(CATP) Ngày 28-3, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do bị can Lê Thị Thanh Sáu (SN 1990, ngụ Q.Tân Phú) cùng đồng bọn thực hiện.
Bằng thủ đoạn tự xưng cán bộ ngân hàng, chuyên cho vay tiền lãi suất 0 đồng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản, nhóm đối tượng này đã dễ dàng khiến không ít nạn nhân thuộc nhiều tỉnh, thành "sập bẫy lừa".
Kết quả điều tra bước đầu xác định, nhóm đối tượng lừa đảo do Lê Thị Thanh Sáu cầm đầu lập đường dây khép kín như: thuê nhà nguyên căn, mua sắm các thiết bị ĐTDĐ, sim điện thoại, máy tính, mắt kính, bóp da, làm giả thẻ ATM, con dấu, giấy tờ hồ sơ vay vốn. Tuyển dụng nhân viên, hướng dẫn nhân viên phương thức lừa đảo, thỏa thuận trả lương và chi tiền hoa hồng cho từng gói vay...
Điều tra viên lấy lời khai kẻ chủ mưu Lê Thị Thanh Sáu
Tại cơ quan điều tra, Sáu thừa nhận việc trực tiếp chỉ đạo cho các nhân viên đóng giả người của Ngân hàng Tiên Phong Bank, gọi điện cho khách hàng tư vấn thủ tục vay tiền với lãi suất 0 đồng. Hàng ngày, Sáu cung cấp cho các nhân viên của mình một loạt danh sách thông tin của khách hàng (Data) gồm số ĐTDĐ, nơi thường trú... đã chuẩn bị từ trước.
Sáu cũng cung cấp điện thoại và simcard cho nhân viên tư vấn để gọi điện cho khách hàng hỏi về nhu cầu vay vốn theo "kịch bản" mà Sáu đã soạn sẵn. Để nạn nhân dễ dàng tin tưởng và sập bẫy, Sáu phân công từng người đóng vai các bộ phận khác nhau như nhân viên bộ phận tư vấn, bộ phận thẩm định, bộ phận giải ngân và chăm sóc khách hàng... như thật, khiến nhiều người chẳng chút nghi ngờ.
Có 2 gói vay cơ bản mà khách hàng có thể lựa chọn là từ 10 triệu đến 50 triệu, gói thứ 2 từ 60 triệu đến 100 triệu. Để được giải ngân, khách hàng phải mua bảo hiểm với gói thứ nhất, số tiền đóng bảo hiểm là 1.875.000 đồng. Gói vay thứ 2 phải đóng mức bảo hiểm 3.820.000 đồng.
Các đồng bọn bị bắt
Nhằm chiếm lòng tin của khách hàng, các đối tượng cho biết chỉ khi nhận được tiền giải ngân từ ngân hàng thì khách hàng mới phải đóng phí bảo hiểm. Chính vì vậy, nhiều người dân rất tin tưởng đây là nhân viên tín dụng của ngân hàng và đồng ý vay.
Bình quân mỗi ngày, các "nhân viên tư vấn" của Sáu sẽ gọi điện cho hàng chục khách hàng khác nhau để hỏi về nhu cầu vay vốn. Nếu khách hàng nào có nhu cầu vay, nhân viên sẽ ghi chú thông tin, kết bạn Zalo rồi nhắn tin trao đổi, yêu cầu cung cấp chính xác lại thông tin nơi ở hiện tại và CCCD vào tờ ghi chú, sau đó chuyển hồ sơ lại cho Sáu để tiến hành phân loại, in hồ sơ duyệt vay rồi đóng gói kèm thẻ ATM giả, quà tặng khuyến mãi là kính mát hoặc bóp da... dỏm.
Trong hầu hết các trường hợp, do khi nhận được bưu phẩm từ nhân viên bưu cục chuyển tới và mở ra thấy có thẻ ATM kèm "quà khuyến mãi", do vậy khách hàng tin tưởng đóng phí "bảo hiểm khoản vay" từ gần 1,9 đến 3,9 triệu đồng ngay mà chẳng chút nghi ngờ. Chỉ đến khi cầm thẻ ATM ra ngân hàng kích hoạt để rút tiền, họ mới tá hỏa khi biết đây là thẻ giả và mình đã bị lừa.
Thẻ ATM giả cùng một số tang vật liên quan được thu giữ
Theo lời Sáu khai, mỗi nhân viên tư vấn nếu thực hiện thành công gói vay thứ nhất sẽ được hưởng hoa hồng 150 ngàn đồng, còn gói thứ hai được 450 ngàn đồng trên số tiền nạn nhân đóng "phí bảo hiểm". Theo số liệu ước tính mà cơ quan điều tra thu thập được, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng hoạt động, nhóm đối tượng lừa đảo do Sáu chủ mưu đã lừa được khoảng 163 bị hại đang sinh sống tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt trên 300 triệu đồng.
Nhằm xử lý triệt để và nghiêm khắc hành vi phạm tội của nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao này, qua Chuyên đề Công an TPHCM, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đề nghị những ai từng là bị hại trong vụ án, liên hệ Đội Cảnh sát Kinh tế huyện Bình Chánh (Địa chỉ số 8 đường số 2, KP3, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), gặp ĐTV Phan Hồng Sơn (ĐT: 0907.033.879) để trình báo. Khi đến làm việc nhớ đem theo giấy tờ tùy thân, hồ sơ vay, biên nhận nộp tiền (nếu có) cùng những đồ vật khuyến mãi đã nhận từ nhóm đối tượng này.