Đất liền hướng tới đảo xa
Không giống biển Tây Nam những ngày cuối năm với những con sóng lớn, một tuần liền biển đón đoàn công tác bằng sự dịu dàng hiếm có. Nói như Đại uý Cao Minh Hiếu, thuyền trưởng Tàu 924, Lữ đoàn 127, thì đây là điều “lạ”, bởi trước khi nhận nhiệm vụ đón đoàn, anh Hiếu cùng đồng đội có một tháng lênh đênh trên biển trong điều kiện gió lớn, sóng cao.
Các chiến sĩ chuyển hàng lên tàu, bắt đầu hải trình tới các đảo Tây Nam
Trên hải trình “thiên thời, hải lợi” ấy, đoàn công tác mang theo sự nồng ấm từ đất liền đến với những người lính biển ở Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc. Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ vùng 5 Hải quân, đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí hướng về biển, đảo trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
“Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc” - Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan bày tỏ.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan chia sẻ với báo chí tại đảo Nam Du
Tại mỗi điểm đảo, đoàn đã nghe lãnh đạo địa phương, chỉ huy các trạm Ra-đa báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng ý chí và nghị lực vốn có của người chiến sỹ, các anh luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quyết tâm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Nhằm chia sẻ khó khăn với các chiến sĩ, nhân dân trên đảo Tây Nam, chính quyền, nhân dân các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp nhiều năm qua không ngừng giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó đảm bảo cho quá trình sinh hoạt, điều kiện ăn ở trên đảo được cải thiện.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan cho biết, việc tổ chức các chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ nhân dân vùng đảo Tây Nam đã trở thành hoạt động thường niên. Trong mười năm trở lại đây, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phối hợp tổ chức 210 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, các doanh nghiệp..., với hơn 3.500 lượt đại biểu đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Với phương châm "đất liền hướng về đảo xa", đồng thời hưởng ứng tích cực Cuộc vận động "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc", các đoàn công tác đã hỗ trợ xây dựng hàng chục công trình, các trang thiết bị, nhu yếu phẩm... phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, trị giá gần 30 tỷ đồng. Những nghĩa cử cao đẹp từ đất liền, theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, mãi mãi được khắc ghi trong trái tim người lính biển Tây Nam.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng trao quà tặng Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân
Cũng như vậy, ở chuyến thăm này, nhiều phần quà đã được trao tặng tới các chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, trong đó Agribank đã trao gần 800 triệu đồng tặng Bộ Tư lệnh Vùng 5 hải quân cùng các đơn vị trực thuộc. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, bên cạnh trách nhiệm xây dựng và phát triển kinh tế, ngân hàng có nhiệm vụ rất lớn là đồng hành với các lực lượng từ tuyến biên giới đến các hải đảo, trong đó có Trường Sa và vùng biển Tây Nam. Hiện Agribank đã và đang hỗ trợ 25.000 phương tiện đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân bám biển ở vùng biển truyền thống, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo, quyền lãnh thổ.
Trong bối cảnh tình hình các vùng biển diễn biến hết sức phức tạp, khó đoán định, luôn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan khẳng định, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân luôn thấu hiểu sâu sắc giá trị thiêng liêng của mỗi tấc đảo, sải biển của Tổ quốc là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt.
Cột mốc xác định chủ quyền trên biển của Việt Nam tại Hòn Nhạn
“Đó là xương máu, là ý chí, khát vọng từ ngàn đời của Tổ tiên ta, đã và đang thấm đẫm bao mồ hôi, công sức của các thế hệ người Việt, chứa dựng bao tình cảm, sự hy sinh to lớn của quân và dân cả nước; tôn trọng và tôn vinh những cống hiến lớn lao của các thế hệ đi trước” - Chuẩn Đô đốc nhìn nhận. Vì lẽ này, ông nhấn mạnh, dù khó khăn gian khổ đến mấy, những người lính biển cũng luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biền, đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Khơi dậy tiềm năng kinh tế biển Tây Nam
Vùng biển Tây Nam có hơn 150 đảo, trong đó 46 đảo thuộc 5 quần đảo có người sinh sống, gồm: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu. Đây là vùng biển có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.
Một góc đảo Nam Du
Anh Lê Văn Vũ, đã 26 năm sinh sống ở đảo Hòn Chuối. Dù cuộc sống trên đảo còn thiếu thốn, nhưng bằng khát khao, quyết tâm và ý chí thay đổi, Vũ đưa cả gia đình ra đảo lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lồng bè. Với vốn bỏ ra khoảng 300 triệu, sau gần một năm, anh thu hoạch được trên 400 triệu, nếu mùa thuận thì có thể lên đến cả tỷ đồng.
Thế nhưng, giống như không ít người làm kinh doanh khác, Lê Văn Vũ nói, anh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. “Bữa hôm hỏi vay, mà ngân hàng cho vay có trăm triệu, nên tôi trả lại. Tôi hỏi có cho vay nâng cấp được không, thì chỉ được nâng lên 101 triệu đồng” - Vũ kể. Lý do, tài sản của anh ở đảo Hòn Chuối không được tính, dàn bè không được thế chấp để vay ngân hàng, vì những tài sản này “không có giấy tờ, không có pháp lý gì hết trơn”.
Không chỉ anh Vũ, nhiều hộ kinh doanh trên các đảo hiện đang vướng thủ tục này. Họ chỉ có thể được vay trong điều kiện thế chấp tài sản từ đất liền. Nhưng có những người ra đi lập nghiệp, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, thì chỉ bằng quyết tâm, ý chí rõ ràng là không đủ.
Anh Lê Văn Vũ chia sẻ về cuộc sống trên đảo Hòn Chuối
Chia sẻ về câu chuyện này, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng thừa nhận hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng trong những trường hợp kể trên đang gặp khó khăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản, theo bà Phượng, chủ yếu tự phát, chưa có quy hoạch. Chủ lồng bè không được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, các địa phương chưa giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển cho người nuôi do chưa có quy hoạch.
Chưa hết, người dân cũng chưa thể ứng dụng công nghệ cao cho mô hình nuôi cá lồng trên biển, kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường, như nhiệt độ, ô-xy hòa tan, thức ăn, sự phát triển của cá..., giúp tăng năng suất cá nuôi, giảm tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Bà Phượng mong các địa phương sớm có quy hoạch đồng bộ, ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, bến neo đậu, kết nối giữa các cảng và có chính sách thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ hơn cho các đảo.
Nhìn nhận về thế mạnh của các đảo Tây Nam, bà Nguyễn Thị Phượng đánh giá, trong điều kiện Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn do nước biển dâng thì kinh tế biển Tây Nam chính là phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản gắn với du lịch sinh thái biển - đảo.
Tuy nhiên, qua thực tế, bà Phượng lưu ý, nơi đây còn hạn chế về nguồn lực đầu tư để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch biển, nhất là các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng, các đô thị ven biển kết nối với các đảo, điện và nước sạch trên các đảo. Do các hoạt động du lịch và nuôi trồng hải sản, chủ yếu là nuôi cá lồng bè, bà Phượng lo ngại, không gian du lịch đang có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển đảo, không bền vững.
“Thực tế này đòi hỏi sự liên kết, hợp tác tốt hơn nữa trong phát triển du lịch biển, đảo, phối hợp giữa các tỉnh ven biển với tỉnh, thành trong nội địa” – bà Phượng nêu quan điểm.
Dẫn lại Nghị quyết 36/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó xác định mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển…, bà Phượng nói, phía trước còn rất nhiều việc cần làm, trong đó vai trò của chính quyền địa phương các tỉnh ven biển là quan trọng nhất.