì tôi sẽ chủ động gọi GVCN để xác minh. Có thể, nhóm đối tượng lừa đảo đã gọi cho rất nhiều phụ huynh, nhưng không phải phụ huynh nào cũng bị "sập bẫy". Trong những trường hợp này, phụ huynh càng mất bình tĩnh thì vô tình lại tạo điều kiện cho các đối tượng "kiếm thêm thu nhập".

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, trong lĩnh vực cấp cứu cũng sẽ không có bệnh viện nào bắt buộc phải đóng viện phí qua điện thoại. Các trường hợp bị lừa là hoàn toàn có thể thông cảm, nhưng thực tế một phần là do người dân chưa hiểu về luật và đạo đức y tế. Bởi, nhiệm vụ của bác sĩ là cứu sống bệnh nhân. Luật pháp của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, cấm bác sĩ bỏ mặc nạn nhân, nhưng quan trọng hơn cả là đạo đức y học dạy các bác sĩ rằng phải cứu chữa nạn nhân đến cùng. Ngoài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Điều 13 và Điều 61 quy định rõ trách nhiệm đặt tính mạng, sức khỏe người bệnh lên trên hết. Hơn nữa, tất cả bệnh nhân nặng vào viện đều được cứu chữa như nhau; bác sĩ làm hết khả năng có thể, huy động hết nguồn lực vật lực có thể. Điều đó cho thấy, không thể có chuyện phải nhận được tiền phẩu thuật gấp thì bệnh nhân mới được chữa trị kịp thời như các đối tượng đang "giăng bẫy" các phụ huynh như những ngày qua.

Đối với việc có thể các đối tượng phạm tội đang có chiều hướng chuyển sang "một kịch bản mới", đến trước cổng trường thông báo với học sinh, người thân bị tai nạn, nhất thiết học sinh phải hết sức thận trọng, không vì một chút mất kiểm soát mà không xác minh thông tin; chủ quan lên xe đối tượng ắt hẳn sẽ gặp phải rất nhiều nguy hiểm, nhẹ thì bị lừa đảo, nặng thì có thể trở thành nạn nhân của bọn buôn người.

Mới đây, để tăng cường bảo đảm an toàn, cảnh giác trước thủ đoạn dụ dỗ học sinh vào giờ tan học, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du (Q1, TPHCM) đã gửi tin nhắn đến phụ huynh và học sinh về thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện ở cổng trường học như thông tin đã xác nhận trên. Theo đó, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt hướng dẫn và nhắc nhở học sinh những lưu ý khi tiếp xúc với người lạ, đồng thời dặn dò các em phải chờ phụ huynh đến đón, có chuyện gì đó phát sinh phải thông báo ngay với nhà trường.

Về phía gia đình, nhà trường khuyên phụ huynh nhắc nhở thêm con em để tăng cường đề phòng, tránh tiếp xúc với người lạ trong bất kỳ trường hợp nào. Ngoài ra, nhà trường còn nhấn mạnh lưu ý, khi học sinh tham gia học nhóm tại trường, học phụ đạo thì phụ huynh cần xác nhận với giáo viên chủ nhiệm để lịch trình các em nằm trong tầm kiểm soát.

Bình luận (0)

Lên đầu trang