(CAO) Sở Thông tin và Truyền Thông (TT-TT) TP.HCM đã đưa ra đề án xây dựng đường sách theo tuyến cụm, theo đó cứ 2-3 quận sẽ có một đường sách. Tuy nhiên theo nhiều người, đề án này cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi đi vào thực hiện.
Hoạt động từ tháng 1-2016, đường sách Nguyễn Văn Bình đã rất thành công khi trở thành một không gian văn hóa, địa điểm cho những người yêu sách. Ngoài việc trở thành một địa chỉ văn hóa, đường sách Nguyễn Văn Bình còn đạt được những hiệu quả rất tốt về kinh tế. Theo báo cáo của Ban quản lý đường sách TP.HCM, năm 2016 đạt doanh thu 27 tỷ đồng. Báo cáo của Công ty Đường sách TP.HCM thì cho biết 6 tháng đầu năm 2017 thu về 19 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp nối thành công đó, sở TT-TT đưa ra đề án xây dựng đường sách theo tuyến cụm quận, huyện.
Nhân rộng văn hóa đọc
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm 2013, tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn và mỗi người dân Việt Nam đọc chỉ 0,8 bản sách/năm. Đây là một tình trạng đáng báo động hiện nay về văn hóa đọc của người Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng.
Nhiều người cho rằng TP.HCM với hơn 10 triệu người chủ yếu là dân số trẻ, rất năng động và luôn muốn tiếp cận tri thức thì một đường sách như hiện giờ sẽ không đủ. Và việc mở thêm đường sách sẽ giúp nhân rộng văn hóa đọc, cải thiện tình trạng ít đọc sách như hiện nay.
Ông Lê Huỳnh Trí (68 tuổi) hiện là chủ tiệm sách cũ Bách Hợp và cũng là một trong những người được mời tham khảo ý kiến khi có dự án mở đường sách Nguyễn Văn Bình đã có những chia sẻ về đề án này của Sở TT-TT: “Tôi rất đồng ý với đề án này của Sở TT- TT. Tôi là một nạn nhân của việc văn hóa đọc bị mai một. Khi internet phát triển, mọi người quay lưng với sách, tôi suýt rơi vào cảnh phá sản. Theo tôi, việc mở thêm các đường sách khác sẽ nhắc nhớ mọi người quay trở lại với văn hóa đọc”.
Cùng quan điểm này, anh Hòa Biếu (26 tuổi) cho rằng “Việc mở thêm nhiều đường sách sẽ giúp mọi người có cơ hội tiếp cận với nhiều loại sách hơn, đặc biệt với những người ở quận xa trung tâm thành như Thủ Đức, Tân Phú”.
Đề án xây dựng đường sách theo tuyến cụm được kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực đến văn hóa đọc trong người dân, và sẽ trở thành những điểm nhấn đặc biệt cho các quận, huyện.
Cần hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Việc mở các đường sách theo tuyến cụm trên nền tảng đường sách Nguyễn Văn Bình là một ý tưởng tốt, nhưng để đi đến thực hiện cần phải xem xét cẩn thận nhiều yếu tố để những mô hình này thực sự đạt được mục đích và thành công.
Đường sách Nguyễn Văn Bình đạt được những kết quả khả quan như hiện giờ một phần do có vị trí đẹp nằm ngay trung tâm văn hóa của TP.HCM, thu hút đông đảo khách du lịch. Nhiều người lo lắng các đường sách khác được xây dựng sẽ không có được lợi thế này.
Anh Bùi Minh Thành (nhân viên bán sách ở đường sách) cho biết: “Khoảng 70% người đến đây để chụp hình, tham quan. Chỉ khoảng 30% là mua sách. Hơn nữa khách đến cũng không đồng đều giữa các ngày, chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần và khi có sự kiện. Còn với những ngày khác lại rất vắng khách”.
Ông Lê Huỳnh Trí thì dù rất ủng hộ đề án này, nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn: “Tôi nghĩ nếu đề án này được thực hiện sẽ phải xem xét rất kỹ nếu không muốn thất bại, đặc biệt đó là vị trí. Đường sách Nguyễn Văn Bình thành công cũng nhờ một phần rất lớn khi nằm ngay trung tâm thành phố”.
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Công an TPHCM, bà Quách Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – cho biết: “Đây là một mong muốn chính đáng của sở TT-TT, nhưng muốn thành công chỉ khi hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Phải cân nhắc thật kỹ những yếu tố này thì mô hình đó mới có thể thành công lâu dài”.
Không chỉ vậy, việc mở thêm các đường sách bên cạnh tính toán đến hiệu quả văn hóa thì cần phải cân nhắc đến hiệu quả kinh tế. Bà Nguyệt cũng chia sẻ thêm: “Ngoài việc phục vụ cho cộng đồng thì yếu tố tiên quyết đối với những nhà kinh doanh sách vẫn là lợi nhuận. Họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ có nên tham gia hay không. Đây cũng là một khó khăn của đề án xây dựng đường sách theo tuyến cụm”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trí cho biết ông sẽ không tham gia những đường sách mới vì ông không đủ khả năng về kinh tế. Vì vậy, ông chỉ tham gia duy nhất một gian hàng ở đường sách Nguyễn Văn Bình.
Đề án xây dựng đường sách theo tuyến cụm quận, huyện hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Sở TT – TT cần phải tính toán kỹ lưỡng để đề án này được có thể thành công trong việc nhân rộng văn hóa đọc, nhưng cũng đảm bảo về mặt kinh tế cho các đơn vị tham gia buôn bán sách.