Sự kiêu ngạo của De Castries
"Tôi sẽ đội chiếc mũ này để Việt Minh dễ nhận ra mục tiêu" - De Castries vốn kiêu ngạo và rất kiêu ngạo khi xây dựng xong cứ điểm Điện Biên Phủ như một pháo đài "bất khả xâm phạm", đã nói như vậy khi chiến dịch Điện Biên Phủ chưa bắt đầu, nhưng chẳng bao lâu sau, viên tướng thực dân này đã bị bắt sống.
Trong hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại những hình cảnh cuối cùng của chiến dịch lẫy lừng này: "Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật lập tức dẫn Đại đội 360 (Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209) luồn dưới làn đạn với những khẩu trọng liên bốn nòng, băng qua cầu Mường Thanh. Nhận thấy quân địch hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật cho bộ đội rời giao thông hào đầy ắp quân địch, nhảy lên mặt đất, dùng một lính ngụy dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh tới sở chỉ huy của De Castries".
"Các đài quan sát báo cáo về: Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, 312 từ phía Đông tiến qua cầu Mường Thanh, 308 từ phía Tây mở đường qua sân bay, và từ phía Tây Nam mở đường vào Lili, hướng về sở chỉ huy của De Castries. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ". "... Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều. Anh Hoàng Văn Thái luôn luôn nhắc các đơn vị: Bao vây chặt, không để một tên nào chạy thoát". 5 giờ 30 chiều, 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu Trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries".
Tướng De Castries bị bắt tại Điện Biên Phủ
Trong hồi ký "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” (NXB QĐND, 1964), Thượng tướng Hoàng Cầm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, đã kể lại câu chuyện buổi chiều 07/5/1954 lịch sử, với sự kiện tổ của Đại đội 360 của Tạ Quốc Luật và Hoàng Quang Vinh đã vượt cầu Mường Thanh, tiến vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries và những lời hỏi cung đầu tiên với viên tướng Pháp này: Điện của đại đoàn, của Bộ chỉ huy mặt trận dồn dập yêu cầu báo cáo về việc bắt sống De Castries và việc quân nó ra hàng. Tôi lệnh cho Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật giải ngay De Castries về Sở chỉ huy của trung đoàn. Đồng chí Trần Quân Lập, Chính ủy Trung đoàn hỏi nó bằng tiếng Pháp:
- Đơn vị của anh ở Hồng Cúm hàng chưa?
- Tôi bị đứt liên lạc với Hồng Cúm.
- Anh đã báo cáo với Hà Nội thế nào?
- Tôi đã báo cáo cho tướng Cogni là Điện Biên thất thủ rồi, tuyệt vọng hoàn toàn.
- Trước kia anh có viết truyền đơn thách chúng tôi phải không?
- Mong ông hiểu cho, Hà Nội làm việc đó chứ không phải tôi.
Sau đó tại Sở chỉ huy của Đại đoàn 312, khi cán bộ ta hỏi De Castries: "Để khỏi mang danh là viên tướng nòi của một cường quốc bị bắt sống, Bộ tổng chỉ huy của các ông đã điện yêu cầu ông tự sát thì nước Pháp sẽ tri ân và suy tôn ông là anh hùng trong cuộc chiến tại Việt Nam. Ông đã hứa "xin tuân lệnh", sao không thực hiện?". De Castries trả lời: Thưa ngài! Tôi thấy mình cần có trách nhiệm với hàng ngàn thương binh và binh sĩ dưới quyền để chia sẻ, chịu chung số phận với họ”.
Chân dung chiến trận của vị tướng thất trận là như vậy đấy!
Sĩ quan quý tộc "hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp"
De Castries (1902-1991) có cái tên quý tộc khá dài: Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries. Dòng họ "Bá tước De Castries" từng sinh ra một nguyên soái là Bộ trưởng Hải quân Pháp vào thế kỷ 18, một trung tướng, bảy thiếu tướng và bốn thống đốc. De Castries tốt nghiệp Trường kỵ binh Saumur và Trường võ bị Saint Cyr nổi tiếng. De Castries còn là vận động viên có hạng, từng vô địch thế giới về nhảy cao và nhảy xa năm 1935; là kỵ sĩ đua ngựa giỏi.
Tốt nghiệp, De Castries tham gia chiến đấu chống phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2. Năm 1940 De Castries bị bắt, đã trốn thoát từ trại tù binh của Đức năm 1941 và tham gia chiến đấu với lực lượng đồng minh ở Bắc Phi, Ý, Nam Pháp và Nam Đức.
Năm 1946, thiếu tá De Castries được phái đến Đông Dương, đã chỉ huy nhiều cuộc hành quân bình định vùng Hưng Yên, Ninh Bình, từng bị thương nặng gãy hai chân, được đưa về Pháp chữa trị. Khi ra trận, thường De Castries có dáng điệu rất oai phong với chiếc mũ ca lô đỏ đội lệch trên đầu, cổ thắt chiếc khăn đỏ sặc sỡ. Do di chứng của thương tích, De Castries thường cầm cây gậy bằng hợp kim nhôm nhẵn bóng.
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về tuyến sau. Ảnh: TL
Ngày 07/12/1953, đại tá De Castries được chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trả lời câu hỏi vì sao lại trao quyền chỉ huy Điện Biên Phủ (đáng lẽ phải là một viên tướng) cho một đại tá, Navarre - tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương trả lời: "Tôi khẳng định, trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Castries". Với sự tin tưởng ấy, De Castries rất hãnh diện, ông ta đã ra sức xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài "bất khả xâm phạm" chưa từng có ở Đông Dương. Chính Navarre đã nhận định, không một quan chức dân sự, quân sự nào kể cả Pháp lẫn Mỹ đến thăm Điện Biên Phủ mà không ngạc nhiên về sức mạnh phòng thủ của nó và không tỏ cảm tình với De Castries.
Chủ quan về tính "bất khả xâm phạm" của Điện Biên Phủ, De Castries với tâm lý là kẻ mạnh, lệnh cho máy bay rải truyền đơn khiêu khích, thách thức quân ta tấn công. Thậm chí một tuần trước khi quân ta nổ súng mở màn chiến dịch, Navarre có ý định bổ sung cho Điện Biên Phủ 3 tiểu đoàn để tăng cường phòng thủ, song De Castries đã khước từ. Và De Castries phải trả giá đớn đau. Đến giữa tháng 4/1954, khi đã mất sân bay Mường Thanh và vòng vây ngày càng bị quân ta siết chặt, De Castries bắt đầu hốt hoảng. Chiếc mũ ca lô đỏ đội lệch và cây gậy bị "bỏ quên", thay vì đi kiểm tra, đốc chiến, suốt ngày De Castries ngồi lì trong hầm sở chỉ huy chất đầy các bao cát dày tới 3m, gào thét vào điện thoại và yêu cầu tăng viện.
De Castries được thăng hàm thiếu tướng vào ngày 16/4/1954, như chiêu khích tướng của Navarre trong một nỗ lực nhằm khích lệ tinh thần của một vạn rưởi quân đang ngụp lặn trong các chiến hào ở Điện Biên Phủ. Hai tuần sau, ngày 07/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Castries bị bắt làm tù binh.
Khác với các chính khách, tướng lĩnh khác từng thất trận ở Việt Nam như Charles de Gaulle, Henri Navarre..., De Castries không viết hồi ký. Tuy nhiên, trước khi được trao trả, ông ta đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương".
De Castries không thể tin rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa hề qua một trường lớp quân sự nào. "Nhất định Tướng Giáp đã tốt nghiệp tại học viện quân sự cấp cao ở Nga Xô hoặc ở Mỹ...", De Castries tin vậy. "Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông".
Sau thất trận tơi tả ở Điện Biên Phủ, năm 1959 De Castries rời quân ngũ và qua đời ngày 29/7/1991 tại Paris, Pháp.
Các tướng lĩnh Pháp đổ lỗi cho nhau
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, đánh dấu chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta, mở ra điều kiện kết thúc sự hiện diện của quân đội Pháp ở Đông Dương. Thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ là nỗi đau của nước Pháp thực dân. Ngày 31/03/1955, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Pierre Koenig ban hành nghị định về việc thành lập Ủy ban điều tra quân sự về thất bại ở Điện Biên Phủ, do Đại tướng Catroux làm chủ tịch. Sau nhiều phiên điều trần của những tướng lĩnh quân đội Pháp tham gia chiến dịch, Ủy ban đã có các kết luận trong báo cáo chính thức "sẽ không bao giờ được công bố". Năm 2015, toàn bộ tài liệu lưu trữ trong 9 hộp các-tông liên quan đến Ủy ban điều tra quân sự được giải mật.
Các tài liệu giải mật cho thấy, các tướng lĩnh cao cấp Pháp đổ trách nhiệm cho nhau về thất bại này. Tướng Henri Navarre, tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh tại Đông Dương đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra về thất bại của chiến dịch. Trong đó phía Cogny - chỉ huy lực lượng lục quân Bắc Việt Nam đổ hết trách nhiệm lên Navarre, dù tướng Cogny bị Ủy ban này cho là có năng lực yếu kém. Còn Navarre thì còn tuyên bố với Ủy ban điều tra rằng: "... Tôi không biết gì về Đông Dương" khi được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh tại Đông Dương.
Trước Ủy ban điều tra, tướng Navarre cũng chỉ trích sự lạc quan thái quá lúc ấy của phần đông quan chức chính trị và quân sự vào thời điểm ông tiếp quản Đông Dương. "Khi đến Đông Dương, tôi đã phần nào bị ảnh hưởng bởi tâm lý lạc quan ngự trị vào thời điểm đó. Sau đó tôi đã dần dần cảm thấy sự lạc quan là sai lầm nhưng vẫn không tránh khỏi bị ảnh hưởng trong kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ của tôi".
Tướng Navarre nói "không biết gì về Đông Dương" nhưng chính ông ta đã viết nên "Kế hoạch Navarre", để rồi chôn vùi danh tiếng và cả tướng De Castries cũng hàng ngàn sĩ quan, binh sĩ ngay tại Điện Biên Phủ.
(CATP) Vì sao thực dân Pháp lại chọn Điện Biên Phủ chứ không phải Hà Nội hay vùng đồng bằng làm tập đoàn cứ điểm trong một trận chiến có tính chất quyết định đến thắng bại của cả cuộc chiến tranh? Người Mỹ đã tận lực giúp Pháp hơn 4 tỷ đô la và số lượng khí tài quân sự khổng lồ, với 40 vạn tấn vũ khí, 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải...