Trong lịch sử Việt Nam (VN) thế kỷ XX, Võ Nguyên Giáp là một nhân vật nổi bật, một vị tướng đã đi vào huyền thoại. Tên tuổi ông đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, biểu tượng cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần, ý chí VN. Cùng với tài năng quân sự xuất chúng, ông còn để lại hàng chục tác phẩm viết về nhiều lĩnh vực, trong đó có một số hồi ký về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Trong sáu hồi ký ông đã xuất bản, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử có vị trí đặc biệt, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc và giới nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực. Tính chất đặc biệt của tác phẩm trước hết ở chỗ, đây là hồi ức của một Tổng Tư lệnh quân đội và là người chỉ huy trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP), một chiến dịch đã đi vào lịch sử chiến tranh nhân loại.
Theo cách nói của nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Mỹ Bernard Fall, Võ Nguyên Giáp là người có thẩm quyền nhất để phát biểu về cuộc chiến tranh này.Nhiều học giả phương Tây cho rằng, cùng với cuốn Điện Biên Phủ - một góc địa ngục của Bernard Fall, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử của Võ Nguyên Giáp trở thành tác phẩm kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về trận chiến ĐBP và rộng hơn là về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Ở đó, người đọc không chỉ được tiếp xúc với nguồn sử liệu phong phú, xác thực, mà còn nhận ra chân dung tinh thần, tầm vóc văn hóa, cốt cách vĩ nhân của Võ Nguyên Giáp, người đã góp phần làm thay đổi lịch sử của nhiều đất nước ở Châu Á, Châu Phi.
Hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử được viết từ năm 1999, nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng ĐBP, thể hiện tác phẩm này là nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007), người trước đó đã thể hiện thành công 4 hồi ký của Võ Nguyên Giáp. Năm 2000, tác phẩm được Nhà xuất bản Quân đội ấn hành và năm 2004 được nữ nhà văn - nhà báo người Mỹ Lady Borton dịch ra tiếng Anh, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm gồm 15 chương, với gần 500 trang, được viết bằng một văn phong giản dị kết hợp hài hòa giữa tái hiện chi tiết, sự kiện với việc thể hiện tư tưởng, tình cảm và những chiêm nghiệm suy tư của người kể về đất nước, nhân dân. Ở đó có những vấn đề lớn lao gắn với lịch sử dân tộc, biến động thời đại; có những vấn đề giản dị, riêng tư của mỗi con người. Tính chân xác của chi tiết, sự kiện lịch sử được thể hiện qua lối viết tinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn tự sự và trữ tình đã tạo nên sức hấp dẫn hiếm thấy ở một tác phẩm hồi ký chiến tranh.
Trò chuyện với bạn đọc VN về quá trình dịch cuốn hồi ký này, dịch giả Lady Borton nói: "Lịch sử của các bạn có một bề dày truyền thống mà để hiểu được nó, tôi phải đọc và nghiên cứu rất kỹ. Tôi khâm phục tinh thần, ý chí cũng như sức mạnh đoàn kết của dân tộc VN. Khi đọc cuốn sách đó và dịch ra tiếng Anh, tôi đã hiểu cặn kẽ hơn về nguyên nhân dẫn đến Chiến thắng ĐBP năm 1954. Nó cũng khiến tôi hiểu được vì sao người Mỹ không bao giờ thắng trong cuộc chiến tại VN".
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh
Như tên gọi của tác phẩm, ĐBP là điểm hẹn lịch sử, nơi đối đầu quyết liệt giữa trí tuệ, ý chí, quyết tâm của nhân dân VN dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ với thực dân Pháp. Đó còn là điểm hẹn của những xung đột văn hóa giữa chủ nghĩa kỹ trị phương Tây và sức mạnh tinh thần của lòng yêu nước, ý chí quật cường - một giá trị đặc sắc trong truyền thống văn hóa VN. Cuộc chiến 56 ngày đêm ở lòng chảo Điện Biên vì vậy không chỉ là một trận đánh, một chiến dịch quân sự, mà là cuộc đối đầu lịch sử làm thay đổi vận mệnh của các nước thuộc địa và số phận của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân VN, Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Chiến dịch ĐBP. Giao nhiệm vụ cho ông, Hồ Chủ tịch chỉ nói ngắn gọn: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh"(1). Với ông, đó là mệnh lệnh thiêng liêng, hun đúc khí thiêng của sông núi, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và những giá trị thiêng liêng, cao cả của con người. Bác đã trao cho ông toàn quyền với niềm tin tưởng tuyệt đối: "Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền". Đó là một quyết định lịch sử thể hiện tầm nhìn, sự sáng suốt của Bác.
Đọc hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, ấn tượng đầu tiên là sự giản dị, khiêm nhường của người kể toát lên qua từng chi tiết, sự kiện, giọng điệu. Là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Mặt trận, người chịu trách nhiệm cao nhất về Chiến dịch ĐBP, nhưng trong hồi ký, Võ Nguyên Giáp rất ít nói về mình. Thay vào đó, ông nói nhiều về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, về những người đồng đội, về nhân dân anh hùng. Ông kể về họ với niềm tin yêu, trân trọng, tự hào. Từ những người chỉ huy dạn dày trận mạc, như: Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Lê Quảng Ba, Nguyễn Hữu An, Hoàng Cầm... đến những người lính binh nhất, binh nhì, đều hiện lên chân thực, sinh động qua lời kể của ông. Chữ "tôi" rất ít xuất hiện trong cách kể của ông. Theo nhà văn Hữu Mai, khó khăn lớn nhất trong quá trình thể hiện hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải làm sao lược bỏ bớt chữ "tôi". Nhà văn Hữu Mai nhớ lại: "Đây không còn là câu chuyện về chữ nghĩa, mà là câu chuyện về tầm vóc, nhân cách của con người.
Kể về Chiến dịch ĐBP, Võ Nguyên Giáp có quyền nói về mình, về những đóng góp lớn lao của ông cho chiến thắng, bởi chính ông là người đưa ra quyết định cuối cùng và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước mỗi trận đánh. Đó là sự thật hiển nhiên đã đi vào lịch sử. Song, Võ Nguyên Giáp đã không làm thế, ông ẩn mình sau mỗi chiến công, hòa vào đội ngũ điệp trùng của nhân dân đánh giặc. Với ông: "Trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc, mỗi người có góp phần của mình, đều cảm thấy tự hào. Riêng trong chiến dịch này, nếu thiếu tấm lòng thương yêu rộng lớn của nhân dân, chẳng quản gian lao, không sợ hiểm nguy, chăm lo từng viên đạn, hạt gạo, thì bộ đội ở nơi tiền tuyến xa xôi này không thể nào chiến thắng quân giặc". Trong một cuộc trò chuyện với các nhà báo phương Tây, khi nghe những lời ngợi ca của họ, ông bình thản trả lời: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân VN là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng huyền thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".
Tháng 11/1998, trên Tạp chí George, John Kennedy đăng bài Trí tuệ bậc thầy, kể lại cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi được hỏi: "Ai là vị tướng VN giỏi nhất?", ông trả lời ngay: "Nhân dân VN". Những điều nói trên đã phần nào cho thấy quan điểm, lối sống, nhân cách của Võ Nguyên Giáp. Ông không màng đến danh vọng cá nhân, không tuyệt đối hóa vai trò cá nhân trong lịch sử. Daniel Roussel - đạo diễn Pháp, người đã nhiều lần phỏng vấn Võ Nguyên Giáp - nhận xét: "Tướng Giáp không bị hình ảnh của một anh hùng, một nhà chiến lược quân sự có tầm vóc quốc tế che khuất, ông luôn luôn tỏ ra là một con người rất đỗi bình thường". Đây là điểm gặp gỡ trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh. Ông trở thành vĩ nhân ngay trong sự giản dị, khiêm nhường.
(Còn tiếp...)
(1). Những trích dẫn của hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử đều lấy trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 2018.