Hỏi: Sau khi va chạm giao thông, tôi đã chở người bị nạn đi bệnh viện và thỏa thuận sẽ chi trả tất cả viện phí, thuốc men, tuy nhiên người bị nạn vẫn đe dọa sẽ báo công an. Xin hỏi gây tai nạn đã bồi thường (BT) thì có bị xử lý hình sự không và mức phạt thế nào? (Một bạn đọc, Quận 3).
Trả lời: Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản (TS) của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, BT thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) thì có thể được miễn TNHS.
- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm;
- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.
Người gây tai nạn giao thông (TNGT) được xác định là thực hiện hành vi với lỗi vô ý bởi họ có thể biết trước hậu quả nhưng thường cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
l Điều 260 BLHS quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) có 4 khung hình phạt như sau:
1. Người nào tham gia GTĐB mà vi phạm quy định về an toàn GTĐB thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thiệt hại về TS từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng...
2. Phạt tù từ 3 năm đến 10 năm thuộc một trong các trường hợp: không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hay các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn...
3. Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm thuộc một trong các trường hợp: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thiệt hại về TS 1.500.000.000 đồng trở lên...
4. Người tham gia GTĐB mà vi phạm quy định về an toàn GTĐB gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm...
Như vậy, người gây TNGT đã BT có thể được miễn TNHS nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 4 Điều 260 BLHS.
2. Phải được người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.
Nếu gây tai nạn thuộc trường hợp tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 260 BLHS dù đã BT và có đơn xin miễn TNHS của bị hại thì người phạm tội vẫn bị truy cứu TNHS.