Vụ giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia trốn bệnh viện tâm thần: Nỗi buồn góc tối pháp y

Thứ Năm, 20/06/2024 11:24

|

(CATP) Chẳng ai ngờ, kết quả giám định pháp y vốn được pháp luật công nhận là chứng cứ giá trị trong hoạt động tư pháp, lại dễ dàng bị "đánh lận" theo cách không tưởng. Chiến công của Cục Cảnh sát hình sự đã lộ góc khuất về giám định pháp y.

Ai ký giấy tâm thần cho kẻ lừa đảo?

Tháng 10/2019, sau khi bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hậu quả gần cả ngàn tỷ đồng, bà Trần Thị Mỹ Hiền (nguyên giám đốc Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia) từ một cao thủ lừa đảo, lại bỗng hóa thành người bị... tâm thần!

Quá trình điều tra, sau yêu cầu từ người nhà bà Hiền, Công an TPHCM đã đề nghị trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Hiền tại một trung tâm giám định pháp y tâm thần (thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa). Sau đó, đơn vị này kết luận "đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

Nghi ngờ kết luận pháp y không khách quan, cơ quan điều tra đã thêm lần nữa đề nghị Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Hà Nội giám định lại. Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, bà Hiền tiếp tục được kết luận "mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi". Qua năm lần bảy lượt đề nghị giám định lại, khi kết quả không thay đổi, Công an TPHCM bắt buộc phải tạm đình chỉ bị can để đưa bà Hiền chữa bệnh bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Một kết quả giám định tâm thần có đến 4 giám định viên vừa bị Bộ Công an bắt, triệu tập làm việc

Vậy nhưng, ngày 18/3/2024, Công an TPHCM nhận được thông báo bà Hiền đã bỏ trốn khỏi viện. Con cá lớn xem như "có cánh" bay ra khỏi chậu! Trách nhiệm lớn nhất trong sự vụ này không đâu xa, thuộc về chính nơi đang quản lý việc chữa bệnh bắt buộc của bà Hiền: Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Khi ấy, người ta từng đồn đoán, việc bà Hiền đi khám bệnh chỉ là để "né” án. Có hẳn một căn phòng "VIP" dành riêng cho "nữ đại gia" mà ở đó, bà ta sống như một bà hoàng, hàng ngày được vô tư gọi điện thoại ra bên ngoài để chỉ đạo việc làm ăn như không có gì xảy ra.

Có lẽ những đồn đoán này sẽ không bao giờ trở thành sự thật, nếu không có cuộc điều tra, khám phá chấn động của lực lượng Cảnh sát hình sự Bộ Công an.

Những kết quả giám định "có mùi"

Theo một bác sĩ, giám định viên của một Trung tâm Pháp y tâm thần thuộc khu vực Tây Nguyên, để xác định một người bị các chứng bệnh tâm thần, từ đó cho ra kết quả giám định họ bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, phải trải qua rất nhiều khâu. Sau đó, bệnh nhân ít nhất phải được theo dõi nội trú trong vòng 4 tuần tại nơi giám định.

Tại đây, nhất cử nhất động của bệnh nhân đều được theo dõi bằng camera, bằng mắt thường và qua thăm khám hàng ngày. Các biểu hiện của bệnh nhân đều được ghi chép kỹ lưỡng, chi tiết. Sau khi xác định bệnh nhân có triệu chứng về tâm thần, sẽ thành lập một Hội đồng giám định để đánh giá, cho ý kiến rồi mới đưa ra kết luận chính thức.

Trên thực tế, không ít những vụ án mà kết quả giám định pháp y "có mùi". Như vụ Tống Thị Bạch Lan (ngụ Quận 7) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt án tử hình về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy". Sau khi Lan kháng cáo, TAND cấp cao tại TPHCM ra quyết định đưa đi giám định tâm thần tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa. Đến ngày 22/7/2020, đơn vị này ra kết luận: "Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

Quá trình giám định tâm thần bắt buộc, bệnh nhân phải trải qua quy trình khắc nghiệt

Từ căn cứ trên, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ bị can, bị cáo Lan phải đi trị bệnh bắt buộc. Ngày 17/8/2020, Lan được đưa đến khoa điều trị bắt buộc nữ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa để điều trị, nhưng chỉ 5 ngày sau Lan bỏ trốn khỏi viện. Oái ăm thay, bỏ trốn được thời gian, Lan lại bị Công an bắt quả tang khi đang mang 10 bánh heroin. Mãi đến khi điều tra về nhân thân của tội phạm, cơ quan Công an mới xác định Tống Thị Bạch Lan chính là kẻ đã trốn ở Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa 2 năm về trước.

Hay như vụ án "cố ý gây thương tích" xảy ra tại xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Lần lượt cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, kết luận giám định pháp y về tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đối với Lê Thành Luân (vừa là bị cáo vừa là bị hại) tiếp tục được các luật sư phân tích ra hoàng loạt dấu hiệu vi phạm về mặt pháp luật. Cụ thể, ngày 17/8/2022, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa ban hành Giám định pháp y về tâm thần số 508/KL-VPYTW, kết luận Luân bị "rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm" nên "bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi xảy ra vụ án".

Điều đáng lưu ý, các bác sĩ, giám định viên tham gia giám định pháp y tâm thần cho Luân lúc trước, nay lại có đến 3 người vừa bị Bộ Công an thực hiện lệnh bắt và một người đang nằm trong diện bị triệu tập lấy lời khai, gồm: Bùi Thế Hùng (nguyên Viện trưởng), Nguyễn Thành Công (Phó viện trưởng), Nguyễn Văn Trọng (Trưởng khoa khám bệnh) và Nguyễn Thành Quang.

Dựa vào căn cứ này, 2 cấp tòa của tỉnh Gia Lai đã xem xét tình tiết giảm nhẹ cho Luân và ngược lại, áp dụng tình tiết tăng nặng cho Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Sanh Thiện. Theo luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai), kết luận giám định pháp y về tâm thần nêu trên đối với Luân có nhiều vi phạm. Theo đó, Hội đồng thực hiện giám định gồm 5 người nhưng chỉ có 4 người có chức danh pháp lý là "giám định viên", riêng bác sĩ Bùi Thế Hùng (nguyên Viện trưởng - người vừa bị Bộ Công an thực hiện lệnh bắt) lại không có chức danh giám định viên là vi phạm về quy định "người có thẩm quyền giám định" theo Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 Ban hành quy trình Giám định pháp y tâm thần và Luật Giám định tư pháp năm 2013.

Hơn thế, Cơ quan tiến hành tố tụng Quyết định trưng cầu giám định tình trạng tâm thần cho Luân nhưng cung cấp chưa đúng, chưa đầy đủ những tài liệu cần thiết, quan trọng cho việc giám định, chưa đầy đủ đối với đối tượng giám định là bị hại theo Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 Ban hành quy trình Giám định pháp y tâm thần; hồ sơ bệnh án của Lê Thành Luân cũng cho thấy, bệnh nhân này chưa từng điều trị các chứng bệnh liên quan đến tâm thần ở các bệnh viện công.

Thêm một tình tiết nghiêm trọng khác, theo tài liệu của vụ án ngày 16/7/2023, Luân cùng một luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho Luân (ở cả 2 vụ án) tìm đến nhà của Nguyễn Thanh Hà tại thị xã An Khê (Gia Lai) để "đề nghị” anh này ký vào các văn bản ngụy tạo (mà 2 người này đã chuẩn bị sẵn) theo hướng: hai bên cùng xin Tòa giảm nhẹ cho nhau, xác nhận đã nhận tiền bồi thường của nhau (?!).

Bình luận (0)

Lên đầu trang