(CATP) Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Quốc hội (QH) và đại biểu QH, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống (PC) tội phạm và PC tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo kịp thời công tác này tại cục.
9 Tháng đầu năm 2024: 12 trung tâm đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động
Bộ GTVT cho biết, thời gian qua Cục ĐKVN đã chủ động, công khai, minh bạch về chủ trương, kế hoạch công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PC tham nhũng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đăng kiểm (ĐK), cục đã tổ chức 8 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới (KĐXCG) cho 243 học viên của 60/63 sở GTVT.
Trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ của Cục ĐKVN, các sở GTVT đã lên kế hoạch và thực hiện công tác thanh kiểm tra đồng thời xử lý vi phạm trong lĩnh vực KĐXCG trên địa bàn.
9 tháng đầu năm 2024 có 12 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị đình chỉ hoạt động có thời hạn do vi phạm hoạt động kiểm định (KĐ). Trước đó, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, công an các địa phương đồng loạt thực hiện nhiều chuyên án điều tra, phát hiện các sai phạm nghiêm trọng về công tác ĐK tại Cục ĐKVN và các đơn vị liên quan.
Cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý sẽ được kết nối, chia sẻ, tạo thuận lợi cho người dân
Trước tình hình đó, Ban Cán sự Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy bộ cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp làm việc với Đảng ủy và cán bộ, đảng viên (ĐV), viên chức, người lao động của Cục ĐKVN, vừa quán triệt trách nhiệm vừa làm công tác ổn định tư tưởng, nhận thức để tiếp tục duy trì các nhiệm vụ, nỗ lực duy trì dịch vụ KĐ phương tiện phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Song song với đó, Đảng ủy Bộ GTVT, Bộ GTVT cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật Đảng cũng như chính quyền với các trường hợp là lãnh đạo, cán bộ, ĐV của Cục ĐKVN vi phạm. Ngoài ra, theo thẩm quyền, Đảng ủy Bộ GTVT đã xem xét thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 5 ĐV (1 ĐV là lãnh đạo cục và 4 ĐV là cán bộ cấp phòng thuộc cục).
Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Cục ĐKVN theo thẩm quyền xem xét kỷ luật đối với 22 chi bộ bằng hình thức cảnh cáo, 1 chi bộ bằng hình thức khiển trách, xử lý kỷ luật đối với 128 ĐV bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng và 4 ĐV dự bị bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách ĐV. Cục ĐKVN cũng đã buộc thôi việc đối với 131 trường hợp.
Thực hiện giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử, tích hợp VNeID
Theo báo cáo của Bộ GTVT gửi QH và đại biểu QH, công tác xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ ĐK xe cơ giới đã được Cục ĐKVN thực hiện mạnh mẽ thời gian qua. Theo đó, trong số 297 TTĐK hiện nay có tới 208 TTĐK tư nhân (chiếm 70%), 69 TTĐK thuộc các sở GTVT (chiếm 23%), chỉ có 20 TTĐK thuộc Cục ĐKVN (chiếm 7%).
Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ ĐK, tại Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ KĐXCG đã bổ sung nhiều quy định để củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực KĐXCG, cũng như nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ ĐK. Cho phép thu hút nguồn lực từ các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ KĐXCG được tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ này.
Cũng theo Bộ GTVT, thời gian qua bộ đã chỉ đạo Cục ĐKVN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị KĐXCG. Cụ thể, gồm: Cung cấp ứng dụng trên thiết bị di động để chủ phương tiện chủ động đăng ký thời gian đi KĐ với các đơn vị ĐK và hệ thống thông tin để các đơn vị ĐK tiếp nhận, xử lý các yêu cầu đăng ký KĐ; Cung cấp công cụ tra cứu giấy xác nhận gia hạn KĐ (bản điện tử) trực tuyến cho các ôtô con không kinh doanh vận tải được gia hạn KĐ theo quy định; Thử nghiệm và chuẩn bị đưa vào hoạt động ứng dụng phục vụ lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thuộc diện miễn KĐ lần đầu theo quy định của Thông tư 02/2023; Đưa vào sử dụng phần mềm "Cảnh báo xe cơ giới" để bảo đảm kịp thời thông báo cho các đơn vị ĐK trên toàn quốc được nhanh chóng, minh bạch.
Mặt khác, thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số (CĐS) của Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong quản lý và điều hành công tác ĐK của Cục ĐKVN" với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức về CĐS một cách sâu rộng trong lĩnh vực ĐK, kiến tạo thể chế, hình thành cơ sở dữ liệu tập trung của toàn ngành, CĐS toàn diện các hoạt động ĐK phương tiện, thiết bị giao thông để thúc đẩy cải cách hành chính; hỗ trợ cho các quyết định chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐK.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo Cục ĐKVN xây dựng, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý KĐ đồng bộ theo hướng quản lý, giám sát công tác KĐ phương tiện theo thời gian thực (online), theo hướng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý KĐ phương tiện, bảo đảm tính bảo mật, đồng bộ, công khai, minh bạch; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.