Sáng 22/10, Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Nhà Bè, TPHCM đã phản hồi vụ việc đăng trên mạng xã hội. Theo đó, sáng 16/10, trang facebook Đài Á Châu Tự Do xuất hiện một đoạn video clip ghi hình một tổ công tác của xã Phú Xuân đang làm việc tại tổ 5, ấp 4, xã Phú Xuân.
Trong video clip có chạy các dòng chữ “người dân nói vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào kể từ khi dịch bùng phát nhiều tháng qua và lo ngại chính quyền trục lợi, biển thủ tiền hỗ trợ của gần 100 hộ dân đã ký tên”.
Chỉ sau ít phút, đã có rất nhiều lượt xem, chia sẻ, bình luận, hầu hết là chửi bới, công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương…
Ngay khi nắm được sự việc, các cơ quan chức năng huyện Nhà Bè đã phối hợp, tiến hành xác minh sự việc. Qua làm việc, gia đình ông Đ.M.Đ. đang lưu trú tại khu dân cư River Riverside, tổ 5, ấp 4, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè là gia đình thuộc diện có điều kiện kinh tế khá, có kinh doanh mở Studio ở TP.Thủ Đức.
Thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng.
Gia đình ông Đ. đang sinh sống tại căn biệt thự đơn lập của Khu dân cư River Riverside, ấp 4, xã Phú Xuân, có ô tô riêng, thu nhập trước thời gian diễn ra dịch bệnh là 15 triệu đồng/người/tháng, không thuộc diện hộ khó khăn, không đúng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 97/NQ-HĐND của HĐND TPHCM.
Mặt khác, trong thời điểm UBND xã triển khai cho người dân khó khăn đăng ký nhận hỗ trợ thì gia đình ông Đ. không có nhu cầu đăng ký vì vậy không có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ.
Khi triển khai chi hỗ trợ cho người dân tại tổ 5, ấp 4, UBND xã có phân công giao cho Trưởng ban nhân dân ấp 4 phụ trách triển khai phát thư mời. Trưởng ban nhân dân ấp 4 phân công lại cho Tổ trưởng tổ 5 là ông N.T.L đi phát thư mời cho những hộ gia đình có trong danh sách được duyệt nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông L. bận việc đột xuất đã nhờ người đi phát thay là bà L.T.P. - cư dân đang cư trú tại tổ 5, ấp 4.
Bà P. do không nắm được chủ trương, chỉ đạo của UBND xã nên đã phát nhầm thư mời kèm theo bản “thông tin thành viên trong hộ gia đình” cho gia đình ông Đ.
Do không nắm được quy định, điều kiện để được nhận gói hỗ trợ đợt 3 nên khi phát thư mời bà P. không hướng dẫn cụ thể các điều kiện cũng như nội dung cần kê khai thông tin cho người nhận.
Khi nhận được thư mời, gia đình ông Đ. đã kê khai thông tin các thành viên trong gia đình vào trong “thông tin thành viên trong hộ gia đình” và ký luôn vào phần cam kết phía dưới “tôi tên là,….và… thành viên trong gia đình tôi cam kết đã nhận hỗ trợ theo đúng đối tượng quy định của Nghị quyết số 97/NQ-HĐND của HĐND TP về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn TP (đợt 3) tại xã Phú Xuân”.
Ông Đ. đem thư mời và tờ “thông tin thành viên trong hộ gia đình” tới tổ công tác ấp 5 đang làm việc, liên tục hỏi xoáy vào vấn đề “không có tên thì mình phải làm cái giấy xin hỗ trợ chứ sao lại bắt người ta xác nhận là đã nhận hỗ trợ?”.
Dù tổ công tác đã trả lời “Anh đưa tờ Thông tin thành viên trong hộ gia đình đây, chúng tôi chụp ảnh phần thông tin kê khai để về chúng tôi nhập dữ liệu, rồi anh đem tờ giấy về” nhưng ông Đ. không chịu, quay video clip và nói lớn, liên tục vào vấn đề chưa nhận được tiền sao bắt xác nhận.
Sau đó, ông Đ về nhà gửi 2 đoạn video clip (1 đoạn có thời lượng 2 phút 35 giây và 1 đoạn có thời lượng 1 phút 35 giây) mà ông đã quay cho một số trang fanpage có số lượng người theo dõi lớn và gửi cho bạn bè để phản ánh vụ việc.
Vài ngày sau, trên trang facebook Đài Á Châu Tự Do đã có một đoạn video clip dài 2 phút 10 giây.
Video clip đăng trên trang facebook Đài Á Châu Tự Do đã cắt ghép hết sức tinh vi, làm mờ, nhòe hình ảnh tờ khai, cắt đi những câu giải thích của tổ công tác “anh đưa tờ thông tin thành viên trong hộ gia đình đây, chúng tôi chụp ảnh phần thông tin kê khai để về chúng tôi nhập dữ liệu, rồi anh đem tờ giấy về”; chỉ lấy những câu thoại có hàm ý vu khống chính quyền địa phương “hợp thức hóa hồ sơ” để “ăn chặn” tiền hỗ trợ của người dân.
Qua làm việc với chính quyền địa phương, ông Đ. thừa nhận gia đình mình không khó khăn, không thuộc diện được nhận gói hỗ trợ 3. Ông thừa nhận trong lúc thiếu suy nghĩ đã quay video clip, gửi đi, không ngờ để lại hậu quả như vậy.