(CAO) Theo UNICEF, ngày 16/5, sẽ có thêm 1,682 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZenceca qua nguồn COVAX facility được chuyển giao cho Việt Nam.
Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã khẳng định ngày 16/5, sẽ có thêm 1,682 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZenceca qua nguồn COVAX facility sẽ được chuyển giao cho Việt Nam.
Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ nguồn vaccine này cho tất cả các đơn vị địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng phòng, chống dịch COVID-19 theo kế hoạch đã đề ra.
Hiện Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vaccine để đảm bảo đủ vaccine tiêm chủng cho người dân.
Lực lượng y tế Công an TPHCM tiêm vắc xin cho CBCS CATP trên tuyến đầu chống dịch
Song song với đó, Bộ Y tế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo tiêm chủng an toàn của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho người dân.
Tính hết ngày 12/5, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố hoàn thành đợt tiêm chủng vaccine COVID-19, với 942.030 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Đối tượng tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Rất lo ngại lây nhiễm COVID-19 trong các khu công nghiệp
Tính đến sáng 13/5, Việt Nam có tổng cộng 3.658 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.213 ca do lây nhiễm trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến nhanh, xuất hiện tại 26 địa phương. Do đó cần phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch.
"Bộ Y tế rất quan ngại việc lây nhiễm COVID-19 trong các khu công nghiệp, vì vậy Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp để đảm bảo được phòng lây nhiễm trong các khu công nghiệp", Bộ trưởng Y tế nói.
Đối với vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổng thể đánh giá, rà soát lại và đã ban hành nhiều chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận, như sử dụng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, sử dụng gộp mẫu ở mức độ nhiều mẫu, sử dụng kháng thể…
Chỉ đạo việc rà soát lại tất cả những người đã nhập cảnh trong thời gian qua, những người hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, tiến hành xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể ở những người này để đánh giá và tìm kiếm nguồn lây.