Chiến thuật đánh vào "dạ dày" Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 06/05/2024 07:01

|

(CATP) Chiến trường Điện Biên Phủ được thực dân Pháp kỳ vọng là "cối xay thịt" Việt Minh và tập trung lên cứ điểm này hơn 12.000 quân để thực hiện âm mưu thâm độc này. Tuy nhiên, cách đây 70 năm, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã "thắt nút, phong tỏa" thành công sân bay Mường Thanh, thực hiện chiến thuật đánh vào "dạ dạy" Điện Biên Phủ, khiến tướng Pháp René Cogny thú nhận với một số nhà báo khi đó: "Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta".

Đường băng 'thần chết'

trong cuốn sách "Hồi ức Điện Biên Phủ, những nhân chứng lên tiếng" của 2 nhà sử học người Pháp (Pierre Journoud và Hugues Tertrais) đã thuật lại lời của các nhân chứng mô tả đường băng sân bay Mường Thanh khi bắt đầu vào chiến dịch Điện Biên Phủ đã lập tức trở thành cửa tử của phi cơ tiếp viện: "Trong những giờ đầu tiên của trận đánh, các máy bay vận tải đã từ chối hạ cánh. Những chiếc Dakota và C119 mới đầu thả dù xuống đám ruộng phía đông con đường dẫn đi Isabelle (Hồng Cúm) rồi sau đó mới dám thả dù xuống thẳng trung tâm cứ điểm".

Phương châm "đánh chắc, tiến chắc" của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhắm đến việc triệt tiêu dần sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng hệ thống hào giao thông như những sợi dây thòng lọng mà lính Pháp mô tả "đêm nào cũng nghe tiếng cuốc xẻng dội vào lòng đất, sáng ra đã thấy những đoạn hào mới tiến về phía các lô cốt, bao vây nhiều phía; dồn hỏa lực để hất những phi cơ tiếp viện mon men chở hàng tiếp cận dường băng".

Những nhân chứng là cựu binh Pháp kể lại, "từ ngày 13/3, tức là ngày Việt Minh đặt được những khẩu pháo 105 mm trong các hầm pháo khoét vào sườn núi, phần lớn các phi công không dám hạ cánh vì rất dễ bị bắn tan xác. Tướng Giáp đã đánh vào cái dạ dầy mềm của Điện Biên Phủ, tin tức này lập tức gây hoang mang".

Lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Sau một tuần lễ lâm vào cảnh hạ cánh là bị ăn đạn, Bộ Tư lệnh không quân Đông Dương đã cho phép phi công Pháp thử hạ cánh ban đêm xuống sân bay Mường Thanh trong điều kiện tắt đèn, quan sát đường băng nhờ ánh trăng. Tuy nhiên những đêm sau, khi máy bay vận tải Dakota hạ cánh đã bị bắn, sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt, lính Pháp chỉ còn biết ngóng lên trời chờ tiếp viện bằng thả dù.

Do cần lượng dù khổng lồ để thả hàng xuống Điện Biên Phủ mỗi ngày, Pháp đã cầu viện Mỹ huy động 60.000 chiếc dù ở các căn cứ bên Philippines, Nhật Bản đưa sang Việt Nam. Ernest, một cựu binh Pháp từng bị ném xuống lòng chảo này vào đầu tháng 4/1954 kể lại cảnh đói khát: "Sáng ngày 07/5, Brechignac, sếp của tiểu đoàn dù chỉ huy trận quyết chiến cuối cùng, ông nói trận đánh danh dự của 100 lính dù trong tổng số 700 lính dù còn sống. Sau khi ném hết lựu đạn, toán lính dù xông lên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, báng súng và dao găm với lính Việt. Thật kinh khủng! Và đến 9 giờ thì 2 bên rút về lại chiến hào. Chúng tôi biết thế là đi tong cả rồi, thất bại rồi. Tôi ngạc nhiên vì 3 ngày hôm trước không ăn gì, trừ một hộp cá sacđin lấy từ một xác chết 48 giờ trước".

Đoạt chiến lợi phẩm

những cựu binh Pháp thuật lại nỗi khốn khổ khi đường hàng không bị phong tỏa: "Sáng 16/3, thi hài các vị trung tá pháo binh Pháp chết trận đã được chôn cất tại một góc nào đó mà sau này không ai còn nhớ nữa! Trên trời cao, những chiếc máy bay đầu tiên đang thả dù tăng viện. Khoảng 11 giờ, đơn vị dù đầu tiên đặt chân tới bãi Simone ở phía Nam trung tâm và phía Bắc cứ điểm Isabelle (đặt ở Hồng Cúm).

Khi máy bay vận tải của Pháp thả dù bị trung liên và pháo cao xạ của Việt Minh bắn rát nên phải bay trên cao để bung dù. Dù treo hàng thả từ bầu trời cách mặt đất vài km nên bị gió đẩy dạt đi nhiều hướng, rơi vào tay Việt Minh. Từ ngày 21 đến 30/4/1954, tình hình lương thực, thuốc chữa bệnh cho lính Pháp bắt đầu cạn nguồn vì mặt trận của ta phát động phong trào đoạt dù địch, thu chiến lợi phẩm. Có ngày trời nổi gió đông, rất nhiều dù bay sang hướng tây và đáp xuống trận địa của Viêt Minh.

Máy bay Pháp chở thương binh rời Điện Biên Phủ thường phải đi giữa làn đạn của Việt Minh. Ảnh: Tư liệu

Đội đi tìm dù cứ 1 tổ 3 người, bám theo hướng dù rơi và kéo xuống giao thông hào, nhưng gặp vị trí gần ổ đề kháng và bị địch bắn rát thì làm dấu để ban đêm cảnh giới, sau đó bò lên kéo về. Cựu chiến binh Lê Trung Kiên ở tỉnh Vĩnh Phúc kể, ngày 27/4/1954, có 4 trực thăng của Pháp bay rất cao và thả những chiếc dù lơ lửng kiện hàng lớn. Dù rơi ngoài hàng rào đồn địch, gần ổ đề kháng. Vậy là 2 bên quyết giành dù, nã súng vào những người bò lên phía dù rơi. Phần thắng nghiêng về phía quân ta, hàng được đưa về chiến hào. Khi mở ra, trong kiện có thuốc, rất nhiều đạn, cả đạn pháo 105 mm.

Lính đi đoạt dù chú ý sự kiện có 2 chiếc dù màu đỏ được thả xuống chiến trường. Buổi chiều ngày 27/4/1954, một đơn vị của ta đang bao vây phía tả ngạn sông Nậm Rốm đã nhặt được chiếc dù màu đỏ rơi, bên trong có bánh kẹo, dao cạo râu, một lá thư viết trên giấy pơ luya hồng thơm phức nước hoa của vợ De Castries gửi từ Hà Nội, chúc mừng chồng được thăng lon Thiếu tướng.

Đứt "dây rốn"

báo chí thường nhấn mạnh đến sự kiện đánh Đồi A1. Nhưng với nhiều cựu binh Pháp, dấu ấn khó quên là thông tin "phi cơ không đáp được xuống sân bay Mường Thanh". Từ ngày 17/3, các phi cơ của Pháp bay đến đều được đạn pháo của Việt Minh "chào đón". Trước đó, vào lúc 13 giờ 30 ngày 07/3, chiếc C47 Zoulon của phi đội II/62 do trung úy De Ruffray tiếp đất thành công, vận chuyển 32 người bị thương và cất cánh trong làn đạn. Tiếp đến là chiếc C47 Zoulon Tango do thiếu tá Darde điều khiển đã cố gắng hạ cánh nhưng buộc phải ngóc đầu lên ngay vì máy bay dính 19 phát đạn. Cuối buổi sáng ngày 19/3, trung úy De Biswang là người cuối cùng vượt qua làn đạn bằng chiếc C47, chở 23 binh lính bị thương.

Lực lượng pháo cao xạ của ta bắn máy bay Pháp. Ảnh: Tư liệu

Binh lính Pháp ở chảo lửa liên tục kêu gọi tiếp viện đạn súng cối. Trong đợt tấn công thứ hai cuối tháng 3, quân Pháp đã bắn 500 tấn đạn cối các loại, các dàn pháo 105 và 155 mm chỉ còn 1 cơ số đạn, trong khi đạn dành cho pháo 120 mm không còn. Ngày 06/4/1954, tình hình tồi tệ đến mức chính chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc dự kiến quân Pháp chỉ còn cầm cự được 1 ngày trước khi dự trữ đạn cạn kiệt hoàn toàn.

Tại vùng nội đô, việc chặt đứt đường hàng không tiếp tế của Pháp cho Điện Biên Phủ đã được Việt Minh chủ động đẩy mạnh từ rất sớm. Ngày 31/01/1954, một đơn vị đột nhập đã phá hủy các máy bay C47 đang đậu ở sân bay Đồ Sơn, Hải Phòng. Sân bay Gia Lâm ở Hà Nội bị tấn công vào ngày 05/3 đã gây xáo trộn lớn. Ngày 11/3, pháo 75 mm ẩn mình ở gần sân bay bất ngờ nã vào đường băng sân bay Gia Lâm phá hủy 1 chiếc C 119. Những ngày tiếp theo, pháo tiếp tục bắn vào sân bay phá hủy các phi cơ Morane 500, kho xăng máy bay, chốt chỉ huy không kích (PCIA)...

Trước khi khống chế đường hàng không, Tướng Giáp đã phát lệnh tấn công cứ điểm Him Lam vào đêm 13/3/1954 (Pháp gọi là trung tâm đề kháng Beatrice). Tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE bị xóa sổ chỉ trong một đêm và sa bàn Điện Biên Phủ giống như quả quýt có vỏ dày nhưng bị cắt một mũi, hỏa lực của Việt Minh tiến sâu vào lòng chảo, tiếp cận "trái tim" Điện Biên Phủ là sân bay Mường Thanh.

Khi cầu hàng không bị bóp nghẹt, tướng Cogny thú nhận với một số nhà báo: "Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta".

Bình luận (0)

Lên đầu trang