Cảnh báo:

Giả mạo Cảnh sát PCCC lừa đảo người dân

Thứ Tư, 15/03/2023 18:32

|

(CATP) Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả danh lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) gọi điện hoặc tìm tới các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở để bán các loại tài liệu liên quan đến công tác PCCC và CNCH. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa kịp nắm bắt thông tin nên đã sập bẫy lừa của các đối tượng trên. Lực lượng Công an khẳng định, không cử cán bộ điện thoại hoặc đến các cơ sở giới thiệu bán các tài liệu liên quan đến công tác PCCC và CNCH.

Không cử cán bộ đi giới thiệu tài liệu PCCC

Ngày 14-3, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA TPHCM cho biết, thời gian qua trên địa TPHCM xảy ra tình trạng các đối tượng mạo danh Cảnh sát PCCC để lừa bán tài liệu chữa cháy cho các cơ quan, doanh nghiệp. Theo đại tá Tâm, các đối tượng này thường sử dụng số điện thoại giả mạo lực lượng PCCC và CNCH hoặc đến trực tiếp liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở (gọi tắt là cơ sở) để đề nghị mua các tài liệu PCCC và CNCH. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin cảnh báo nên đã bị các đối tượng trên lừa đảo.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm khẳng định, đây là hình thức lừa đảo của các đối tượng giả danh Cảnh sát PCCC và CNCH. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tuyệt đối không cử cán bộ liên lạc qua điện thoại hoặc đến các cơ sở giới thiệu bán các tài liệu liên quan đến công tác PCCC và CNCH. Đơn vị cũng đã nhiều lần cảnh báo đến người dân để tránh bị các đối tượng xấu lừa gạt. Tài liệu mà các đối tượng lợi dụng danh nghĩa cảnh sát PCCC bán cho dân là giả mạo, sao chép với nhiều thông tin sai lệch, in lậu.

Công an khám xét trụ sở Công ty mạo danh ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân

Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA TPHCM khuyến cáo và đề nghị các cơ sở không nên mua bất kỳ tài liệu hoặc gặp người liên hệ trực tiếp với mục đích giới thiệu và bán các loại tài liệu về PCCC và CNCH". Trong trường hợp người dân nhận điện thoại xưng Cảnh sát PCCC đến kiểm tra, bán tài liệu, thì cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA TPHCM theo số điện thoại 114 để phối hợp xác minh, xử lý.

Trước đó, vào năm 2020 và 2021, CA các quận, huyện tại TPHCM cũng đã ra thông báo rộng rãi đến người dân cảnh giác chiêu trò "mạo danh Cảnh sát PCCC và CNCH bán tài liệu, thu tiền tập huấn". Các chủ nhà trọ, tạp hóa, trường mầm non, cơ sở sản xuất và kinh doanh nhỏ là đối tượng mà nhóm người lợi dụng danh nghĩa Cảnh sát PCCC TPHCM gọi điện để lừa gạt.

Thủ đoạn lừa đảo đánh vào tâm lý phụ huynh

Theo đó, trong thời gian cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình tội phạm lừa đảo qua không gian mạng có chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tùy vào từng thời gian, thời điểm... Các đối tượng không từ thủ đoạn như đưa con cái của người dân đi cấp cứu để đánh vào tâm lý phụ huynh.

CA TPHCM đã tiếp nhận hàng trăm vụ án liên quan đến lừa đảo qua không gian mạng. Phần lớn các vụ lừa đảo mới nổi lên đầu tháng 3-2023 không có gì khác với các thủ đoạn lừa đảo trước đây như: giả mạo CA, Viện kiểm sát, tòa án... để gọi điện lừa đảo; sử dụng kịch bản giả làm CSGT phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn, giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan CA để đe dọa, yêu cầu nạn nhân trả tiền; giả nhân viên ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn... mời chào cung cấp các khoản vay online... Tuy nhiên, cách thức lừa đảo gọi điện nộp tiền cho con em cấp cứu là đánh vào tâm lý phụ huynh xảy ra thời gian qua đã giống lên hồi chuông cảnh báo.

Tang vật thu giữ của các đối tượng lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại hù dọa

Không chỉ xảy ra ở TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam, màn kịch "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp" đã lan tới nhiều trường học tại Hà Nội. Ngày 14-3, nhiều trường học ở Hà Nội đồng loạt thông tin cho các giáo viên và phụ huynh học sinh cảnh giác với màn kịch "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp". Ngay sau khi nhận được thông tin, trong ngày 13-3, có 2 phụ huynh bị kẻ xấu giả danh giáo viên, nhân viên y tế của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội gọi điện báo tin con gặp nạn nhưng các phụ huynh này đã cảnh giác gọi lại cho nhà trường để xác minh nên không bị lừa. Sau đó, nhà trường đã thông báo tới toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh các lớp để nâng cao cảnh giác. Kể lại sự việc bị kẻ gian gọi điện lừa đảo, chị N.H, 1 trong 2 phụ huynh có con đang theo học tại Trường THPT Chu Văn An cho biết, đã nhận được cuộc gọi thông báo về việc con chị bị ngã cầu thang đang hôn mê và phải phẫu thuật não gấp. Đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền và ủy quyền để mổ. "Rất may, đúng thời điểm này tôi đang nói chuyện với con qua mạng xã hội nên không mắc bẫy. Các đối tượng lừa đảo quá ác khi sẵn sàng đưa ra câu chuyện như thế", chị H. bức xúc.

Tương tự, nhận cuộc gọi từ đầu số 070.890.53xx, chị K.N., phụ huynh có con đang theo học tại Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là thông tin rằng học sinh bị tai nạn và phải cấp cứu tại Bệnh viện 354. Chúng yêu cầu phải chuyển khoản tiền để làm các thủ tục điều trị. Thậm chí, các đối tượng còn dàn dựng cả tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng y tá, bác sĩ để tạo dựng lòng tin. "Tôi rất hoảng nhưng vẫn thấy nghi ngờ vì bình thường các con bị làm sao thì giáo viên chủ nhiệm đều trực tiếp thông báo. Do đó, tôi gọi lại cho cô giáo thì biết con vẫn đang trong lớp. Các phụ huynh rơi vào tình trạng tương tự nên tỉnh táo để xác minh", chị K.N chia sẻ. Cũng theo chị N., tâm lý phụ huynh khi nhận được cuộc gọi về các vấn đề của con, nhất là sức khỏe, thường sẽ bị rối và dễ bị cuốn theo. Tuy nhiên, phụ huynh nên trấn tĩnh sẽ thấy những điều không phù hợp, ví dụ như hôm nay là lịch thi của con chị, vì thế không thể có chuyện con bị ngã trong giờ thể dục. Liên quan tình trạng lừa đảo nói trên, một loạt các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã lên tiếng cảnh báo.

Một vụ lừa đảo qua không gian mạng được lực lượng công an triệt phá mới đây

Người dân cần bình tĩnh khi nhận điện thoại từ số máy lạ

Trước đó, hàng loạt phụ huynh ở TPHCM bị một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ để báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại một số bệnh viện, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí và đã bị lừa hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Trước thực trạng này, các chuyên gia công nghệ cũng lên tiếng cảnh báo về việc nguy cơ lộ, lọt thông tin về học sinh và khuyến cáo các trường học cần nâng cao bảo mật, tránh tình trạng có sơ hở để kẻ gian lợi dụng trục lợi. Bên cạnh đó, giáo viên phải rà soát, điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hằng ngày; đồng thời thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp.

Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường qua không gian mạng có chiều hướng gia tăng, CA TPHCM cảnh báo người dân khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn... thì cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh...), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Phòng CSHS, CA TPHCM cho biết đã nhiều lần tuyên truyền, khuyến cáo tới người dân nhất là các bậc phụ huynh cảnh giác với chiêu lừa gọi điện nộp tiền cho con em cấp cứu trên địa bàn. Khi nhận được cuộc gọi về thủ đoạn trên, việc đầu tiên phụ huynh cần xác minh ngay thông tin từ cô giáo, nhà trường. Tuyệt đối không làm theo lời các đối tượng hướng dẫn, ép buộc chuyển tiền ngay vào số tài khoản mà chúng đưa ra.

Phòng CSHS CA TPHCM nhấn mạnh, phần lớn các vụ lừa đảo qua không gian mạng rất khó điều tra do phần lớn các đối tượng ở nước ngoài, sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền gửi của nạn nhân là tài khoản của chúng mua để sử dụng. Hoặc khi nạn nhân xác định số tài khoản trên, báo cơ quan chức năng thì các đối tượng đã chuyển tiền chiếm đoạt qua tài khoản khác... Vì thế việc điều tra, xác minh các vụ lừa đảo hết sức khó khăn. Do đó, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác trước các cuộc gọi lạ. Cần bình tĩnh xác minh, xử lý vụ việc, nhằm góp phần ngăn chặn thủ đoạn của các đối tượng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Đồng thời, khi bị các đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan CA nơi gần nhất (CA phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban CA TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng CSHS (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan CA nhanh chóng điều tra, xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang