Từ khát khao hòa bình đến chiến thắng chấn động địa cầu:

Bài 2: Âm mưu của thực dân Pháp khi chọn Điện Biên Phủ làm tập đoàn cứ điểm

Thứ Ba, 23/04/2024 11:09

|

(CATP) Vì sao thực dân Pháp lại chọn Điện Biên Phủ chứ không phải Hà Nội hay vùng đồng bằng làm tập đoàn cứ điểm trong một trận chiến có tính chất quyết định đến thắng bại của cả cuộc chiến tranh? Người Mỹ đã tận lực giúp Pháp hơn 4 tỷ đô la và số lượng khí tài quân sự khổng lồ, với 40 vạn tấn vũ khí, 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải...

Vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc Việt Nam và cả Đông Dương

Nhiều bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ thắc mắc, vì sao người Pháp không chọn Hà Nội hay Hải Phòng, vùng đồng bằng sông Hồng làm cứ điểm mà lại chọn thung lũng Điện Biên Phủ để làm cứ điểm chiến lược và "chết" ở đó? Điện Biên Phủ trước đây thuộc tỉnh Lai Châu, nay thuộc tỉnh Điện Biên, có một vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc Việt Nam và cả Đông Dương. Đây cũng là vùng kinh tế trù phú, rừng núi bao la điệp trùng đan xen những thung lũng.

Vùng Điện Biên còn có tên gọi là Mường Then (Mường Trời) hoặc Mường Theng - lâu nay chúng ta vẫn quen gọi là Mường Thanh - nơi có cánh đồng Mường Thanh, nằm trên trục đường từ Thượng Lào qua Lai Châu, xuống Sơn La, về Hà Nội... và từ Tây Nam Trung Quốc xuống miền Trung Việt Nam, Trung Lào. Với chiều dài gần 20km, bề rộng có thể lên đến 8km, Mường Thanh là cánh đồng phì nhiêu nhất của vùng Tây Bắc Việt Nam. Với địa thế đó, Điện Biên là vùng đất văn hóa đa dân tộc, mà một tiếng gà gáy, người dân ba nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc đều nghe.

Xung quanh cánh đồng Mường Thanh là những dãy núi trùng điệp. Phía Tây và phía Nam là dãy núi Pú Xam Xao chạy dọc biên giới Việt - Lào, có đỉnh cao nhất lên đến 1.897m, tạo thành một dãy trường thành thiên nhiên kỳ vĩ. Phía Bắc giáp với Pú Xam Xao là dãy Tây Trang - một hệ thống núi đá vôi, với nhiều hang động tự nhiên hùng vĩ, gần đó là cửa khẩu Tây Trang - cửa ngõ của Điện Biên và cả vùng Tây Bắc thông sang vùng Thượng Lào. Phía Đông có dãy núi cao từ 1.200 - 1.700m, xòe ra ba nhánh ôm lấy cánh đồng Mường Thanh. Về phía Nam có con sông Nậm Núa.

Năm 1888, Điện Biên Phủ bị thực dân Pháp chiếm đóng bởi Auguste Pavie - một "nhà thám hiểm". Từ đầu thế kỷ XX, Điện Biên Phủ là "hạt nhân của đạo quan binh thứ 4" của Pháp ở Bắc Đông Dương. Từ năm 1939, Pháp đã xây dựng một sân bay dã chiến tại đây.

Trong cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945, hàng ngàn quân Pháp từ Lai Châu chạy sang Trung Hoa hòng nhờ quân Tưởng Giới Thạch giúp đỡ. Khi đó, quân Nhật, rồi quân Tưởng đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh và ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ kiềm chế quân Tưởng. Thời điểm này, khu vực Điện Biên rất phức tạp, không phải chỉ có hoạt động của những người cộng sản mà còn các tổ chức khác như Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần lãnh đạo với sự ủng hộ của Tưởng Giới Thạch; quân Nhật bị giải giáp, quân Pháp đan xen nhau rất phức tạp.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Trước tình hình đó, phía ta phải tìm cách quản lý khu vực này nên thành lập Trung đoàn Tây Tiến, tức là Trung đoàn 54 và mở chiến dịch Tây Tiến. Đây là một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng của ta, tiến quân từ Khu III, Khu IV lên Khu X - tức Tây Bắc, vùng Điện Biên Phủ - để khống chế địa bàn này.

Navarre ảo tưởng với kế hoạch của chính mình

Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội lý giải vì sao ta và Pháp lại quyết chiến ở Điện Biên Phủ chứ không phải Hà Nội. Ông cho biết, quân Pháp không thể xây dựng được căn cứ ở đồng bằng sau 8 năm trở lại xâm lược Việt Nam, trên chiến trường dần lâm vào thế phòng ngự bị động, nên lựa chọn Điện Biên Phủ làm nơi xây dựng tập đoàn cứ điểm với ý đồ tiêu diệt quân chủ lực của ta.

Ngày 07/5/1953, đại tướng Henri Navarre được chính phủ Pháp bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay cho người tiền nhiệm Raoul Salan, với hy vọng có thể xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự, bảo toàn thể diện cho nước Pháp sau thể chiến thứ 2. Đây được xem là kế hoạch tham vọng nhất của Pháp nhằm bảo đảm quyền cai trị tại Đông Dương, hoặc để chiếm thế thượng phong trong đàm phán.

Ngày 19/5/1953, Navarre đến Sài Gòn nhậm chức, trở thành vị Tổng chỉ huy thứ bảy của Quân đội viễn chinh Pháp vùng Viễn Đông. Ngày 03/7/1953, Navarre trở về Pháp sau gần một tháng nghiên cứu thực địa tại Đông Dương và trình lên Bộ Quốc phòng Pháp kế hoạch Navarre (còn gọi là kế hoạch 09) nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương.

Tướng Navarre sang Việt Nam với ý đồ không dàn quân chiếm lĩnh nhiều nơi mà sẽ tập trung lực lượng lại thành khối lớn, tạo thành sức mạnh để đánh với quân chủ lực của ta.

Sau khi khảo sát, Navarre đã tập trung lực lượng để xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất tại đây. "Navarre đã chọn vùng đồng bằng nhưng không thành công nên quyết định lựa chọn Điện Biên Phủ. Quân Pháp đánh giá Điện Biên Phủ là nơi có thể hút được chủ lực của ta lên và thuận lợi cho họ dùng hỏa lực để tiêu diệt". Trung tướng Đặng Quân Thụy nhận định, đây là đánh giá rất chủ quan của Bộ tham mưu quân đội Pháp, họ có ý đồ dụ chủ lực của ta lên Điện Biên Phủ và dùng sức mạnh để đánh bại chủ lực của ta, sau đó làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc. Do vậy Navarre tập trung mọi cố gắng nên quá trình xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ diễn ra rất nhanh.

Đầu tiên, một vài tiểu đoàn của Pháp nhảy dù xuống Điện Biên, sau đó dần dần phát triển lực lượng, tăng quân dần lên. Quá trình đó diễn ra rất nhanh, lúc đầu chỉ mấy tiểu đoàn dù, sau đó thả pháo, xe tăng, bộ binh xuống và nhanh chóng hình thành tập đoàn cứ điểm lớn và mạnh. Tổng số địch ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên tới 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, cùng với pháo binh, công binh, xe tăng và nhiều máy bay. Với lực lượng như vậy, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là "một pháo đài bất khả xâm phạm".

Kéo địch ra mà đánh

"Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bác Hồ về việc Pháp tập trung quân lại để tiêu diệt chủ lực của ta, Bác đã nói "ta không sợ, ý đồ của họ muốn tập trung thì ta buộc họ phải phân tán ra và ta đánh".

Thực hiện chỉ đạo chiến lược đó, ta mở nhiều chiến dịch ở miền Trung, miền Nam, cả ở Thượng Lào và Hạ Lào, buộc quân địch phải rải quân ra chống cự, làm thất bại ý đồ của Pháp. Trong khi đó, Navarre tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một "cái bẫy hiểm ác", một "cái máy nghiền khổng lồ".

Sau khi ta giành nhiều thắng lợi quân sự ở hầu khắp các mặt trận trên chiến trường Đông Dương, tháng 12/1953, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn cuộc tấn công đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt, 56 ngày đêm quân ta lần lượt tiến công tiêu diệt và chiếm các cụm cứ điểm lớn của địch.

Chiều 07/5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch. 17 giờ 30 ngày 07/5, tướng De Castries, cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống. Kết thúc chiến dịch, quân đội ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 tên địch, hạ 62 máy bay, 81 đại bác...

Thắng lợi trận Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Navarre, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi. "Các tướng lĩnh quân đội Pháp sau này phân tích cũng không hiểu tại sao Navarre lại chọn chiến trường rừng núi xa xôi như Điện Biên, nhiều người đánh giá Navarre là người không hiểu tình hình", Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết.

Mỹ đã viện trợ cho Pháp hơn 4 tỷ đô la

Để thực hiện kế hoạch Navarre, trong hoàn cảnh Pháp đã kiệt quệ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh xâm lược đã kéo dài quá lâu, trong khi nội các Pháp khủng hoảng liên miên và Pháp yêu cầu Mỹ viện trợ.

Trong khi đó, Mỹ đang rất muốn thể hiện vai trò của mình trong chiến tranh Đông Dương nên "mở hầu bao". Mỹ đã cung cấp 75% chiến phí và hầu hết các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh. Cuối tháng 7/1953, Tổng thống Mỹ Eisenhower quyết định dành 400 triệu đô la cho Đông Dương. Pháp đề nghị Mỹ viện trợ 650 triệu đô la cho niên khóa 1953 và được chấp nhận 385 triệu đô la. Mỹ hứa năm 1954 sẽ tăng viện trợ cho Pháp tại Đông Dương lên gấp đôi. Mỹ cũng chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Tính tới năm 1953, Mỹ viện trợ cho Pháp cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ đô la, trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đô la. Năm 1954, Mỹ tiếp tục viện trợ thêm 1,3 tỷ đô la. Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.

Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1953

Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ, tất cả các quyết định quan trọng đều do người Mỹ quyết định. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến tướng Henri Navarre than phiền trong hồi ký: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”. Để củng cố niềm tin cho người Pháp, ngày 04/11/1953, đích thân Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon tới thăm mặt trận Điện Biên Phủ. Và rồi, đến ngày 07/5/1954, người Pháp đã "chết" ngay tại cứ điểm Điện Biên Phủ...

Bài 1: Chúng ta muốn hòa bình nhưng thực dân Pháp buộc chúng ta cầm súng...
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang