(CATP) Với Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP), Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là "bậc thầy của nghệ thuật chiến tranh nhân dân", điều đó không chỉ thể hiện ở tài thao lược, khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, mà còn ở khả năng thu phục nhân tâm. Ông là vị tướng của lòng dân. Đây là câu chuyện ông kể trong hồi ký: "Đã đến chiếc cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốm... Một anh dân công còn trẻ, đứng ở bên kia cầu. Anh chìa tay ra và nói: Đề nghị anh cho em bắt tay một cái! Tôi vui vẻ siết chặt tay anh và biết anh quê ở Thanh Hóa, một tỉnh cung cấp nhiều nhất về người và lương thực phục vụ chiến dịch". Khoảng cách giữa vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh với người dân đã không còn, thay vào đó là sự gần gũi, chan hòa. Đó là một ứng xử văn hóa thấm đẫm tình người.
Trong phần kết hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, ngay những dòng mở đầu, ông kể: "Mỗi lần trở lại ĐBP, tôi đều tới Nghĩa trang Liệt sĩ dưới chân Đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những đồng đội đã nằm lại ở đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những đồng đội chưa kịp biết tên mình và mình cũng chưa kịp biết là đang ở đơn vị nào". Một vị tướng giàu lòng yêu thương như vậy không thể là người quyết "giành chiến thắng bằng mọi giá” như cách phân tích, lý giải của Cecil Currey - nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Mỹ trong cuốn Võ Nguyên Giáp - chiến thắng bằng mọi giá. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Võ Nguyên Giáp, trận đánh chết nhiều người không thể là trận đánh đẹp. Đã đánh là phải thắng, đó là quyết tâm không gì lay chuyển; song thắng mà không phải đổ máu hay ít đổ máu mới là chiến thắng thực sự. Đó là tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp, được kết tinh từ truyền thống nhân văn trong văn hóa VN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của lòng dân
Ở con người Võ Nguyên Giáp, tình yêu thương lớn hơn lòng thù hận, vượt lên mọi khác biệt về tiếng nói, màu da. Ông là vị tướng nhân từ, độ lượng. Ông không sợ chiến tranh, nhưng luôn khao khát hòa bình. Trong hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, điều này đặc biệt thấy rõ ở thái độ, tình cảm của ông đối với những sĩ quan, binh lính ở bên kia chiến tuyến. Giữa những ngày ác liệt nhất ở ĐBP, những người lính trong Đại đoàn do Lê Trọng Tấn chỉ huy bắt được thùng hàng do máy bay Pháp thả, trong đó có lá thư và 2 cuốn tiểu thuyết của vợ De Castries gửi cho chồng. Nhận được tin báo, Võ Nguyên Giáp yêu cầu chỉ huy đơn vị phải tìm cách gửi vào cho De Castries. Đó không chỉ là kế sách "mưu phạt tâm công" mà Nguyễn Trãi từng nêu trong Bình Ngô đại cáo, mà còn là một ứng xử văn hóa tinh tế, cao thượng, mang đậm tính nhân văn. Ngay sau khi trận đánh vừa kết thúc, ông đến từng căn hầm gặp những người lính Pháp bị thương, điều động quân y phối hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa cho họ, cho phép máy bay Pháp hạ cánh chở những thương binh nặng về Hà Nội chữa trị. Đó là một nghĩa cử nhân đạo, ít gặp trong chiến tranh. Một người lính Algeria bị thương đã xúc động nói với bác sĩ quân y VN: "Thưa ông, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra, bây giờ tôi mới biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương". Ở Võ Nguyên Giáp, yêu thương con người là cơ sở cho mọi hành động và đó cũng là cách hành xử của các bậc vĩ nhân xưa, nay.
Vừa tròn 70 năm kể từ ngày lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm De Castries, báo hiệu sự kết thúc của Chiến dịch ĐBP và sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, đó là khoảng thời gian đủ cho ta nhìn nhận, suy ngẫm về nhiều vấn đề của lịch sử và cả của hôm nay. Qua hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, chân dung tinh thần Võ Nguyên Giáp đã hiện lên một cách tự nhiên, chân thực. Ẩn đằng sau sự giản dị, khiêm nhường đến quên mình là con người thông minh, quyết đoán với tấm lòng chan chứa yêu thương con người, cuộc sống. Nếu nhân, trí, dũng là phẩm chất của một vĩ nhân, chỉ có ở vĩ nhân thì Võ Nguyên Giáp là một con người như thế. Ông đã đi vào lịch sử và trở thành một phần của lịch sử VN trong thế kỷ XX.