Lập lại trật tự trên biển Tây Nam

Thứ Ba, 30/07/2024 12:27  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Để “bảo kê” vùng biên Tây Nam, thời gian đầu các băng nhóm chửi bới, lấy ngư cụ hoặc phá hỏng các dụng cụ đánh bắt của ngư dân khi họ không nghe theo lời bọn chúng...

Về sau bọn chúng manh động hơn khi sử dụng “bom xăng” tự chế, súng tự chế bắn đạn chì, ná bắn đạn cao su để ném, bắn vào tàu cá khác để xua đuổi, gây thương tích và làm hư hỏng tài sản, trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân. Để vãn hồi tình hình nêu trên, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc xử lý.

Ngư dân khai thác trên vùng biển Tây Nam.

XOÁ SỔ CÁC BĂNG BẢO KÊ TRÊN BIỂN

Thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Cà Mau cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực phối hợp xử lý tình hình tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau. Đến nay, Công an tỉnh đã thụ lý 12 vụ liên quan đến tranh chấp ngư trường với 20 bị can. Trong đó, có 4 vụ đã kết thúc điều tra với 16 bị can, 2 vụ không ra quyết định khởi tố vì không cấu thành tội phạm, 6 vụ còn lại liên quan 2 bị can đang tiếp tục điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ngư trường xuất phát từ ba mâu thuẫn chính: mâu thuẫn giữa các ngư dân trong quá trình đánh bắt, mâu thuẫn giữa các tàu đánh bắt với nhau và mâu thuẫn giữa các ngành nghề đánh bắt như: ghe cào, ốc bẫy mực và lú quế. Tuy tình hình trên biển diễn biến phức tạp nhưng Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Cà Mau khẳng định, không có các “nhóm xã hội” hoạt động kiểu bảo kê ngư trường trên vùng biển Cà Mau.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, trên vùng biển Cà Mau xảy ra 13 vụ tàu cá của ngư dân bị tấn công trong quá trình khai thác hải sản, làm hư hại nhiều tài sản của ngư dân, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự trên biển.

Sau những vụ việc xảy ra, ngư dân đến trình báo cơ quan chức năng nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi, giúp bà con yên tâm bám biển. Cung cấp thông tin bước đầu, nhiều chủ tàu cho biết, trong quá trình đánh bắt hải sản, một số người đã tự ý phân chia, bao chiếm vùng biển có nguồn lợi hải sản để khai thác mà không cho tàu khác tới hoạt động.

Ban đầu các đối tượng chửi bới, lấy ngư cụ hoặc phá hỏng các dụng cụ đánh bắt của ngư dân khác. Manh động hơn các đối tượng đâm làm hư hỏng phương tiện, sử dụng “bom xăng” tự chế, súng tự chế bắn đạn chì, ná bắn đạn cao su để ném, bắn vào tàu cá không chấp hành theo các yêu cầu của bọn chúng.

Các cán bộ, đối tượng bảo kê bị khởi tố.

CÁN BỘ TIẾP TAY CHO “NGƯ TẶC”?

Quá trình điều tra các vụ việc, Công an huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang xác định có sự tiếp tay của cán bộ để các đối tượng gây mất an ninh trật tự trên vùng biển Tây Nam. Theo đó mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Minh đã ra quyết định khởi tố bổ sung tội đưa hối lộ với bị can Phạm Minh Quyết (SN 1984). Trước đó Quyết đã bị khởi tố, tạm giam về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng, gồm: Trần Thanh Liêm (SN 1970) là Thanh tra viên chính thuộc Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tội nhận hối lộ, Nguyễn Tấn Dũng (SN 1966, ngụ huyện Kiên Lương) và Nguyễn Thái Ngạn (SN 1986, ngụ huyện An Minh) về tội môi giới hộ.

Quá trình điều tra xác định ngoài tội “Gây rối trật tự công cộng”, Phạm Minh Quyết và các đồng phạm khác còn thực hiện hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, như: thông qua mối quan hệ với Ngạn, Quyết biết Ngạn quen với Trần Thanh Liêm có khả năng chi phối được lực lượng kiểm ngư nên đã nhờ Ngạn kết nối tạo mối quan hệ với người này, nhằm mục đích lợi dụng sự ảnh hưởng Liêm để chi phối lực lượng kiểm ngư trong việc tuần tra, kiểm soát và giúp các tàu cào lụa có thể khai thác trái phép.

Sau khi được Liêm đồng ý giúp đỡ, Quyết trực tiếp huy động những người cùng hợp tác, làm ăn chung gom tiền để đưa tiền cho Ngạn và Dũng trực tiếp đưa cho Liêm hoặc chuyển tiền vào tài khoản của Liêm nhiều lần với số tiền 50 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 28/5/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Minh đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 21/2/2024 tại ấp Kim Qui B, xã Vân Khánh, huyện An Minh do Phạm Minh Quyết và Phạm Văn Xia, Thái Quốc Tịnh, Huỳnh Trí Khanh, Đinh Văn Lành, Đặng Văn Thắm (cùng ngụ huyện An Minh) và Lê Văn Tâm (ngụ huyện Hòn Đất) thực hiện.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 7/2023 đến nay, Quyết và đồng bọn đã cấu kết với nhau, tự ý bao chiếm mặt nước biển trên vùng khai thác tự do ven biển từ An Minh đến Kiên Lương. Khi người dân đến đánh bắt, thu mua hải sản trên vùng khai thác nói trên, đối tượng Quyết chỉ đạo đàn em đánh đuổi không cho họ đánh bắt, thu mua hoặc cho đánh bắt nhưng phải bán cho chúng với giá thấp, nếu người dân không đồng ý các đối tượng này đe dọa, thậm chí dùng hung khí rượt đuổi, ném đá, vỏ bia và gây thương tích, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Các bị cáo nghe tuyên án.

CÁI GIÁ CHO NHỮNG KẺ LIỀU LĨNH

Mới đây, tại trụ sở UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, TAND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau mở phiên toà sơ thẩm hình sự lưu động xét xử và tuyên phạt bị cáo Bùi Công Danh 4 năm tù, Nguyễn Tấn Lợi 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Y Răn 3 năm tù, Hồ Văn Tường 3 năm tù, Trần Tiểu Điền 3 năm tù về tội cướp tài sản. Đây là vụ việc liên quan đến tranh chấp ngư trường, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Theo cáo trạng, vào ngày 17/12/2023, tại vùng biển thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, 5 bị can gồm: Bùi Công Danh, Nguyễn Y Răn, Hồ Văn Tường, Trần Tiểu Điền và Nguyễn Tấn Lợi đã dùng vũ lực gây thương tích cho anh Trần Minh Đời và anh Lê Hoàng Văn (cùng tỷ lệ 1%). Cùng với đó, 5 bị can còn lấy 1 bọc khô mực lá 8kg và 1 cây cần lái inox trên ghe của anh Đời, gây thiệt hại tài sản qua giám định là gần 9 triệu đồng.

Hành vị xâm hại tài sản, sức khoẻ nạn nhân Trần Minh Đời của 5 bị can xuất phát từ mâu thuẫn trước đây với nạn nhân do tranh chấp ngư trường. Khi vô tình gặp nhau ngoài biển, Bùi Công Danh cùng nhóm đi trên vỏ lãi với mình đã dùng chai bia thuỷ tinh và vỏ ốc ném vào những người trên ghe của Đời. Hậu quả ngón chân út bàn chân phải của anh Văn bị thương tích. Tiếp theo đó, nhóm này còn sử dụng cây gỗ, cần lái inox mở nắp hầm máy ghe tấn công anh Đời. Trong lúc tấn công, Danh thấy bọc khô mực lá của Đời để phía sau lái ghe nên chiếm đoạt đem về ăn. Đồng thời, thấy cây cần lái inox để trên hầm máy ghe của Đời, các bị can cũng lấy cho bỏ ghét.

Lời khai của các bị cáo tại phiên toà đều cho thấy nguyên nhân chính là mâu thuẫn do tranh chấp ngư trường gây nên. Mặc dù tỉ lệ thương tật và tài sản bị thiệt hại của nạn nhân không lớn, nhưng gây mất an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản hợp pháp trên vùng biển Cà Mau.

Bình luận (0)

Lên đầu trang