Những đóng góp quan trọng của CAND trong Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Bài 1: Bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CAND

Thứ Hai, 06/05/2024 06:55

|

(CATP) Để kịp thời chỉ đạo nhiệm vụ công tác Công an trong bối cảnh cả nước đang dồn toàn lực chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ ngày 07 đến ngày 15/12/1953, tại Việt Bắc, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 08.

Cuối năm 1953 Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, hòng biến nơi đây thành căn cứ quân sự lợi hại phục vụ âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Bọn địch hy vọng kiến tạo Điện Biên Phủ trở thành "một pháo đài bất khả xâm phạm". Trước âm mưu của địch, ngay từ đầu những năm 1950, Đảng ta đã chủ trương củng cố, kiện toàn về tổ chức và đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến trong tình hình mới. Ngày 23/11/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 26 - QN/TW về "công tác Công an" cùng nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết quan trọng khác, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, các khóa huấn luyện, trao đổi nghiệp vụ, tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho lực lượng CAND trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.

Để kịp thời chỉ đạo nhiệm vụ công tác Công an trong bối cảnh cả nước đang dồn toàn lực chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ ngày 07 đến ngày 15/12/1953, tại Việt Bắc, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 08.

Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ công tác Công an trong năm 1954 là: "Ở nơi phát động quần chúng giảm tô hay cải cách ruộng đất thì kết hợp với phát động quần chúng trấn áp bọn gián điệp, phản động, cường hào gian ác và biệt kích, thổ phỉ để củng cố trị an nông thôn, bảo vệ giao thông vận chuyển, công xưởng, kho tàng, cơ quan, bảo vệ an toàn hậu phương, đồng thời chỉnh đốn Công an xã, rèn luyện cán bộ. Ở nơi chưa phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất thì đánh mạnh bọn gián điệp, phản động, biệt kích, thổ phỉ, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, công xưởng, cơ quan để củng cố khu mới giải phóng, bảo vệ an toàn hậu phương và củng cố khu căn cứ du kích, mở rộng vùng du kích.

Cả hai nơi đều phải tiếp tục chỉnh đốn tổ chức, đào tạo cán bộ, nâng cao tư tưởng chính sách, tăng cường học tập nghiệp vụ, sửa đổi lối làm việc".

Lực lượng Công an xã đóng góp tích cực trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc đã được Công an các tỉnh tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Năm 1954, ngành Công an được Đảng giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch được xác định là có quy mô lớn nhất và có tính chất quyết định số phận cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) xác định rõ: "Công tác bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CAND trong giai đoạn này", đồng thời chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán như bảo vệ chính trị, chấp pháp, cảnh vệ; chọn những cán bộ có chất lượng về chính trị và trình độ văn hóa để tăng cường công tác nghiên cứu; tranh thủ lúc ta đang giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, địch còn đang hoang mang để mạnh dạn và thận trọng xây dựng cơ sở nội tuyến trong nội bộ địch, tích cực thu thập tin tức tình báo, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh của ta; một mặt tích cực, chủ động vận động quần chúng thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, đồng thời tăng cường lực lượng đánh thổ phỉ, biệt kích, gián điệp, phản động; công tác phòng, củng cố vùng mới giải phóng, bảo đảm an ninh nông thôn, vùng hậu phương và công tác Công an trong vùng địch hậu, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đầu năm 1954, chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, Thường vụ Liên khu ủy V quyết định tập trung tấn công vào hướng địch yếu và sơ hở, nhất là Bắc Tây Nguyên. Ngày 26/01/1954, Chiến dịch Bắc Kon Tum mở màn. Lực lượng Công an Nam Trung Bộ một mặt tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ vững chắc vùng tự do, mặt khác phân công các đội công tác tham gia phục vụ chiến dịch và phối hợp với quân đội bảo vệ chiến dịch.

Bám sát nhiệm vụ được giao, Công an Liên khu V tích cực đi sâu vào vùng đông bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên xây dựng cơ sở, phát động phong trào "phòng gian bảo mật", đẩy mạnh các hoạt động diệt tề, trừ gian ở vùng du kích và vùng tạm chiếm nhằm kiềm chế địch, tạo điều kiện cho hoạt động của ta ở chiến trường chính; đồng thời huy động hàng vạn người tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Lực lượng Công an đã thực hiện tốt nhiệm vụ nắm lai lịch từng người trong các đoàn dân công để chọn lọc những quần chúng tốt, loại bỏ những đối tượng có nghi vấn trà trộn vào nội bộ làm chỉ điểm cho địch. Bộ phận điệp báo Công an Phú Yên do đồng chí Nguyễn Thế Vịnh (Trưởng ty Công an) trực tiếp chỉ đạo còn sử dụng Nguyễn Văn Đạt - Tỉnh trưởng Phú Yên; Lâm Bính - Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh bị Tuy Hòa, cung cấp những nguồn tin hết sức quan trọng giúp Liên khu ủy V và Tỉnh ủy Phú Yên nắm được âm mưu, kế hoạch hoạt động của quân Pháp trong Chiến dịch Atlăng để chủ động đối phó với địch có hiệu quả. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an Phú Yên trực tiếp phục vụ chủ lực và các lực lượng vũ trang khác đánh bại địch trong Chiến dịch Atlăng ở Nam Trung Bộ.

Toán gián điệp (đều là nữ) của Pháp bị lực lượng Công an bắt giữ và khống chế sử dụng, phục vụ công tác bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Ở Nam Bộ, phối hợp với chiến trường chính, các lực lượng vũ trang đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Công an xung phong đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bẻ gãy các trận càn quét của địch vào căn cứ, tiêu diệt địch tại mặt trận Nhị Nguyệt (Bạc Liêu), Long Mỹ (Cần Thơ), cầu Kè (Vĩnh Trà); vận động nhân dân vùng giải phóng tham gia phong trào "bảo mật phòng gian", đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến.

Với những kinh nghiệm rút ra trong việc tham gia phục vụ và bảo vệ các chiến dịch quân sự lớn trước đây, như: Chiến dịch Biên giới, Tây Bắc, Hòa Bình, Bộ Công an đã tổ chức công tác bảo vệ hướng vào các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm. Đối với công tác bảo vệ lãnh tụ và Bộ chỉ huy chiến dịch, lực lượng Công an xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn nhưng bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo. Địa bàn bảo vệ rộng lớn, kéo dài suốt từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc. Trong suốt thời gian ta chuẩn bị cho chiến dịch, địch thường xuyên tung gián điệp ra vùng tự do, bám các tuyến đường chiến lược lên Việt Bắc và Điện Biên Phủ điều tra, thu thập tin tức, âm mưu bắt cóc cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo Đảng, Chính phủ, quân đội. Trong khi đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, tướng lĩnh quân đội lại thường xuyên phải đi thị sát chiến trường để nắm chắc thực tế, chỉ đạo chiến dịch nên công tác bảo vệ càng khó khăn gấp bội.

Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ quân đội, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát động mạnh mẽ phong trào "phòng gian bảo mật" trong mọi tầng lớp nhân dân và các cơ quan đơn vị. Củng cố lực lượng Công an xã, huyện, lập trạm kiểm soát ra vào căn cứ để phát hiện người lạ mặt có hoạt động nghi vấn, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn vào khu vực đóng quân để điều tra, phá hoại. Ở khu vực Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng, Công an lập danh sách số đối tượng hiềm nghi, điều chuyển ra nơi khác để làm trong sạch địa bàn trước khi chiến dịch diễn ra, đồng thời thành lập các đội tuần tra canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Khi các đồng chí lãnh đạo đi kiểm tra, chỉ đạo chiến dịch, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng bảo vệ của Trung ương và quân đội bố trí lực lượng bảo vệ trên suốt tuyến đường, nhất là ở những địa bàn hiểm trở, đèo dốc phức tạp dễ bị kẻ địch lợi dụng địa hình mai phục, tấn công. Trong điều kiện giao thông khó khăn, địch sử dụng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhưng do ta chủ động trong kế hoạch bảo vệ, đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ chuyên trách và sự ủng hộ, giúp đỡ, che chở của nhân dân nên luôn bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo, đồng thời giữ vững an ninh, trật tự nơi cơ quan Đảng, Chính phủ và Bộ chỉ huy chiến dịch đứng chân.

Bảo vệ tuyến giao thông vận tải chi viện cho chiến dịch là một nhiệm vụ lâu dài, gian khổ và phức tạp nhất. Để bảo đảm cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu trên mặt trận bảo đảm cung cấp, vận tải, tiếp tế diễn ra khẩn truơng, quyết liệt suốt ngày đêm trong suốt thời gian chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch. Trên tuyến giao thông dài hàng trăm ki-lô-mét từ vùng hậu phương đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu III, Liên khu IV, vùng tự do Thanh - Nghệ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, căn cứ ATK, vùng mới giải phóng Tây Bắc lên mặt trận Điện Biên Phủ, Trung ương quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Ta đã huy động một lực lượng lớn dân công hỏa tuyến, khoảng hơn 26 vạn lượt người, cùng với 628 xe ôtô, 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện thô sơ, nửa thô sơ để vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, đạn dược phục vụ cho bộ đội đánh giặc ở mặt trận Điện Biên Phủ.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang