Sinh viên với văn hóa đọc dần mai một

Thứ Tư, 14/06/2017 09:38

|

(CAO) Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn và mỗi người dân Việt Nam đọc chỉ 0,8 bản sách/năm. Đây là một tình trạng đáng báo động hiện nay về văn hóa đọc của người Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng.

Thư viện và phòng tự học vắng bóng sinh viên

Thư viện được xem là nơi lý tưởng nhất để cho tất cả mọi người đến đọc sách vì luôn yên tĩnh, có lượng sách khá phong phú. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên (SV) thường đến thư viện để làm những việc khác như: ngủ hoặc họp nhóm…. Bên cạnh đó, các phòng tự học cũng thường xuyên vắng vẻ và thiếu đi hình ảnh các sinh viên chăm chỉ đọc sách.

Thư viện trở thành nơi ngủ nghỉ và lướt web của sinh viên

Bạn Lê Viết Viên (SV năm 3, ĐH Nông Lâm, TP. HCM) cho biết: “Mình thấy thư viện nhiều khi giống nơi để họp nhóm hoặc là nơi để các bạn nghỉ ngơi, lướt web. Có rất ít bạn đến thư viện để đọc sách, chủ yếu khi gần đến ngày thi thì mới chịu lên thư viện để học bài và làm bài tập ”.

Bạn Lê Viết Viên

Văn hóa đọc mai một dần

Ngày nay, văn hóa đọc trong trường đại học bị suy giảm và có những thay đổi bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông. Văn hóa đọc đã bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn. Tài liệu, sách, báo, sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu.

Qua tìm hiểu, hầu hết các bạn sinh viên đều cho rằng sự phát triển của internet khiến các bạn không còn thích đọc sách nữa. Đọc sách đòi hỏi sự kiên nhẫn cao và cũng tốn khá nhiều thời gian, nên nhiều bạn chọn tìm thông tin trên các trang web để vừa nhanh vừa tiện. Chỉ cần lên Google gõ vài dòng để tìm và đọc những thông tin cần thiết là đủ đối với sinh viên. Không chỉ có như vậy, nhiều bạn còn chia sẻ vì quá bận rộn với việc học, đi làm thêm và tham gia vào các hoạt động xã hội… nên dù có muốn các bạn cũng không có thời gian để đọc.

 Nhiều bạn sinh viên dành hết thời gian rảnh rỗi cho việc lướt web

“Mình thấy hiện nay giới trẻ có khá nhiều người có hiện tượng lười đọc sách và lý do quan trọng nhất dẫn đến tình trạng đó là do sự phát triển của Internet. Việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng từ các trang web và và các trang mạng xã hội… đã khiến cho sinh viên lười đọc sách hơn. Ngoài ra, các trường đại học cũng chưa tạo được môi trường lý tưởng thu hút sinh viên đến đọc sách.” – bạn Lê Thị Bích Huệ (SV năm 3 ĐH KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ.

Cần xây dựng văn hóa đọc cho mình

Với thực trạng trên, nhiều bạn sinh viên cho rằng, việc xây dựng văn hóa đọc phải xuất phát từ chính bản thân mình, và đó là việc làm cần thiết không chỉ đối với sinh viên mà còn cho tất cả mọi người.

Bạn Nguyễn Thị Lành (SV năm 4 ĐH Bách Khoa TP. HCM) cho hay: “Thông tin trên mạng tuy rất nhanh và dễ tìm nhưng độ tin cậy của thông tin lại không đảm bảo bằng ở trong sách. Đọc sách phải xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân. Mình thấy các bạn nên chia thời gian ra hợp lý để mỗi ngày có thể dành từ 30 phút đến 1 tiếng để đọc, không nên lên mạng xã hội quá nhiều”.

Lành thường xuyên giành thời gian để tìm sách về đọc

Bên cạnh đó, một số sinh viên còn đề xuất tổ chức các cuộc thi đọc sách để khuyến khích mọi người xây dựng văn hóa đọc. Riêng đối với nhà trường, nhiều bạn mong muốn có các câu lạc bộ để trao đổi sách cũ, đa dạng thể loại và đẩy mạnh việc giới thiệu sách trong thư viện để thu hút sinh viên vào đọc.

Đọc sách không chỉ đơn giản là bổ sung kiến thức mà nó còn mang lại nhiều lợi ích khác. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đọc sách sẽ giúp kích thích trí não hoạt động tốt, vốn từ được mở rộng và cải thiện trí nhớ. Một cuốn sách hay còn có tác dụng giúp giảm căng thẳng thần kinh, tăng sự chú ý, tập trung và giúp khả năng phân tích của tư duy trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiều người còn đọc sách để tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang