Cảnh báo:

18 tài khoản các đối tượng lừa ‘tuyển việc online’ sử dụng để chiếm đoạt tiền

Thứ Sáu, 17/03/2023 21:15

|

(CATP) Quá trình điều tra vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an đã xác định được 18 tài khoản ngân hàng, các đối tượng, nhóm đối tượng thường xuyên dùng để chiếm đoạt tài sản của người tìm việc online. 

Để người dân nâng cao cảnh giác, trình báo cơ quan công an khi bị lừa hoặc nhận biết dấu hiệu bị lừa đảo, chúng tôi điểm qua phương thức, thủ đoạn, cùng các số tài khoản ngân hàng cụ thể.

Bình luận Tiktok, nghe nhạc… là có tiền!

Trong và sau thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tìm thêm việc làm tại nhà của người dân tăng cao. Nắm được xu hướng này, các đối tượng, nhóm đối tượng thông qua mạng Internet đăng bài tuyển cộng tác viên (CTV) làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki... để hưởng hoa hồng từ 12 đến 15% giá trị mỗi đơn hàng.

Các kiểu tuyển dụng người làm thêm xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Đang cần việc làm kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, thời gian làm việc cơ động, chủ yếu làm tại nhà, thao tác trên máy vi tính hoặc điện thoại di động cũng rất thuận tiện nên nhiều người chưa tìm hiểu kỹ về nơi tuyển dụng đã vội tin ngay.

Người tìm việc lập tức đăng nhập đường link do các đối tượng giả danh “nhà tuyển dụng” chuyển cho, rồi thao tác theo tất cả các hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng theo chỉ định. Tất nhiên để “cá cắn câu”, dễ dàng moi được nhiều tiền của người tìm việc online, lúc đầu các đối tượng, nhóm đối tượng lừa đảo sẽ chuyển ngay tiền hoa hồng cho CTV. Thấy “đơn vị tuyển dụng” uy tín, công việc nhẹ nhàng, đơn giản nên khi các đối tượng yêu cầu đặt thêm tiền để có đơn hàng lớn, sẽ hưởng lượng hoa hồng cao hơn, nhiều người lóa mắt, mất cảnh giác nên cứ chuyển thêm, chuyển thêm mãi vào các tài khoản cho sàn thương mại ảo, các công ty tuyển dụng đểu chỉ định.

Khi số tiền vài chục triệu, thậm chí trên trăm triệu đồng đã được người tìm việc chuyển đi nhưng không rút được tiền hoa hồng, nhiều người thắc mắc thì phía tuyển dụng sẽ đưa ra nhiều lý do rất hợp lý để các CTV tiếp tục gửi tiền, nếu không muốn mất trắng số tiền đã gửi. Vì tiếc khoản tiền đã đầu tư, không ít người vì tâm lý “lỡ đâm lao phải theo lao” đã dẫn đến hậu quả là càng mất nặng nề hơn. Khi nạn nhân bừng tỉnh nhận ra mình mắc lừa, trình báo cơ quan công an để ngăn chặn thì đã quá muộn màng.

Chưa kịp vui mừng vì dễ dàng tìm được việc làm thêm tại nhà để cải thiện cuộc sống thì chị Nguyễn Thị Ngọc O. (SN 1980, ngụ Q.Gò Vấp) đã sớm thất vọng tràn trề và buồn phiền hơn khi nhận ra do cả tin mà mất hết số tiền tích góp được bao lâu nay, đồng thời còn nợ nần thêm người thân số tiền không nhỏ. Nhằm lật mặt kẻ gian, cũng để cảnh báo cho nhiều người không mắc bẫy như mình, chị Ngọc O. đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

Một nạn nhân sập bẫy tuyển Cộng tác viên làm việc online đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, do đang cần tìm việc làm thêm nên khi nhận được tin nhắn tìm CTV làm việc tại nhà từ một số máy lạ qua mạng Zalo, chị O. tò mò kết bạn, tìm hiểu. Người này giới thiệu công ty đang cần tuyển dụng người làm việc thêm tại nhà, công việc chính chỉ cần sử dụng điện thoại di động nghe nhạc, like và bình luận cho các Tiktok công ty giới thiệu thì sẽ được hưởng tiền. Số tiền làm việc trong ngày nhiều hay ít là do CTV có siêng năng hay không.

Quả nhiên công việc khá nhẹ nhàng, nhưng chị O. được nhận số tiền vài trăm ngàn đồng/ngày dễ như không. Sau đó, người này rủ rê chị O. hợp đồng làm Tiktok kiếm tiền, công ty sẽ trả khoản tiền nhiều hơn, tùy theo từng gói đầu tư. Thấy công việc đơn giản, chị O. dùng hết số tiền mình tích lũy được để mua các gói đầu tư. Khi nguồn kinh phí cá nhân cạn kiệt, chị O. muốn rút tiền về thì được cảnh báo “đầu tư thêm một vài gói nữa sẽ thu được số tiền lớn, còn rút ngang tự phá hợp đồng sẽ mất trắng”.

Lo sợ mất vốn, chị O. đầu tư tiếp. Khi số tiền đã lên hơn 45 triệu đồng, chị O. đòi rút thì người kia cắt liên lạc. Chị O. là nạn nhân điển hình trong số hàng trăm, hàng ngàn người đã sập bẫy tuyển “cộng tác viên” làm việc nhẹ, lương cao.

Thủ đoạn “lùa con mồi vào bẫy”

Mới đây, sau khi thụ lý điều tra vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng” xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Cục cảnh sát Hình sự (CSHS) Bộ Công an đã có văn bản gửi công an các tỉnh, thành trong việc phối hợp rà soát, truy tìm bị hại của các vụ án.

Theo đó, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án xác định: Từ tháng 3 đến 7-2022, đối tượng thông qua mạng Internet đăng bài tuyển công tác viên (CTV) làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki… để được hưởng hoa hồng từ 12 đến 15% giá trị mỗi đơn hàng.

Sau khi bị hại kết nối liên lạc, đối tượng sẽ gửi đường link các web giả mạo để các “CTV” lập tài khoản, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp, thực hiện tạo mua đơn hàng có sẵn để được hưởng hoa hồng.

Từ tháng 7-2022 đến 01-2023, các đối tượng gọi điện thoại dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia theo dõi Tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/lần, lập tài khoản trên một trong các trang web Corona, Goruurl.com, SX38.com, ua8wglfq.com (các trang web này có giao diện giống các trang web đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, máy chủ đặt tại Campuchia) thực hiện đặt cược các lệnh tài/xỉu hoặc chẵn/lẻ để được hưởng hoan hồng từ 30% đến 65% trên tổng số mỗi lần đặt cược. Sau mỗi lần bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp, sẽ được đối tượng gửi qua Telegram cho bị hại một hợp đồng cam kết khách hàng tên Công ty Cổ phần tài chính HANDICO hoặc Công ty Tài chính TNHH MB SHINSEL, cam kết bảo hiểm an toàn 100% vốn cho bị hại. Sau đó, đối tượng hướng dẫn bị hại liên hệ qua Telegram gặp chuyên gia để được hướng dẫn đặt cược.

Ban đầu với số tiền ít, đối tượng cho bị hại rút tiền về tài khoản ngân hàng. Khi CTV chuyển số tiền lớn và yêu cầu rút tiền thì đối tượng tạo ra nhiều lý do như sai số tài khoản ngân hàng, bị hại đặt cọc sai lệnh… để không cho rút tiền. Tiếp đến, đối tượng dụ bị hại chuyển thêm tiền để được rút số tiền lớn có trong tài khoản. Khi nạn nhân không có khả năng chuyển tiền thêm thì bị chặn liên lạc, xóa tài khoản.

18 số tài khoản đối tượng lừa đảo chỉ định để người dân chuyển tiền

Theo thông kê của Cục CSHS, đối tượng đã sử dụng 18 tài khoản mở tại các ngân hàng khác nhau cung cấp cho bị hại và dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền. Cụ thể là các số tài khoản mang tên cá nhân và các ngân hàng sau:

Tài khoản (TK): 8017041054066, chủ tài khoản (CTK): Đoàn Thị Nhật Trinh, ngân hàng (NH): Bản Việt;

TK: 100015941, CTK: Cao Vũ Minh Hiền, NH: Eximbank;

TK: 0949244275, CTK: Đào Minh Hưng, NH: Eximbank;

TK: 100015677, CTK: Nguyễn Thị Linh, NH: Eximbank;

TK: 121704070008027, CTK: Nguyễn Huy Vũ, NH: HD bank;

TK: 0927015933, CTK: Đoàn Thị Nhật Trinh, NH: MB;

TK: 04201016995715, CTK: Cao Vũ Minh Hiếu, NH: MSB;

TK: 04301013956240, CTK: Nguyễn Thị Linh, NH: MSB;

TK: 29086013567777, CTK: Trần Anh Phương, NH: MSB;

TK: 104000969563, CTK: Đoàn Thị Nhật Trinh, NH: PVcombank;

TK: 49864542950, CTK: Nguyễn Thị Linh, NH: SCB;

TK: 1020563830, CTK: Đào Minh Hưng, NH: SHB;

TK: 1020537138, CTK: Nguyễn Huy Vũ, NH: SHB;

TK: 1020623712, CTK: Trần Anh Phương, NH: SHB;

TK: 19035803064015, CTK: Nguyễn Tiến Sang, NH: Techcombank;

TK: 05670015101, CTK: Đoàn Thị Nhật Trinh, NH: TP bank;

TK: 1026773428, CTK: Nguyễn Thị Anh Thư, NH: Vietcombank;

TK: 1021730962, CTK: Trần Nguyễn Kỳ Duyên, NH: Vietcombank.

Bình luận (0)

Lên đầu trang