Bác sĩ Việt Nam cứu bác sĩ Campuchia vượt qua cửa tử

Thứ Năm, 27/07/2017 15:59  | Ngô Đồng

|

(CAO) Cảm thấy sốt nhiều ngày không khỏi, mỏi cơ, một bác sĩ người Campuchia đã tìm đến Việt Nam thăm khám. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống, nhiễm trùng tim. Nếu không được phẫu thuật thì khó giữ tính mạng.

Anh Chum Chetra (31 tuổi, người Campuchia, đồng thời là một bác sĩ tại Campuchia) cho biết, anh bị đau bụng âm ỉ kèm sốt nhẹ, tình trạng kéo dài gần 2 tháng. Thấy không ổn nên anh sang Việt Nam thăm khám.

Anh Chum Chetra tìm đến BV Nhân dân 115 thăm khám, tại đây các kết quả xét nghiệm chẩn đoán anh Chum Chetra bị Lupus ban đỏ hệ thống và anh được chuyển sang BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Tại khoa Nội tiêu hóa của BV Chợ Rẫy, các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng dịch báng do tụ cầu staphylococcus aureus đa kháng, xét nghiệm chẩn đoán Lupus dương tính, bệnh nhân được chuyển xuống Khoa nội khớp của BV Chợ Rẫy điều trị tiếp.

TS BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân có biểu hiện mệt khi nằm đầu thấp nên được làm xét nghiệm siêu âm tim, phát hiện bệnh nhân bị sùi osler trên van động mạch chủ, gây hở van động mạch chủ, áp xe gốc động mạch chủ và thành trước động mạch chủ.

TS BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV Chợ Rẫy. Ảnh: NĐ

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa: Nội khớp, Bệnh Nhiệt đới, Nội tim mạch, Hồi sức phẫu thuật tim. Sau hội chẩn, các bác sĩ cho biết bệnh nhân cần phải phẫu thuật tim sớm, nếu không sẽ nguy kịch tính mạng.

BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân được thay van động mạch chủ cơ học, thay động mạch chủ ngực đoạn lên và cắm lại 2 lỗ vành, đặt hệ thống tim phổi nhân tạo bằng kĩ thuật ECMO.

BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, BV Chợ Rẫy. Ảnh: NĐ

BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy cho biết thêm, bệnh nhân cũng được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, kháng nấm, điều trị suy tim.

BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy. Ảnh: NĐ

Sau 7 ngày điều trị, dưới sự hỗ trợ của máy ECMO, bệnh nhân hồi phục, chức năng các cơ quan được cải thiện, được rút nội khí quản. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, thở êm, sinh hiệu ổn định, ăn uống tốt.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, thở êm, sinh hiệu ổn định, ăn uống tốt. Ảnh: NĐ

Theo BS Nguyễn Thái An, nếu không được chẩn đoán đúng bệnh và can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong khi vỡ gốc động mạch chủ. Đây là một ca bệnh cực kỳ khó, nhiều nguy cơ; tuy nhiên, dưới sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, đặc biệt là Hồi sức Phẫu thuật tim, Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Bệnh nhiệt đới, Nội cơ xương khớp, bệnh nhân đã được cứu sống.

Theo BS Nguyễn Đình Khoa, Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh khá nguy hiểm, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.

Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ (nhiều hơn gấp 7-8 lần so với nam giới). Các triệu chứng của Lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh hết sức đa dạng.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác. Đa số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, một số bệnh nhân thấy nổi các ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt, một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus ban đỏ hệ thống (ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi).

Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết)…Những tổn thương này là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.

Ca phẫu thuật nội soi xuyên Việt cứu sống một bệnh nhân người Campuchia
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang