(CATP) Trong báo cáo mới nhất gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 13, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã nhấn mạnh công tác tuyên truyền về ATTP nhằm nâng cao nhận thức đồng thời cập nhật kiến thức cho cấp quản lý, các cơ sở sản xuất (SX), kinh doanh (KD), dịch vụ (DV) ăn uống, nâng cao kiến thức người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.
Trong nhiều vấn đề có liên quan đến vệ sinh ATTP, một cử tri đã bày tỏ quan điểm "đề nghị thành phố (TP) quan tâm, cảnh giác đối với tình trạng chế biến đậu phụ từ sản phẩm biến đổi gen GMO như ở Hà Nội". Liên quan đến nội dung này, theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP thành phố (TP), sở sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở chế biến đậu phụ; trường hợp nghi có dấu hiệu vi phạm sẽ lấy mẫu để kiểm nghiệm, đánh giá về chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu ATTP. Liên quan đến thắc mắc của cử tri về việc nhiều mặt hàng rau quả, thịt chưa bảo đảm ATTP, cần tăng cường kiểm tra vệ sinh ATTP và phát động phong trào không dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy, Sở ATTP cũng đã có câu trả lời xác đáng.
Theo Sở ATTP TP, trong 6 tháng đầu năm 2024 sở đã xây dựng và triển khai thực hiện hàng loạt kế hoạch kiểm tra ATTP. Cụ thể, kiểm tra 6.875 cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) 13 trường hợp, ban hành quyết định xử phạt VPHC 13 trường hợp, xử phạt 112.836.500 đồng; buộc thực hiện kiểm dịch lại sản phẩm động vật gồm 298 con heo, 1.172kg thịt heo. Quá trình kiểm tra, sở cũng đã lấy 6 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, kết quả có 1 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh.
Theo một số cử tri, cần tăng cường kiểm tra vệ sinh
an toàn thực phẩm các mặt hàng rau quả, thịt bày bán trên thị trường (ảnh minh họa)
Nhằm nâng cao nhận thức và cập nhật kiến thức về ATTP cho các cấp quản lý, các cơ sở SX, KD, DV ăn uống, nâng cao kiến thức người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn TP, Sở ATTP đã triển khai và phối hợp tổ chức 57 lớp tập huấn, 1 hội thảo với 5.861 người tham dự. Đặc biệt trong các lớp tập huấn, Sở ATTP đã tuyên truyền về những hành vi cấm tại Điểm đ Khoản 5 Điều 5 của Luật ATTP: "Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm", tuyên truyền người SX, KD hạn chế hoặc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường, bao bì chứa đựng thực phẩm bằng nhựa phải bảo đảm ATTP theo QCVN 12- 1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp.
Bên cạnh đó, Sở ATTP cũng đã triển khai 120.200 ấn phẩm truyền thông về bảo đảm ATTP như tờ gấp, tờ rơi, poster, băng-rôn hướng dẫn cách chọn thịt heo bảo đảm ATTP; các hành vi bị cấm trong hoạt động SX, KD thực phẩm, Quy trình 7 bước trong SX, chế biến thực phẩm an toàn; các dấu hiệu nhận biết triệu chứng ngộ độc thực phẩm; cách nhận biết thực phẩm hư hỏng, không an toàn...
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP, sở đã đăng tải 32 banner và 47 tin/bài tuyên truyền bảo đảm ATTP trên Cổng thông tin điện tử của sở để người dân có thể theo dõi.