(CAO) Người đàn ông tàn tật ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn, mắt anh ngấn nước, giọng nói run run vì xúc động: “Bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng, tui được các sơ mang về nuôi, rồi được đưa về đây chăm sóc. Tên của tui là do sơ đặt nhưng gọi vậy thôi chớ hổng có mảnh giấy tờ gì. Nhờ Trung tâm và mấy anh công an mà tui được làm giấy khai sanh và cấp căn cước (CC). Từ giờ, tui thực sự có tên họ, chỉ ở Trung tâm, không đi đâu nhưng tui cũng mừng dữ lắm!”. Đó là tâm sự của anh Huỳnh Công Viễn (SN 1972). Anh Viễn là 1 trong 117 trường hợp ở Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh được thu thập hồ sơ cấp CC vào sáng 04/8/202, đợt cấp CC này nằm trong kế hoạch 1878/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đến với những số phận nghiệt ngã
Cũng như phần lớn các bệnh nhân được chăm sóc tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh, anh Viễn là người tàn tật, không có người thân, không nơi nương tựa. Họ được các địa phương tiếp nhận và gửi về cơ sở trong tình trạng bệnh tật, sức khỏe kém và không có giấy tờ tùy thân. Với chính sách nhân đạo, chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để họ được chăm sóc tốt nhất.
Tuy nhiên trước khi có Đề án 06, việc làm giấy tờ tùy thân cho các đối tượng là không thể. Từ khi có Đề án 06 và đặc biệt là khi Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM ban hành kế hoạch 1878/KH-BCĐ vào ngày 20/4/2023 (Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp Định danh cá nhân, giải quyết Cư trú và cấp Căn cước đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn), nút thắt trên được tháo gỡ. Việc cấp giấy khai sinh, mã định danh cá nhân và cấp CC cho các đối tượng này được đẩy mạnh với sự quan tâm, vào cuộc của toàn bộ các sở, ban ngành TP.Hồ Chí Minh mà chủ công là lực lượng Công an.
Ông Huỳnh Công Viễn bật khóc khi được cấp CC
Phát huy tinh thần “Hết lòng vì nhân dân phục vụ”, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024) trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP.Hồ Chí Minh đã triển khai lực lượng phối hợp thực hiện khai thác, thu thập thông tin dân cư phục vụ công tác xác minh xác định thông tin. Cùng với đó là nỗ lực của Công an P.Hiệp Bình Chánh, Tổ Công tác Đề án 06 P.Hiệp Bình Chánh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP. Thủ Đức và các đơn vị sở, ngành. Công việc nhiều khi bế tắc, khó khăn như “mò kim đáy bể” bởi lượng thông tin thu thập được quá ít ỏi, sơ sài nhưng cuối cùng cũng thu được quả ngọt, đó là 117 trường hợp bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh được cấp CC vào ngày 04/8/2024.
Công an thu nhận vân tay để cấp CC
Cũng trong dịp này, tiếp tục “Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế” và đồng hành cùng chuỗi hoạt động thực hiện cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện tham gia chuyển đổi số”, Đoàn Thanh niên Công an TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Đoàn các đơn vị trao tặng Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh một bộ máy tính, 4 xe lăn và nhiều nhu yếu phẩm.
Ngồi chờ đến lượt cấp CC, bà Trần Thị Điệp (SN 1955, quê Bến Tre) cho biết, bà không có người thân thích, lưu lạc từ Bến Tre lên TP.Hồ Chí Minh mưu sinh. Thời còn sức khỏe, bà Điệp đi làm thuê, làm mướn, bán vé số kiếm ăn qua ngày. Đến khi không còn sức khỏe, bà xin vào cơ sở và ở đây đã được 11 năm. Bà Điệp chia sẻ trước bà cũng có CMND nhưng bị mất, sau đó không thể làm lại, bây giờ được tạo điều kiện làm CC, bà rất mừng.
Cùng hoàn cảnh với bà Điệp, bà Trần Thanh Hương (SN 1952) – người con lai da màu – chỉ biết cha mình là một người lính Pháp nhưng bà không biết mặt cha. Mẹ mất năm bà Hương lên 10, không nơi nương tựa, bà Hương vào TP.HCM từ trước giải phóng, làm thuê làm mướn kiếm sống. Được đưa về Cơ sở chăm sóc khi không còn đủ sức khỏe, bà Hương cũng không có giấy tờ tùy thân. Tuy được hưởng mọi chính sách nhưng bà vẫn mong mỏi một ngày nào đó được làm giấy khai sinh và CC để “mình còn biết mình là ai” và đến nay, bà đã toại nguyện.
CBCS chỉnh trang phục cho bệnh nhân khi chụp ảnh CC
Sẽ tiếp tục đầy mạnh công tác cấp CC cho nhân khẩu đặc biệt
Cũng trong ngày 04/8, thực hiện ngày hoạt động cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện tiên phong tham gia chuyển đổi số” trong CATP, Đội QLHC Về TTXH Công an Q.12 đã phối hợp với Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người tàn tật Thạnh Lộc tổ chức cấp CC cho người tàn tật thuộc trung tâm với chỉ tiêu thực hiện là 167 người.
Thu nhận vân tay cho bệnh nhân bại liệt tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người tàn tật Thạnh Lộc - Q.12
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Phòng PC06) Công an TP.HCM thông tin, sau hơn một năm triển Kế hoạch số 1878/2023 của Ban chỉ đạo Đề án 06 TP.Hồ Chí Minh, đến nay toàn Thành phố đã cấp được gần 2.000 CCCD/thẻ Căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt.
Theo Trung tá Châu, do đa số những người ở trung tâm bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, là những người lang thang, cơ nhỡ, không có thông tin hoặc có nhưng rất ít nên việc tiến hành thu thập thông tin để cấp giấy khai sinh, cấp thẻ CC rất khó khăn. “Tuy nhiên, không vì khó khăn đó mà lực lượng công an cũng như các sở, ngành không thực hiện mà chúng tôi luôn quyết tâm làm hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau. Do các cô, chú, anh, chị ở Trung tâm đi lại khó khăn nên hôm nay chúng tôi đến tận nơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp họ có thẻ căn cước”- Trung tá Châu nói.
Thu nhận mống mắt của bệnh nhân để cấp CC
Trong thời gian tới, Công an Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Luật căn cước, sẽ cùng các đơn vị có liên quan tổ chức cấp thẻ CC đối với các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các Trung tâm, Cơ sở bảo trợ khác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Trực tiếp điều hành việc đưa các bệnh nhân ra thu thập dữ liệu làm CC, ông Trần Minh Tâm - Phó Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh cho biết, hầu hết các bệnh nhân của cơ sở có hoàn cảnh đặc biệt, không giấy tờ tuỳ thân, không người thân. Từ khi thực hiện Đề án 06, cơ sở nhận được sự hỗ trợ tối đa của các ngành, các cấp, đặc biệt là lực lượng công an, từ cấp địa phương tới Thành phố. Việc cấp CC cho các bệnh nhân có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với họ và tạo thuận lợi cho chúng tôi trong công tác quản lý cũng như đăng ký BHYT cho người khuyết tật. “Có người mới tiếp nhận, cơ sở ra trình báo là Công an P.Hiệp Bình Chánh hỗ trợ ngay, tạo điều kiện tối đa luôn! Chúng tôi vô cùng cảm kích về điều đó!”, ông Tâm chia sẻ.
Để việc thực hiện cấp Căn cước được thuận lợi, kịp thời trong thời điểm Công an Thành phố đang cập nhật lại địa chỉ cư trú theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố về thành lập, chia tách, sát nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn Thành phố, Công an TP.Hồ Chí Minh đề nghị người dân đồng hành chủ động liên hệ Cảnh sát khu vực nơi đang cư trú để kiểm tra thông tin trước khi tham gia cấp Căn cước theo quy định. Đồng thời thực hiện đúng các quy định về đăng ký cư trú, cấp Căn cước và Định danh cá nhân. Quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc liên hệ Công an địa phương nơi đang cư trú để được hướng dẫn, giải quyết. Ngoài ra, công dân có thể gọi đến Hotline về Cư trú và Căn cước của Công an Thành phố số 0693.187.111 để được hướng dẫn.