(CAO) Qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, hiện cả nước còn tới hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính. Đây là con số khiến tất cả chúng ta day dứt.
“Con hãy về với mẹ một đêm thôi...”
Ở một đất nước mà chiến tranh liên miên, kéo dài hết cuộc chiến này đến cuộc chiến tranh khác, từ năm 1945 đến gần những năm cuối thế kỷ XX, thì những con số nêu trên là điều dễ hiểu. Con số đó cho thấy cái giá phải trả để chúng ta bảo vệ sự vẹn toàn của Tổ quốc thân yêu lớn biết nhường nào.
Những năm gần đây, nhiều gia đình liệt sĩ có nguyện vọng đưa hài cốt người thân của mình về quê để tiện bề nhang khói, cũng là một cách để an lòng người còn sống và cả với người đã hy sinh. Thấu hiểu nỗi lòng đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có chủ trương hỗ trợ tài chính để gia đình thân nhân thực hiện nguyện vọng chính đáng của mình. Mỗi năm, đặc biệt tháng 7 hàng năm, hàng trăm liệt sĩ đã được về với gia đình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu binh của Sư đoàn 309, người từng đưa miễn phí hàng trăm hài cốt liệt sĩ về quê bằng xe cấp cứu của mình, cho biết: hầu hết những hài cốt liệt sĩ thời chống Mỹ chỉ còn nắm xương mỏng manh, khi đưa lên khỏi mộ, gặp không khí thì tan theo gió, nhưng cũng có liệt sĩ nằm chỗ đất tốt, hơn 50 năm vẫn còn nguyên bộ xương...
Hàng năm, Chi hội 5 - Nghĩa tình đồng đội của Sư đoàn 309 đều tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ về với quê hương Ảnh: Lưu Nhi Dũ
Tôi đã tham gia nhiều đợt bốc hài cốt liệt sĩ như vậy, chứng kiến những cảnh các liệt sĩ về quê trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, gia đình, mới hiểu được những câu thơ như rút từ tâm can của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Các anh về với mẹ một đêm thôi /Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt/Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn/Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm...”.
Các đồng đội của tôi chắc chắn còn nhớ hôm đưa tiễn liệt sĩ Nguyễn Hải Nam, trung sĩ, Tiểu đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 812, Sư đoàn 309, hy sinh ở Pailin (Campuchia) ngày 5-12-1979. Hơn 40 năm rồi, bạn vẫn được mẹ già ôm trong vòng tay yêu thương, ăn bữa ăn cuối cùng với mẹ và vẫn có người mang khăn tang cho bạn. Dù sao bạn Hải Nam còn hạnh phúc hơn nhiều các đồng đội khác, khi trở về chẳng người thân đón đưa.
Tôi lại nhớ đến bạn Trương Công Khôi, quê Tam Kỳ, Quảng Nam, người cùng tiểu đội với tôi (trung đoàn bộ, Trung đoàn 812, Sư đoàn 309), hy sinh năm 1980 ở Pailin (Campuchia). Hôm cuối tháng 6 vừa rồi đưa bạn về Chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, TPHCM để làm lễ cầu siêu, tôi chỉ thấy có người chị dâu đón chờ trong nước mắt...
Chuyện nghĩa tình liệt sĩ, ở một đất nước còn hơn 500 ngàn liệt sĩ vẫn vô danh, viết không bao giờ hết...
Chung tay đưa liệt sĩ về quê nhà
Kể từ năm 2014, khi mà Nhà nước có chủ trương cho phép thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về quê để tiện việc chăm sóc, khói nhang, đã có hàng ngàn liệt sĩ được “về quê”. Ông Nguyễn Thanh Nhẫn, Chi Hội trưởng Chi hội 5 - Nghĩa tình đồng đội của Sư đoàn 309, cho biết, Chi hội 5 đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương đưa hàng trăm liệt sĩ về quê hương.
Mới đây nhất, chi hội đã phối hợp với Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96, với các địa phương của tỉnh Quảng Nam đưa 64 hài cốt liệt sĩ về quê. Theo ông Nhẫn, việc kết hợp với địa phương đưa anh em về quê ít tốn kém hơn và nên đưa với số lượng nhiều. Nếu đưa từng trường hợp thì số tiền Nhà nước hỗ trợ sẽ không đủ chi phí, đa số trường hợp anh em cựu chiến binh phải chung tay mới đủ chi phí.
Tháng 7 đền ơn đáp nghĩa này, nhiều nghĩa trang, đặc biệt là các nghĩa trang vùng biên giới của Tổ quốc, nhiều đội bốc hài cốt liệt sĩ vẫn đang tiến hành bốc mộ liệt sĩ về quê. Hôm 24-7, xe cấp cứu của cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng vẫn tiếp tục đưa 5 liệt sĩ về quê từ các nghĩa trang ở Gia Lai về Phú Yên... Nếu không có sự chung tay của anh em cựu binh, của các đồng đội cùng đơn vị, công việc nghĩa tình này rất khó thực hiện.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện vẫn có 20 đội quy tập chuyên nghiệp do lực lượng quân đội chủ trì, làm việc thường xuyên, phối hợp với người dân và nước bạn để tìm kiếm. Chỉ tính từ đầu năm 2007 đến nay đã quy tập được hơn 8.000 liệt sĩ.
Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ LĐ-TB-XH vẫn đang thực hiện theo Đề án 150 - xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin, trong đó giải pháp chính vẫn là xác định gen. Năm 2016, Bộ LĐ-TB-XH đã trả lại tên cho hơn 3.200 liệt sĩ và đưa về với gia đình. Để xác định được con số trên, đã phải xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và chừng ấy mẫu tương đương của gia đình.
“Nhìn thấy khói mà về với mẹ...” - Nhóm tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng - Lưu Nhi Dũ và đồng đội e812,f309- Nhân 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, xin gửi đến bạn đọc chùm ảnh di dời hài cốt liệt sĩ của anh em cựu chiến binh Sư đoàn 309 Anh hùng. Những hình ảnh chân thực, xúc động và ấm áp tình đồng đội... Thương binh ¼ (95%) Nguyễn Văn Thạnh (ngồi) bên hài cốt của đồng đội hy sinh ở Campuchia năm 1980, được đưa về Chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, TPHCM |
Liệt sĩ Hoàng Văn Năm, hy sinh ở Campuchia năm 1978, được đồng đội đưa về tận huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Gần 40 năm, mẹ già, chị em anh vẫn chờ đợi...
Sau hơn 40 năm, xương cốt còn lại của đồng đội tôi chỉ như vậy
Những cựu binh Sư đoàn 309 trên chuyến xe đưa đồng đội đã hy sinh về với đất mẹ