(CATP) Những ngày cuối năm Canh Tý, tôi nhận được cuộc gọi của Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng - nguyên Tổng biên tập Báo Công an TPHCM - kể lại chuyện anh vừa tiếp một “mảnh đời” của Báo CATP cách đây hơn 20 năm. Từ lòng nhân ái của hàng nghìn độc giả Báo CATP, “mảnh đời” ấy đã được hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ, trở thành nữ doanh nhân thành đạt, mang yêu thương chia sẻ với cộng đồng.
“EM VẪN MUỐN ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG”
Khoảng cuối tháng 8-1999, Báo CATP nhận được đơn của nhà thơ Trần Văn Hưng (SN 1950, ngụ ấp Phú Tân, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) mong giúp đỡ cho con gái ông là Trần Thị Thanh Trang, sinh viên ngành Y, buộc phải nghỉ học giữa chừng do hay bất tỉnh trong lớp.
Tôi có mặt tại nhà ông Hưng ngay sau đó, nghe ông kể rõ hoàn cảnh đáng thương của cô con gái như đã trình bày trong đơn: Trang SN 1977, thông minh, học giỏi. Từ nhỏ, cô bé đã phụ cha bán vé số dạo nuôi gia đình nhưng vẫn chăm chỉ đến trường. Sau khi thi đỗ vào ngành Y - Đại học Cần Thơ năm 1996, nhập học được vài tháng, Trang hay ngất xỉu trong lớp vì bệnh tim khiến thầy cô, bạn bè bao phen hú vía. Kết thúc năm thứ nhất, dù kết quả học tập rất khả quan nhưng nhà trường buộc phải cho Trang nghỉ, được bảo lưu kết quả, khi nào điều trị dứt bệnh sẽ tiếp tục theo học.
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng và phu nhân (bên trái) trao hoa cho Tổng giám đốc Trần Thị Thanh Trang tại lễ tri ân khách hàng “Sắc xuân yêu thương”
Trang được Viện tim TPHCM chẩn đoán hở van tim, phải mổ với chi phí 26 triệu đồng. Số tiền quá lớn, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể đủ để trang trải, ông Hưng tâm sự: “Ngày nào cháu cũng phải uống hơn 10.000 đồng tiền thuốc, chịu không thấu. Mẹ Trang (bà Nguyễn Thị Sứ) cũng bị suy tim nhưng không chịu chữa trị, tất cả để dành cho các con. Cuộc sống cả nhà giờ chỉ trông cậy vào tiền bán vé số mỗi ngày của tôi và 3 công đất vườn. Nếu Trang không mắc bệnh tim thì gia đình dù nghèo cũng không đến nỗi nào”.
Dù hoàn cảnh khốn khó nhưng cô nữ sinh ham học lại tiếp tục thi vào Trung học Y tế Bến Tre và đỗ thủ khoa. Năm đầu tiên, kết quả học tập của Trang đạt loại giỏi, nhưng để con có thể tiếp tục việc học, vợ chồng ông Hưng phải viết cam kết “nếu có chuyện gì xảy ra với Trang thì nhà trường không chịu trách nhiệm”.
Hôm tôi đến nhà cũng là lúc Trang chuẩn bị trở lại trường nhập học năm thứ hai. Khi biết tôi là phóng viên, Trang mừng đến… ngất xỉu! Một lúc sau tỉnh lại, nữ sinh thổ lộ mong ước: “Em vẫn muốn được đến trường. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời em là được đi học, dù cho hoàn cảnh thế nào...”.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN, TRỞ THÀNH DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT
Cảm động trước nữ sinh viên thông minh, ham học, quyết tâm vượt lên số phận, tôi đã thực hiện bài viết với tựa đề “Em vẫn muốn được đến trường” đăng trên Báo CATP số ra ngày 21-9-1999.
Tổng giám đốc Trần Thị Thanh Trang
Bài báo thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhiều nhà hảo tâm đã gửi tiền giúp Trang mổ tim. Sau 2 tuần phát hành, Báo CATP tiếp nhận được 18,7 triệu đồng ủng hộ. Đó là số tiền đáng kể vào thời điểm ấy. Nhà báo Trần Trọng Dũng - đại diện Báo CATP - đã đến tận nhà trao toàn bộ số tiền trên cho gia đình. Trước nghĩa cử của Báo CATP và tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, nhà thơ Trần Văn Hưng cảm động không nói nên lời.
Từ sự ủng hộ của bạn đọc Báo CATP cùng sự hỗ trợ của nhà trường, bạn bè, gia đình đã có đủ 26 triệu đồng để phẫu thuật tim cho Trang vào tháng 10-1999. Để rồi 21 năm sau, vào cuối tháng 11-2020, nữ sinh hay ngất xỉu ngày nào đã tìm đến Hội Nhà báo TPHCM gặp Chủ tịch hội Trần Trọng Dũng kể lại câu chuyện xúc động từ cuối thế kỷ 20. Hiện chị Trang là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực dược phẩm, sống hạnh phúc bên chồng con, năng làm từ thiện khắp nơi.
Vui mừng gặp lại tôi sau hơn 21 năm, chị tâm sự: “Để có được chỗ đứng như hôm nay, tôi đã trải qua biết bao sóng gió. Mổ tim xong, sức khỏe tạm ổn, tôi tiếp tục theo học tại Trung học Y tế Bến Tre cho đến khi tốt nghiệp loại giỏi. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, đầu năm 2000 tôi quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. “Bến đỗ” đầu tiên là nhà thuốc lớn nhất trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 lúc bấy giờ...”. Phải nộp hồ sơ và phỏng vấn đến lần thứ ba, Trang mới được nhận vào thử việc. Để trở thành nhân viên bán thuốc, chị phải làm công việc lau cửa kính cho nhà thuốc suốt hơn 1 tháng. Khi được đứng quầy, với tính thông minh, chịu khó học hỏi, Trang nhanh chóng trở thành nhân viên “đỉnh” của nhà thuốc.
Nhân viên Công ty Healthy Beauty trong lễ đón xuân mới
Sau nhiều năm vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng chị mở cửa hàng kinh doanh riêng với số vốn 100 triệu đồng do chị dành dụm và từ khoản tiền mừng cưới. Công việc thuận buồm xuôi gió, chị quyết định thành lập công ty kinh doanh không chỉ ở TPHCM mà mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện chị là Tổng giám đốc Công ty dược phẩm Healthy Beauty, trụ sở tại quận 10, TPHCM, với hàng trăm nhân viên, phân phối hơn 16.000 mặt hàng dược phẩm trên toàn quốc; trong đó có nhiều sản phẩm phân phối độc quyền, bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam.
Nữ doanh nhân tâm sự: “Tình yêu thương của gia đình, nhất là người cha đáng kính đã ra đi; lòng tương thân tương ái, sẻ chia của biết bao người trong đó có tình yêu thương của bạn đọc Báo CATP, đã nuôi dưỡng nguồn sống giúp tôi vươn lên mạnh mẽ. Một mùa xuân nữa lại về - xuân Tân Sửu, tôi xin tri ân những tấm lòng cao cả đã cho tôi có được cuộc sống hôm nay. Dù còn bao bộn bề lo toan nhưng tôi nguyện mang sự yêu thương sẻ chia với cộng đồng, nhất là những “mảnh đời” kém may mắn, góp phần nhỏ bé của mình cho cuộc sống luôn tươi đẹp, như những mùa xuân bất tận…”.