(CAO) Trong 3 trường hợp bị oan sai tại TPHCM, có 1 trường hợp thương lượng không thành, 1 trường hợp Viện kiểm sát đang đề nghị giám đốc thẩm và 1 trường hợp đang xác minh thiệt hại để giải quyết.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát khắc phục vướng mắc, sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
Theo đó, ngành Kiểm sát đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án trong giải quyết bồi thường, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Trong 6 tháng đầu năm (được tính từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024), ngành Kiểm sát thụ lý giải quyết 12 trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Kết quả, đã giải quyết xong cho 6 trường hợp (gồm ông Võ Tê ở Bình Thuận; Huỳnh Thanh Lam ở Cà Mau; Huỳnh Phước Bửu ở Hậu Giang; Nguyễn Văn Dũng ở Tây Ninh; Huỳnh Chiêm Phái ở Khánh Hòa; Nguyễn Duy Chiến ở Cao Bằng), trong đó, đã chi trả tổng số tiền là 10.073.445.592 đồng.
Ngày 11/3/2024, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã bàn giao hơn 2,57 tỷ đồng tiền
bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi, ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương)
Hiện Viện KSND các cấp đang giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho 6 trường hợp, trong đó, 1 trường hợp thương lượng không thành, người yêu cầu bồi thường đang làm thủ tục khởi kiện tại Tòa án là ông Trần Văn Khang ở Cà Mau. Một trường hợp là ông Trần Văn Bích ở Cần Thơ xác định đã hết thời hiệu bồi thường, Viện kiểm sát đang thực hiện các thủ tục xin lỗi, phục hồi danh dự.
Có 1 trường hợp thương lượng không thành, người bị thiệt hại chưa khởi kiện là ông Chu Quang Hưng ở TPHCM; 1 trường hợp Viện kiểm sát đang đề nghị giám đốc thẩm (bà Trần Thị Thuận ở TPHCM). Về trường hợp ông Nguyễn Văn Khẩn ở TPHCM và Lâm Hồng Sơn ở An Giang, Viện kiểm sát đang xác minh thiệt hại để giải quyết.