Vụ "xẻ thịt" rừng phòng hộ huyện Vân Canh: Sẽ xử lý hình sự

Thứ Tư, 29/03/2023 13:12  | Hoàng Quân

|

(CATP) Bên cạnh Trạm quản lý bảo vệ rừng (BVR) Làng Cam - thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ (RPH) huyện Vân Canh (Bình Định) có đường mòn dẫn ngược lên rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 316 RPH Vân Canh. Bên bờ con suối Cố, một lán trại vẫn còn ngổn ngang với nhiều đồ vật như quần áo, xoong nồi, can nhựa đựng xăng dầu, rác sinh hoạt... vốn của "lâm tặc" để lại.

Xung quanh lán trại, hàng chục gốc cây cổ thụ với đường kính từ 40 đến 70cm bị hạ bằng cưa máy. Đa số cây rừng mới bị cưa, bề mặt và quanh gốc cây chảy nhựa, lá còn xanh. Hiện trường còn nhiều thân gỗ lớn đã được cắt khúc, chưa đưa ra khỏi rừng. Hệ thực vật sinh thái rừng tại khu vực bị tàn phá, tan hoang.

Ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, chiều tối 20-3, đơn vị thành lập đoàn kiểm tra vào hiện trường, phát hiện 15 cây rừng giữ chức năng phòng hộ (đường kính từ 15 đến 50cm) bị tàn phá, gồm: ké, xổ... thuộc nhóm 5 đến 7. Vị trí cây rừng bị khai thác nằm ở các lô 8, 5, 12 thuộc khoảnh 6, tiểu khu 136 (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) do BQL RPH huyện Vân Canh quản lý. Có 6 cây bị đưa ra khỏi hiện trường, số còn lại cây nhỏ hoặc rỗng ruột. Thời gian gỗ bị khai thác vào đầu tháng 3-2023; có 1 cây khai thác khoảng tháng 10-2022. Chưa xác định được cụ thể khối lượng lâm sản bị khai thác.

Theo ông Sáu, căn cứ Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Trung ương và theo Luật Lâm nghiệp, việc để "lâm tặc" mang máy móc, công cụ vào khu vực RPH để khai thác gỗ trái phép thuộc trách nhiệm của chủ rừng là BQL RPH huyện Vân Canh. Ngay từ đầu, chủ rừng đã biết có tình trạng khai thác gỗ RPH trái phép nhưng không kịp thời ngăn chặn. Chủ rừng có đi kiểm tra, đánh dấu gỗ bị khai thác nhưng chậm báo cáo cấp trên để kịp thời xử lý, dẫn đến nhiều cây rừng tiếp tục bị khai thác...

Nhiều năm trước đã xảy ra phá RPH ở khu vực giáp ranh giữa huyện Tây Sơn và huyện Vân Canh, báo chí nhiều lần phản ánh nhưng chưa được ngăn chặn dứt điểm và nay lại tái diễn tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng thường được đưa qua khu vực, địa phận dân cư thuộc làng Cam. Điều đáng nói, khu vực này có đến 2 trạm quản lý, bảo vệ rừng với gần 10 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng. Theo ông Sáu, công tác giữ rừng ở khu vực rừng giáp ranh khi lực lượng kiểm lâm chỉ có 171 người, nhưng phải giữ đến 215.000ha rừng tự nhiên.

Trạm quản lý bảo vệ rừng

Ông Lương Đình Tiên - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh thông tin, huyện yêu cầu đơn vị quản lý địa bàn thay người trực tại Trạm quản lý BVR Làng Cam; liên tục tuần tra, truy quét các khu vực RPH, vùng rừng giáp ranh; chỉ đạo các đơn vị, chính quyền xã tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng; phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm làm rõ. Khu vực thuộc địa hình hiểm trở, rộng lớn. Quá trình làm việc, anh em quản lý địa bàn báo cáo về việc thường xuyên bị đe dọa, ảnh hưởng tới tinh thần và công việc chuyên môn.

Đến ngày 26-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định có văn bản, báo cáo về vụ việc: theo kết quả giám định hiện trường của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh, hiện trường vụ khai thác rừng trái pháp luật. Số cây bị khai thác là 15 (nhóm III đến nhóm VII), trong đó 13 cây mới bị chặt hạ, 2 cây chặt hạ trước đó. Tổng số gỗ rừng bị chặt hạ trên 11,409m3. Căn cứ theo quy định của Chính phủ, Luật Lâm nghiệp thì số lượng gỗ rừng phòng hộ bị tàn phá trên 11,4m3, nằm ngoài khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm.

Hạt kiểm lâm và BQL RPH huyện Vân Canh xác định, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Cam (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) lén lút vào rừng cưa hạ cây rừng về làm nhà mồ (chôn người chết), chưa xác định được cụ thể đối tượng khai thác lượng gỗ trên. Các ngành chức năng đưa vụ việc vào tin báo tội phạm, phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an, Viện KSND huyện Vân Canh khám nghiệm hiện trường, điều tra; làm việc với các đơn vị, cá nhân liên quan.

Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, với mức độ vi phạm tới đâu sẽ xử lý theo quy định, có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Đơn vị chỉ đạo Chi cục kiểm lâm phối hợp với BQL RPH Vân Canh tăng cường tuần tra kiểm soát, không để xảy ra trường hợp tương tự, tuyên truyền người dân không xâm phạm vào rừng; ngăn chặn các đối tượng có nguy cơ phá rừng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, vừa giao Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND huyện Tây Sơn và UBND huyện Vân Canh khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 27-3-2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang