Giải đáp pháp luật: Giả chữ ký phạm tội gì?

Thứ Hai, 05/08/2024 14:16

|

Hỏi: Ông L. giả chữ ký của tôi trong hợp đồng (HĐ) đặt cọc chuyển nhượng đất rồi kiện ra tòa án đòi bồi thường, sau đó rút đơn nên tòa đình chỉ vụ án. Sự việc làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và công việc của tôi. Xin hỏi tôi có thể yêu cầu xử lý ông L. không? (Bạn đọc, Quận 7, TPHCM).

Trả lời: Giả mạo chữ ký được thực hiện dưới nhiều dạng với nhiều mục đích khác nhau gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Tùy theo hành vi và mức độ hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về tội tương ứng.

Trên thực tế, giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội phổ biến nhất, thường xuất hiện trong các HĐ mua bán, HĐ vay vốn... Người thực hiện hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Theo đó, mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

a. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản... chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội;

d. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân với trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d nêu trên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Trường hợp không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính bằng phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, cá nhân có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang