Đề nghị giảng dạy về trật tự an toàn giao thông vào trường học từ sớm

Thứ Ba, 23/04/2024 11:43  | Thanh Hòa

|

(CAO) Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị đưa giảng dạy về trật tự an toàn giao thông vào trường học từ sớm, để rèn luyện ý thức tham gia giao thông cho các em học sinh ngay từ nhỏ.

Sáng 23/4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Trình bày dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... trong đó đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giám sát

Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; chậm khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, xử lý các kiến nghị điểm “đen”, tiềm ẩn về tai nạn giao thông.

Đặc biệt là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một phận người dân, người tham gia giao thông còn hạn chế, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nhiều phương tiện thay đổi kết cấu, nâng tải trọng hoặc quá niên hạn sử dụng nhưng chưa được phát hiện, công tác quản lý hậu đăng ký, đăng kiểm vẫn còn xem nhẹ. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.

Đoàn giám sát chỉ rõ, các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường bộ còn có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội, thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý giao thông đường bộ luôn có sự thay đổi, đôi khi gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng, thực hiện.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kiến nghị, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật TTATGT đường bộ bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát chú ý và đánh giá thêm 2 nội dung, đầu tiên là ý thức của người tham gia giao thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tham gia thảo luận

“Ý thức của người tham gia giao thông cơ bản tốt, nhưng có một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức rất kém, sẵn sàng vượt đèn đỏ, vi phạm. Không có gì ngạc nhiên khi vẫn là con người đó, nếu ra nước ngoài thì chấp hành rất tốt quy định TTATGT ở nước ngoài, còn trong nước thì cứ vi phạm. Điều đó chứng tỏ hệ thống xử lý của chúng ta là chưa nghiêm”, bà Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đưa giảng dạy về TTATGT vào trường học từ sớm, để rèn luyện ý thức tham gia giao thông cho các em học sinh ngay từ nhỏ.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng "tăng chế tài" đối với hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ về đảm bảo TTATGT.

Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát đã được cân nhắc kỹ lưỡng và rất ý nghĩa.

Góp ý cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng ký lưu hành đăng kiểm các phương tiện giao thông, nếu không có tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải thì khó có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần những phương tiện đã quá cũ và lạc hậu, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy cơ cao về an toàn, tác động đến kết cấu hạ tầng nói chung và đường bộ nói riêng.

Đồng thời, tiếp tục tăng phân kỳ đầu tư hạ tầng giao thông đối với các tuyến cao tốc, lưu ý đến việc đầu tư có hệ thống, từ hạ tầng đến trạm dừng nghỉ; bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý, kiểm soát tải trọng xe.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đoàn giám sát cần làm rõ việc thực hiện pháp luật về đảm bảo TTATGT theo thời gian, so sánh trước và sau khi có các luật điều chỉnh; từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, chi tiết cho phù hợp với đời sống người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang