(CATP) Là điểm quyết chiến chiến lược, ĐBP trở thành nơi thể hiện rõ nhất phẩm chất tinh thần của những người chỉ huy. Ở đó không có chỗ cho sai lầm. Mỗi sai lầm, dù nhỏ, đều phải trả giá bằng máu xương của biết bao chiến sĩ. Là Tư lệnh Mặt trận, Võ Nguyên Giáp hiểu rõ điều đó. Trong hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã nói tới một quyết định, mà theo ông là "khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình".
Ngày 26/01/1954, đúng ngày dự kiến mở màn chiến dịch, trong cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, sau khi thảo luận dân chủ, ông quyết định thay đổi cách đánh: Từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Đây là quyết định táo bạo, bất ngờ, hệ trọng, được đưa ra trong thời gian ngắn nhất. Với cách nói giản dị, sáng rõ, ông truyền mệnh lệnh: "Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".
Đó là quyết định lịch sử được ông đưa ra sau nhiều đêm thức trắng với những trăn trở, nghĩ suy trên cơ sở phân tích tình hình địch - ta một cách khách quan, khoa học. Nó cho thấy trí tuệ mẫn tiệp, tính quyết đoán và ý thức trách nhiệm chính trị sâu sắc của ông trước Đảng, Bác Hồ và nhân dân, đất nước. Thực tế cho thấy đó là một quyết định sáng suốt làm thay đổi cục diện chiến trường, đưa Chiến dịch ĐBP đến toàn thắng.
Năm 1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng ĐBP, Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn Vương Thừa Vũ nhận xét: "Nếu theo cách đánh cũ thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể kéo dài thêm 10 năm". Là những chỉ huy tài năng, dạn dày trận mạc, có mặt từ những ngày đầu ở chiến trường ĐBP, hơn ai hết, họ hiểu rõ ý nghĩa lớn lao và sự chính xác của quyết định lịch sử ấy. Họ biết ơn ông, tự hào về ông, vị Tổng Tư lệnh bản lĩnh, tài năng, quyết đoán, người họ đã đặt trọn niềm tin.
17 giờ 30 ngày 13/3/1954, Đại tướng - Tổng Tư lệnh
Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Trong cuốn Giáp, một sự đánh giá (1992), Perter Macdonald - nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh - đã có một nhận xét sâu sắc về trận chiến ĐBP và tài thao lược của Võ Nguyên Giáp. Ông viết: "Điều làm ĐBP nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến ĐBP trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách". Độc lập trong suy nghĩ, bản lĩnh trong tính cách, sáng suốt trong trí tuệ, quyết đoán trong hành xử... là những phẩm chất tinh thần đặc biệt ở Võ Nguyên Giáp, đưa ông đi vào lịch sử nhân loại, là một trong những vị tướng kiệt xuất của mọi thời đại.
Các nhà nghiên cứu, tướng lĩnh phương Tây khi nói về Võ Nguyên Giáp đều dành cho ông sự tôn trọng đặc biệt. Ông được ví như "ngọn núi lửa phủ tuyết". Họ đánh giá cao trí tuệ, tài thao lược, bản lĩnh, tính quyết đoán của ông. Saintery, trong cuốn Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ, viết: "Võ Nguyên Giáp đã cho thấy ông là một con người quyết đoán, cực kỳ cứng rắn, đầy mưu trí và thông minh". Cũng cái nhìn ấy, W. Westmoreland - Tổng tư lệnh lực lượng quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam (1964 - 1968) - cho rằng, Võ Nguyên Giáp "có tất cả đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh".
Đó là những đánh giá có cơ sở, nhưng thuần lý trí. Họ chưa hiểu hết con người Võ Nguyên Giáp và văn hóa VN. Trong truyền thống văn hóa VN, lòng nhân ái có sức mạnh đặc biệt, mang khả năng cảm hóa và thu phục nhân tâm. Võ Nguyên Giáp đã kết tinh trong mình truyền thống ấy. Ông là "một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh" (Trần Văn Trà). Trong hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, hình tượng Võ Nguyên Giáp hiện lên qua từng trang viết một cách gần gũi, giản dị. Mỗi quyết định, cách hành xử của ông đều bắt nguồn từ tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Ông có mặt cạnh những người lính trên đường ra trận, lặng lẽ dõi theo từng bước tiến của họ trên chiến trường, dành cho họ sự đồng cảm, yêu thương. Với ông "hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường". Ông sống chan hòa với những người đồng đội, lắng nghe tình cảm, nghĩ suy của họ; chia sẻ với người lính những gian khổ, hy sinh trên chiến trường. Ông viết thư thăm hỏi, động viên, biểu dương kịp thời mỗi chiến công của họ. Nhận xét về điều này, Nguyễn Đình Thi viết: "Một vị Tổng Tư lệnh đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước".
Ông sát cánh với các cấp chỉ huy, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người lính, vui niềm vui, buồn nỗi buồn của họ. Đón Tết ở chiến trường, ông thương những người đồng đội, những người dân công không được quây quần bên gia đình vào dịp này. Trong hồi ký, ông kể: "Tôi nghĩ tới hàng chục vạn đồng bào đang sát cánh cùng bộ đội ở các mặt trận Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Liên khu 5, Tây Nguyên... không được cùng người thân ngồi bên nồi bánh chưng đón giao thừa tại quê nhà”. Tình cảm ấy được hình thành một cách tự nhiên từ hồi còn thơ bé và bồi đắp thêm trong những năm tháng chiến tranh.
(Còn tiếp...)
(CATP) Tính chất đặc biệt của tác phẩm trước hết ở chỗ, đây là hồi ức của một Tổng Tư lệnh quân đội và là người chỉ huy trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP), một chiến dịch đã đi vào lịch sử chiến tranh nhân loại.