Vùng biển Tây Nam: Báo động nạn tranh chấp ngư trường, hành hạ ngư phủ

Thứ Ba, 23/01/2024 10:10  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Thời gian qua, tại vùng biển Tây Nam thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, tình trạng tranh chấp ngư trường, bạo hành ngư phủ diễn ra hết sức phức tạp. Nhóm đối tượng manh động dùng bom xăng, súng tự chế, thậm chí dùng tàu cá đâm thẳng vào tàu của các ngư dân đang đánh bắt. Những vụ việc trên đã làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của ngư dân, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Vùng biển dậy sóng

Theo tìm hiểu, thời gian vừa qua, phát sinh thoả thuận giữa nhóm tàu cá với tàu ốc bẫy mực, dần dần dẫn đến chiếm ngư trường trái phép để trục lợi. Cụ thể là nhóm tàu ốc bẫy mực chiếm dụng ngư trường sau đó thu tiền rồi cho nhóm tàu cào vào khai thác. Ngoài ra, trong quá trình chiếm ngư trường trái phép, các tàu cùng làm nghề ốc bẫy mực cũng xảy ra mâu thuẫn với nhau. Thêm vào đó đã xuất hiện các nhóm người kiểu "xã hội đen" sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí trên biển để tranh giành ngư trường. Từ đó làm cho vùng biển Tây Nam "dậy sóng".

Theo thống kê, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2023, ít nhất có 13 vụ việc tàu cá của ngư dân Cà Mau, Kiên Giang bị các nhóm người manh động dùng bom xăng, súng tự chế, thậm chí dùng tàu cá và vỏ lãi đâm thẳng vào tàu của các ngư dân đang đánh bắt trên biển. Chỉ tính riêng tháng 12/2023 đã xảy ra 6 vụ tranh chấp ngư trường trên vùng biển thuộc tỉnh Cà Mau.

Gần đây nhất là vụ tàu cá CM-91296-TS của Lê Hoài Hận giao cho Lê Thanh Toàn trực tiếp quản lý, sử dụng, thuê ông Phong làm thuyền trưởng (hành nghề ốc bẫy mực), trên tàu có 5 người. Ngày 02/01/2024, khi tàu cá đang neo đậu thì có 4 đối tượng lạ mặt điều khiển vỏ lãi đến, dùng chai thủy tinh chứa xăng, đốt ném qua tàu cá. Hậu quả, làm tàu cá bị cháy và chìm trên biển.

Trước đó, vào ngày 30/12/2023, trên vùng biển tỉnh Cà Mau (thuộc địa bàn H.U Minh), tàu cá CM-97980-TS đang hoạt động thì tàu cá CM-06337-TS đến, có người dùng ná thun, bắn đạn bi sắt, làm thuyền viên Dương Văn Đệ bị thương vùng đầu và ngực. Qua xác minh, xác định 4 đối tượng (cùng ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, H.Trần Văn Thời) liên quan đến vụ việc.

Tương tự, ngày 29/12/2023, tàu cá CM-92324-TS đang hoạt động cách cửa biển Đá Bạc khoảng 12 hải lý về hướng Tây Bắc, bất ngờ bị người trên phương tiện của ông Dạn (ở ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) dùng hung khí bắn bi sắt và bi keo, gây vỡ kính cabin và bị thương một thuyền viên. Sau khi vụ việc xảy ra, ông Cao Văn Yên điều khiển tàu cá CM-92324-TS vào Trạm kiểm soát Biên phòng Đá Bạc trình báo vụ việc.

Lực lượng chức năng lập chuyên án và tổ chức tuần tra để trả lại bình yên cho vùng biển

Các vụ tấn công này không chỉ làm hư hỏng tàu thuyền mà một số ngư dân cũng bị thương phải nhập viện điều trị. Cụ thể là vào khoảng 1 giờ 45 ngày 08/11/2023, tàu cá KG-94839-TS của anh Phạm Văn Đồng (SN 1991, ngụ TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cùng 2 tàu cá khác (KG-92790-TS và KG-62299-TS) với tổng cộng 12 ngư phủ hành nghề cào hoạt động tại vùng biển tỉnh Cà Mau. Lúc đó, bất ngờ có 2 phương tiện vỏ lãi (chất liệu composite), 1 ghe hành nghề ốc bẫy mực tiếp cận. Sau đó, những người đi trên 3 phương tiện trên đã dùng bom xăng ném, súng tự chế bắn vào những người đi trên 3 tàu cá. Khoảng 10 phút sau, 2 phương tiện vỏ lãi và ghe ốc bẫy mực bỏ đi. Lúc này, các ngư dân mới lo dập lửa cháy do bom xăng và sơ cứu cho những người bị thương. Vụ tấn công khiến ngư dân N.V.M (ngụ TP.Hà Tiên) bị bắn trúng chân, ngư dân L.T.V (ngụ TP.Phú Quốc) bị đạn bắn xuyên bắp chân, còn ngư dân Đ.V.Đ (ngụ TP.Hà Tiên) bị đạn bắn vào mặt.

Theo các ngư dân, mục đích của những người lạ mặt là không cho khai thác ở vùng biển đó, để họ bán ngư trường. "Họ nói đó là vùng biển của họ, cấm chúng tôi vào khai thác", anh Đồng nhận định về nguyên nhân tàu cá bị tấn công.

Bạo hành ngư phủ

Ngày 22/01/2024, Cơ quan CSĐT Công an H.Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đã thực hiện lệnh tạm giam đối với Phạm Văn Có (SN 1994) và Nguyễn Trương Tường (SN 2001, cùng ngụ xã Bình An) về tội giữ người trái pháp luật. Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 11/01, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an H.Châu Thành phối hợp với Công an xã Bình An khám xét khẩn cấp, qua đó phát hiện Có và Tường đang giữ trên 20 ngư phủ tại nơi ở.

Tại cơ quan Công an, Có và Tường khai nhận, việc giữ những ngư phủ trên là do bà B. giao phó. Hàng ngày, Có và Tường thay phiên nhau trông coi và khóa cửa nhà. Nếu ngư phủ trong nhà muốn đi đâu, làm gì thì Có phải điện thoại báo cho bà B. để xem xét. Mọi hoạt động của các ngư phủ này đều được giám sát bởi Có và Tường.

Trước đó, cũng vào giữa tháng 01/2024, Công an H.Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Y Răn (SN 1991), Hồ Văn Tường (SN 1996), Bùi Công Danh (SN 1999), Trần Tiểu Điền (SN 1998), Nguyễn Tấn Lợi (SN 1998, cùng ngụ H.Trần Văn Thời) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Theo điều tra, ngày 17/12/2023, tàu cá CM-02926-TS đang hoạt động trên vùng biển H.Trần Văn Thời thì nhóm của Nguyễn Y Răn đi xuồng máy tiếp cận tàu. Nhóm này dùng chai thủy tinh, cây gỗ tấn công ngư phủ và lấy đi một số tài sản. Theo chủ tàu cá, các đối tượng còn hăm dọa nếu vô bờ sẽ chém chết nếu khai báo với cơ quan Công an. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ các vụ đâm tàu, cưỡng đoạt tài sản trên biển.

Cảnh ngư dân ở Kiên Giang và Cà Mau bị hành hạ gây phẫn nộ

Trước đó vào ngày 03/8/2023, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận nguồn tin từ Tổng đài Quốc gia 111 và nguồn tin của công dân về việc có ngư phủ làm việc trên tàu cá bị đánh đập gây thương tích. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang nhanh chóng cử lực lượng vào cuộc tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 05/8, đơn vị đã giải cứu được 3 ngư phủ bị hành hung trên tàu cá, gồm: V.V.Q. (SN 1993, ngụ tỉnh Hải Dương), N.V.C (SN 1985, ngụ tỉnh Bến Tre) và T.M.T. (SN 1983, ngụ tỉnh Kiên Giang).

Đến ngày 17/8, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết đã giải cứu thêm 2 người trên tàu cá trong vụ hành hung ngư phủ gây xôn xao trên là H.V.H (SN 1998, ngụ tỉnh Yên Bái) và Đ.T.Đ (SN 2002, ngụ TP.Hà Nội). Theo BĐBP tỉnh Kiên Giang, thông tin vụ việc ban đầu là các nạn nhân không quen và chưa đáp ứng với yêu cầu công việc trên tàu nên bị người làm chung trên tàu đánh đập. Qua vụ việc đó, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm về tội cố ý gây thương tích. Vụ việc sau đó đã chuyển Cơ quan CSĐT Công an H.An Biên điều tra, làm rõ.

Lập lại trật tự trên biển

Trước tình hình mất an ninh tại ngư trường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau liên tiếp chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: "Đối với trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, không để phát sinh điểm nóng".

Sau chỉ đạo trên, ngày 10/01/2024, Công an tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban chuyên án do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh làm Trưởng ban, cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện ven biển làm thành viên. UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem xét hướng dẫn, cho chủ trương hoặc sửa đổi, tham mưu sửa đổi quy định rõ hơn về "nghề đặc thù” của từng địa phương (hoặc phân cấp, giao quyền cho địa phương có cơ chế quy định) liên quan đến các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động nghề ốc bẫy mực (nhóm nghề, ngư cụ bẫy, cố định, thụ động, khai thác đơn loài, mùa vụ...) hoạt động ở vùng ven bờ; hỗ trợ tỉnh kinh phí để tăng cường thả rạn, chà nhân tạo, khu trú ngụ, thiết bị cắt cáp lưới kéo.

Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển (biên phòng, cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư...) phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường.

Trước tình hình nóng bỏng này, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản khẩn gửi chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị cơ quan chức năng tỉnh này nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, chiếm đoạt ngư trường kiểu "xã hội đen" trên biển Tây Nam để ngư dân an tâm bám biển. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Vùng Cảnh sát biển 4 điều tàu và cán bộ, chiến sĩ vào cuộc giúp Cà Mau ngăn chặn.

Theo Thượng tá Đoàn Văn Nghiêm - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau, những vụ việc tranh chấp trên biển, Công an tỉnh đã nắm được và đang tích cực điều tra nhằm lập lại trật tự, trả lại bình yên cho biển cả. Còn theo Đại tá Phạm Quang Chương - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau, thời gian qua có 10 vụ tranh chấp trên biển. BĐBP đã chỉ đạo cho các Đồn biên phòng Sông Đốc, Khánh Hội, Khánh Tiến phối hợp Công an, thanh tra Sở NN&PTNT xác minh vụ việc tranh chấp để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang