Quảng Nam:

Thót tim cảnh người dân sống dưới dòng điện trung thế

Thứ Ba, 21/07/2015 09:53  | Xuân Hoài

|

(CAO) Mỗi lần mưa, sấm sét là chúng tôi lo lắm, có khi phải ra khỏi nhà kẻo có chuyện gì xảy ra...

Báo Công an TP.HCM nhận được phản ánh của người dân thôn Thạnh Mỹ (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) về việc họ sống dưới, ngay cạnh đường điện trung thế dây trần khiến rất lo âu từ nhiều năm nay…

Không biết chết lúc nào

Ông Trần Văn Hường (63 tuổi, trú tổ 4, thôn Thạnh Mỹ) cho biết, ông mua đất do địa phương đấu giá lô đất 100m2 (bên cạnh có hai lô của 2 hộ khác) gần mười năm nay. Khi mua đất chủ quan không để ý, đến khi xây nhà thì dây điện trung thế lại nằm phía trên phần đất phía sau. Vì thế, ông Hường chỉ dám xây ở phía trước, còn bếp và không gian phụ phía sau phải làm thấp tẹt, trông rất khó coi nhưng cũng đành chịu.

Ba dây trần đường điện trung thế ngay trên mái nhà phía sau của ông Hường

Dẫn chúng tôi ra phía sau, quả thật, chúng tôi cũng rùng mình vì dây điện trung thế nằm cách trên mái trần nhà tắm khoảng 1m, rất nguy hiểm. “Mỗi lần mưa, sấm sét là chúng tôi lo lắm, có khi phải ra khỏi nhà kẻo có chuyện gì xảy ra. Ở mà thót tim nhưng cũng đành thế chứ biết sao giờ”, ông Hường nói.

Theo phản ánh, chúng tôi đi vào phía trong thôn, phía đường điện trung thế chạy xéo vượt qua thửa ruộng, sau đó kéo dài một đoạn dài trong thôn rồi mới đấu ra đường DT 610B.

Đường điện chạy vào thôn trông rất… đáng sợ

Ngay tại trong vườn nhà ông Trần Hữu Thọ, có 2 cột điện đã cũ kỹ chụm vào nhau để làm trụ chính, đã có biểu hiện cong vẹo trông rất nguy hiểm. Ngay dưới là hàng cây cảnh của ông Thọ.

“Có lần tôi sửa nhà, có anh thợ hồ bất cẩn bị chạm tay vào dây điện mà may trúng dây nguội chứ không thì khó bảo toàn tính mạng. Vì trụ điện nằm ngay trước sân nhà tôi, kéo hình chữ V nên rất sợ mưa gió to ngã đổ cột điện thì dây nó sẽ trùm vào nhà tôi”, ông Thọ than thở.

Ngay phía dưới đường điện trung thế là bụi chuối, ngọn cây rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa

Kéo dài cùng dãy đó là hàng cây của người dân nằm sát dưới đường dây điện trung thế bằng dây trần. Phía dưới là 4 dây điện hạ thế được bọc vỏ nhựa nằm chung cột với dãy hàng cột điện đó. Qua cảm quan, chúng tôi nhìn thấy ớn lạnh, trong khi hàng chục hộ sống như thế đã hàng chục năm nay mà họ vẫn chịu được thì quả là…phục.

Quản lý chồng chéo, khó giải quyết

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, hiện dây điện hạ thế thì do Hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang quản lý, còn dây điện trung thế thì lại do Điện Lực (ĐL) Duy Xuyên (phụ trách mấy xã Gò Nổi của thị xã Điện Bàn) quản lý nên chồng chéo, cũng khó giải quyết.

“Về phía địa phương, cũng đã nhiều lần phản ánh, làm việc với ĐL Duy Xuyên về việc dời đường điện đó ra để đấu nối tại đường DT610B hoặc theo tiêu chí nông thôn mới thì phải mở rộng đường rộng 7,5m, nhưng muốn làm đường thì phải dời đường điện vào 2m nữa nhưng phía ĐL Duy Xuyên vẫn chưa có hồi âm. Bởi thế, một trong 19 tiêu chí của nông thôn mới không thực hiện được vì đường điện này. Còn về phía xã mà bỏ ra lượng tiền lớn như thế thì không có kinh phí nên cũng đành chịu”, ông Minh nói.

Đề nghị tỉnh Quảng Nam và ngành ĐL tìm được tiếng nói chung để đảm bảo an toàn và đáp ứng tiêu chí nông thôn mới

Ông Nguyễn Đức Thành, trưởng Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp Điện Quang: “Đề nghị ĐL Duy Xuyên tạo điều kiện việc đấu nối đường điện trung thế vào đường dây điện ở đường DT610B và dời khoảng 70 trụ điện vào để làm đường nhưng họ cho rằng phải bỏ tiền ra thì họ mới di dời, mà địa phương thì làm gì có tiền”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang San, Giám đốc ĐL Duy Xuyên cho rằng, đường điện đó thi công vào năm 1992, sau đó địa phương bàn giao đường điện trung thế cho ĐL Duy Xuyên, có đầy đủ hồ sơ cấp đất, hiện đang đảm bảo điều kiện cấp điện.

Ông San cho biết: “Chúng tôi cũng chưa tìm ra được cách giải quyết vì vướng chính sách, vì trong tiêu chí nông thôn mới không nói về vấn đề điện. Nếu có chủ trương và cấp trên- Tập đoàn ĐL cho phép thì chúng tôi sẵn sàng đứng ra làm để tạo điều kiện cho địa phương, người dân”.

“Trước mắt thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra an toàn lưới điện trước mùa mưa, sau đó sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp trên để đấu nối đường điện ra phía đường DT610B, nhưng phải có chủ trương của nông thôn mới thì chúng tôi mới làm được. Kinh phí ước toán không nhiều (khoảng 600 triệu đồng) nhưng chỉ vướng chủ trương thôi”, ông San nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, để bảo đảm an toàn cho người dân và tạo bộ mặt khang trang theo tiêu chí nông thôn mới, tỉnh Quảng Nam cũng như ngành ĐL tìm được tiếng nói chung để giải quyết dứt điểm vấn đề điện lưới tại thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang.

Bình luận (0)

Lên đầu trang