Thông tin thêm về loạt bài "Nỗi buồn góc tối pháp y"

Thứ Năm, 01/08/2024 12:00

|

(CATP) Sau loạt bài "Nỗi buồn góc tối pháp y" Báo Công an TPHCM phản ánh về trường hợp giám định pháp y tâm thần (PYTT) có nhiều bất thường của ông Lê Thành Luân (do Viện PYTT Trung ương Biên Hòa giám định), ngày 29/7/2024, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã tiến hành thu thập chứng cứ, lấy lời khai từ những người có liên quan.

Theo đó, chị Đặng Thị Thanh Thúy (người đại diện theo pháp luật của anh Nguyễn Thanh Hà) cho biết, sáng 29/7, chị đã làm việc với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khu vực phía Nam theo giấy mời từ đơn vị này. Tại đây, chị đã cung cấp lời khai, tài liệu, chứng cứ liên quan đến tố giác về nghi vấn làm giả bệnh án tâm thần của Lê Thành Luân.

Trong buổi làm việc, chị Thúy còn cung cấp thêm tình tiết quan trọng: Theo Kết luận giám định (GĐ) PYTT đối với Lê Thành Luân, Hội đồng GĐ gồm có các GĐ viên Bùi Thế Hùng, Nguyễn Thành Quang, Nguyễn Thành Công, Đặng Quốc Tuyên, Nguyễn Văn Trọng. Tuy nhiên, trong phần ký tên lại không có tên và chữ ký của ông Nguyễn Văn Trọng. Thay vào đó lại có tên và chữ ký của bà Trương Thị Xuân Uyên (trong khi bà Uyên không có tên trong danh sách người tham gia GĐ ở mục I của bản kết luận GĐ này)?

Sau phóng sự "Nỗi buồn góc tối pháp y", chị Đặng Thị Thanh Thúy được Bộ Công an mời làm việc, tiếp nhận thêm chứng cứ, tài liệu có liên quan

Hiện, ngoài các ông Hùng, Quang, Công, Tuyên và Trọng (đã bị Cục Cảnh sát hình sự bắt tạm giam) thì đến nay, bà Trương Thị Xuân Uyên cũng đã chung số phận "xộ khám" trong vụ này.

Trước đó, ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã chỉ đạo cho Cục Cảnh sát hình sự khẩn trương mở rộng điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ đề nghị truy tố trước pháp luật; tổ chức hội ý nghiệp vụ để chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương nhận diện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm này thời gian tới; kiên quyết xử lý với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sự minh bạch; làm rõ sơ hở, thiếu sót trong công tác lập hồ sơ bệnh án tâm thần, kết luận GĐ tâm thần để tham mưu Chính phủ chỉ đạo các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực GĐ tâm thần.

Tài liệu mà chị Đặng Thị Thanh Thúy cung cấp cho Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an còn cho thấy, Lê Thành Luân có đăng tải nhiều hình ảnh trên Zalo về hoạt động mua bán xe, làm ăn, đó là chưa nói đến nghi vấn về việc có tin đồn rằng, có người từng thấy Luân xuất hiện bên ngoài Viện PYTT Trung ương Biên Hòa trong quãng thời gian đối tượng này được đưa đi GĐ tâm thần. Tình trạng một số hồ sơ GĐ tại Viện PYTT Trung ương Biên Hòa bị các bác sĩ, GĐ viên, điều dưỡng viên cấu kết với nhau "bùa" ra hồ sơ theo dõi bệnh nhân (bằng văn bản ghi nhận) giả tạo nhằm nhận tiền hối lộ, từ đó làm sai lệch các vụ án là có thật.

Để làm được điều này, ngoài các "thủ thuật" về mặt y khoa, còn có một kẽ hở vô cùng lớn, đó là camera theo dõi bệnh nhân đã bị "vô hiệu hóa" bằng cái gọi là "quy trình chuyên môn". Cụ thể, camera theo dõi bệnh nhân tại Viện PYTT Trung ương Biên Hòa chỉ có thể lưu được 15 ngày và không được trích xuất ra USB hoặc ổ cứng để lưu kèm hồ sơ bệnh án. Vậy thì, việc bệnh nhân có hay không có mặt tại nơi GĐ trong thời gian GĐ, chẳng ai có thể kiểm chứng được!

"Cần một kết quả kiểm chứng thông qua GĐ lại"

Xem qua hồ sơ bệnh án của Lê Thành Luân, lãnh đạo của một Bệnh viện tâm thần tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên (từng là GĐ viên về bệnh tâm thần) đánh giá, để có căn cứ khẳng định bệnh nhân đó có bị bệnh tâm thần (theo danh mục Bộ Y tế quy định) hay không, quan trọng nhất vẫn là quá trình theo dõi lâm sàng (theo dõi GĐ) và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, nhìn vào kết luận GĐ này, có thể thấy "đương sự tỉnh, tiếp xúc được, tư duy nhịp vừa, kết cấu liên quan, không hoang tưởng và ảo giác, cảm xúc lo lắng, hồi hộp, ăn ngủ kém; cận lâm sàng ghi nhận Raven, IQ = 86; Beck = 18; Zung = 43; Điện não đồ: Trạng thái ức chế - suy nhược". "Với những triệu chứng được ghi nhận khá "sơ sài" như vậy thì về mặt chuyên môn, để đưa ra kết luận đương sự này bị bệnh "Rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm (F41.2 - ICD.10)" là còn mơ hồ, chưa thật sự thuyết phục. Không cần phải là một bệnh nhân tâm thần mà một người bình thường làm việc trong môi trường căng thẳng, áp lực cũng sẽ thể hiện các ghi nhận và thông số tương tự. Do vậy, dựa vào các cơ sở nêu trên để kết luận bệnh nhân bị "hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi" là kết quả cần phải xem lại. Phải có kiểm chứng từ một cơ quan có chuyên môn, thẩm quyền GĐ về tâm thần khác để tái khẳng định một kết quả chính xác" - vị bác sĩ này đánh giá.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai) cho biết: Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, "GĐ lại" được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận GĐ lần đầu không chính xác. Việc GĐ lại phải do người GĐ khác thực hiện. Cơ quan trưng cầu GĐ tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu GĐ lại. Trường hợp kết quả GĐ về tâm thần của Lê Thành Luân hiện đang phát sinh nhiều bất thường, cho thấy sai sót và có dấu hiệu không khách quan. Từ cơ sở này, tôi cho rằng có đủ dấu hiệu bất thường để Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ở phiên tòa sắp tới tự mình tiến hành trưng cầu GĐ lại (hoặc tiến hành trưng cầu GĐ lại khi có đề nghị của người tham gia tố tụng) ở một cơ quan có thẩm quyền khác - theo quy định tại khoản 2, Điều 211, Bộ luật này. Làm vậy, sẽ bảo đảm tính chính xác, khách quan, thận trọng trong hoạt động xét xử, tránh gây ra sai lầm khó khắc phục trước và sau khi tuyên xử, nhất là trong bối cảnh Bộ Công an đang thu thập lời khai, tài liệu với những người liên quan về bộ hồ sơ GĐ tâm thần của Lê Thành Luân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang