Từ khát khao hòa bình đến chiến thắng chấn động địa cầu:

Bài 4: Chiến thắng Điện Biên Phủ là ngọn gió làm thay đổi lịch sử

Thứ Năm, 25/04/2024 10:07

|

(CATP) Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là một chiến thắng có tính biểu tượng đối với toàn thế giới, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, mở ra một cánh cửa thời đại mới không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho nhiều nước thuộc địa khác đứng lên giành độc lập

Điện Biên Phủ: Ngọn gió của lịch sử

Tại Pháp, trong những ngày gần đến thời điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều tờ báo đề cập đến sự kiện lịch sử này, như tờ Le Figaro Magazine cách đây vài ngày chạy tít lớn có vẻ "lên gân": Cuộc chiến của những người hùng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, dành trang bìa đăng ảnh lính viễn chinh Pháp đang xung phong ở Điện Biên Phủ cách nay 70 năm. Dù có vẻ "lên gân" nhưng từ lâu lịch sử nước Pháp và tất nhiên cả báo chí Pháp đã phải thừa nhận rằng Điện Biên Phủ sụp đổ là hồi chuông báo tử cho giấc mơ cố gắng giữ lại thuộc địa ở Đông Dương, và cả hệ thống thuộc địa thực dân cũ của đế quốc Pháp cũng tan rã theo sau đó.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện làm thay đổi thế giới vào thời điểm đó, làm rung chuyển hoàn toàn địa chính trị khu vực và thậm chí toàn cầu. Trong lịch sử của quá trình phi thực dân hóa, trận đánh Điện Biên Phủ là lần duy nhất một đội quân chuyên nghiệp ở Châu Âu bị đánh bại hoàn toàn trong một trận đánh chính quy. Thất bại ở Điện Biên Phủ không chỉ đánh dấu sự kết thúc của đế quốc Pháp ở Viễn Đông mà còn là sự khích lệ cho các phong trào giải phóng dân tộc khác trên thế giới.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Chỉ vài tuần sau ngày 07/5/1954 lịch sử, người dân ở một thuộc địa khác của Pháp ở Châu Phi là Algeria đã nổi dậy, bắt đầu một cuộc chiến cũng không kém phần khốc liệt và đẫm máu kéo dài 8 năm, để giành độc lập.

Do vậy có nhà sử học nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ là ngọn gió của lịch sử, không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là một chiến thắng có tính biểu tượng đối với toàn thế giới, mở ra một cánh cửa thời đại mới không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn nhiều nước thuộc địa khác, nhất là đối với các dân tộc thuộc địa đang sống dưới sự áp bức, đô hộ của thực dân Pháp như Algeria, Maroc, Tunisia...

Ông Jean Pouget - sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Navarre, đã gọi Điện Biên Phủ là một "sự kiện thế giới", với một làn sóng gây chấn động khắp hành tinh, biến Việt Nam thành một "lãnh thổ dẫn đường".

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi lịch sử, làm lung lay dữ dội nền tảng, sức mạnh của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ không chỉ của Pháp mà còn của một số quốc gia thực dân Châu Âu thiết lập từ những thế kỷ trước. Bắt đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến cuối thế kỷ 20, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân về cơ bản đã sụp đổ do phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vùng lên rất mạnh mẽ.

Có một chi tiết đáng lưu ý mà các nhà sử học còn ghi lại, là Mỹ rất muốn can thiệp sâu hơn để cứu Điện Biên Phủ nếu Anh cũng tham gia, nhưng người Anh từ chối. Cuối cùng, người Mỹ không hề làm gì để can thiệp, để ngày 07/5/1954 tướng De Castries và bộ tham mưu của ông ta bước ra khỏi hầm đầu hàng. Nhưng người Mỹ đâu muốn từ bỏ Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam, nên sau 1954 bắt đầu lao vào miền Nam Việt Nam, và sau đó cũng thất bại ê chề vào năm 1975. Đó là hậu quả của việc người Mỹ không rút ra bài học nào của Pháp ở Điện Biên, để tạo ra một thất bại khác còn bi kịch hơn người Pháp.

Với Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đưa Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp trở thành những nhân vật lịch sử vĩ đại. Trên hết, với chiến thắng đó, dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève. Đây là một hiệp định có sự chi phối của các nước lớn nhưng buộc người Pháp phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương.

Điện Biên Phủ làm chao đảo chính trường Pháp và cả De Gaulle

Với thực dân Pháp, với De Gaulle, thất bại trong trận Điện Biên Phủ được coi là nỗi niềm cay đắng nhất của giới cầm quyền Pháp trong lịch sử hiện đại. Sau thất bại này, chính trường Pháp luôn rơi vào tình trạng chao đảo, thậm chí hỗn loạn.

Trong bài "Nền Cộng hòa thứ tư - một nền cộng hòa bất ổn" (Fourth Republics - Republics of Instability), tác giả John D. Huber viết: Ra đời từ năm 1946 và tồn tại đến năm 1958, nền Cộng hòa thứ tư của Pháp đã phải trải qua những cơn chao đảo chưa từng có trong lịch sử. Trong vòng 12 năm, chính phủ Pháp đã phải thay đổi tới 24 nội các với 22 thủ tướng, bình quân cứ 6 tháng lại có một nội các mới. Từ sau trận Điện Biên Phủ, nội các của nền Cộng hòa thứ tư còn thay đổi nhanh hơn, bình quân mỗi nội các chỉ tồn tại chưa đầy 6 tháng, có nội các chỉ tồn tại chưa đầy bốn tháng".

Người Pháp không thể hình dung được quân ta có thể kéo pháo vào gần trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Bản thân De Gaulle, một chính khách bảo vệ chế độ thực dân và chỉ có mục đích duy nhất là bảo tồn đế quốc Pháp, thông qua những chính sách canh tân dưới cái vỏ Liên hiệp Pháp (thực chất vẫn là hình thức thuộc địa của Pháp), thì sau thất bại Điện Biên Phủ nhiều năm, ông mới bắt đầu thay đổi quan điểm.

Năm 1966, trong chuyến thăm Campuchia, De Gaulle mới có sự thay đổi cơ bản về quan điểm, khi cho rằng các dân tộc trên thế giới phải có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Sự thay đổi quan điểm của De Gaulle trên thực tế đánh dấu sự chấm hết của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Trong bài phát biểu nổi tiếng ngày 01/9/1966 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh - Campuchia, De Gaulle thách thức Mỹ với tuyên bố: "Các dân tộc có quyền tự quyết", trước mắt đưa cuộc chiến ở Algeria kết thúc sau 8 năm người dân Algeria nổi dậy chống lại thực dân Pháp. Trước đó, quân đội Pháp đã tuyệt vọng cố thủ ở Algeria với mong muốn vớt vát lại một chút danh dự - mà họ cho rằng đã bị đánh mất trước đó ở Điện Biên Phủ. Trong bài phát biểu nổi tiếng này, De Gaulle bất ngờ tuyên bố ủng hộ sự trung lập của Campuchia, lên án bộ máy chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi Mỹ thương lượng để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.

Cuộc cách mạng ngoại giao này là một quá trình trưởng thành chậm chạp của chính De Gaulle, cho thấy ông đã đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao lâu đời để bảo vệ quyền lợi của thực dân Pháp, làm nước Pháp bị cô lập trên chính trường thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.

De Galle tuyên bố Pháp ủng hộ việc trung lập hóa Campuchia và bênh vực quyền "tự quyết" của các quốc gia hậu thuộc địa. Đây là sự thay đổi căn bản, có tính bước ngoặt sau một thời gian dài đã dứt khoát bác bỏ nó. De Gaulle đã khiến người Mỹ nổi giận, khi nhắc nhở rằng Washington không thể bắt người Châu Á "phải theo luật của người ngoại quốc đến từ bờ bên kia Thái Bình Dương, cho dù mục tiêu của họ có là gì đi nữa". De Gaulle còn đi xa hơn khi miêu tả Mỹ như những kẻ xâm lược nguy hiểm. Việc leo thang quân sự của Mỹ ở Việt Nam dưới mắt ông "ngày càng bị lên án bởi nhiều nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và kết cục, ngày càng đe dọa hòa bình thế giới".

Rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới, thay đổi cả nhận thức của chính De Gaulle, một nhân vật từ lâu kiên quyết bảo vệ chế độ thực dân, đứng về phía thực dân. Từ một vị tướng mang nặng đầu óc thực dân, quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Đông Dương, De Gaulle đã trở thành một biểu tượng đấu tranh cho sự bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, lên án Mỹ đang vận hành một cỗ máy chiến tranh quá lớn ở Việt Nam. De Gaulle - một anh hùng của nước Pháp đã tìm lại vị trí của mình trong lịch sử khi biết nhận ra sai lầm, vượt qua chính mình, vượt qua bi kịch lịch sử, để đến hôm nay lịch sử thế giới vẫn ghi nhận có nhân vật De Gaulle biết lắng nghe tiếng nói của lương tri và nhận được sự kính trọng của lịch sử.

"Ngài có muốn hai quả bom nguyên tử không?"

Người Pháp và cả Mỹ cũng không dễ dàng chấp nhận thất bại ở Điện Biên Phủ. Lịch sử còn ghi lại những nghi vấn rằng khi Pháp bị dồn vào đường cùng ở Điện Biên, đã một số người ở Mỹ dường như tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, khi người Pháp kêu gọi Mỹ giúp đỡ trong tuyệt vọng. Nhân vật hiếu chiến nhất bên phía Mỹ lúc này là phó Tổng thống Richard Nixon, dù khi đó không có quyền lực chính trị và Đô đốc Radford, chủ tịch Hội đồng Liên quân Mỹ. Một nhân vật khác cũng rất hiếu chiến là Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, người luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến chống Cộng sản. "Ngài có muốn hai quả bom nguyên tử không?" - đây là những lời được cho là của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles nói với Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault hồi tháng 4/1954 theo trí nhớ của nhà ngoại giao Pháp cấp cao này. Đề nghị này gây sốc, vì trên thực tế, Ngoại trưởng Dulles không bao giờ có quyền đưa ra một đề xuất như vậy và cũng không có chứng cớ rõ ràng ông Dulles đã nói như vậy. Có khả năng trong bối cảnh dồn vào đường cùng, những người Pháp hoảng hốt đã "hiểu lầm" câu nói của ông Dulles hay có thể lời của ông đã bị mất ý khi qua phiên dịch. "Ông ấy thật sự không đề xuất gì cả, ông ấy chỉ gợi ý và đặt câu hỏi mà thôi. Ông ấy đã thốt lên hai từ chết chóc: bom hạt nhân", ông Maurice Schumann, cựu Ngoại trưởng Pháp, nói trước khi ông qua đời hồi năm 1998, như để giải tỏa cho chính Dulles.

(Còn tiếp...)

Bài 3:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang