(CAO) Bé trai mắc bệnh phì đại dính các ngón chân trái khổng lồ lúc mới sinh ra. Đây là căn bệnh bẩm sinh thuộc loại hiếm gặp nằm trong loại bệnh dị tật ngón tay chân khổng lồ gọi là Macrodactyly.
Thông tin từ Bệnh viện SAIGON-ITO cho biết, Kho Vi phẫu tạo hình của BV vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp em bé 10 tuổi bị dị tật phì đại ngón chân.
Bé trai tên Trần Bảo L. (SN 2007, quê Đồng Nai) mắc chứng bệnh phì đại ngón chân bẩm sinh đã 10 năm nay.
Gia đình cho biết, khi mới sinh ra, chân trái của bé đã có các ngón dính lại khổng lồ. Khi được 2 tuổi, bé đã được đưa đến bệnh viện khác để làm phẫu thuật tách ngón. Nhưng sau đó các ngón 2 và 3 đã được tách vẫn tiếp tục phì đại bất thường so với 3 ngón còn lại gây khó khăn cho bé trong việc đi đứng.
Gia đình bé L. lo lắng vì các ngón ngày càng có dấu hiệu phình to che hết các ngón chân còn lại, gia đình đã đưa Bé đến Bệnh viện SAIGON-ITO.
Bàn chân dị tật của bé với 2 ngón chân khổng lồ trước phẫu thuật
Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận tư vấn có thể phẫu thuật tạo hình lại giúp bé cải thiện chức năng của bàn chân, bên cạnh đó giúp bàn chân gọn gàng hơn về mặt thẩm mỹ.
Ngày 17-7, bé đã được Bác sĩ Xuân Anh phẫu thuật tạo hình bằng phương pháp “RAY AMPUTATION”, đây là phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất để điều trị bệnh lý này.
Kết quả sau khi phẫu thuật, bàn chân bé đã được bác sĩ cắt lọc những khối phì đại ở mặt lưng và mặt lòng của bàn chân sau khi cắt cục 2 ngón chân phì đại, tạo hình ngón chân và bàn chân gọn gàng, giúp bé sau phẫu thuật có thể mang được giày dép và đặc biệt là sẽ đi đứng gần như bình thường.
Tuy nhiên để kết quả mỹ mãn, bé cần trải qua ít nhất một lần phẫu thuật nữa để tạo hình ngón chân sau thời gian 6 tháng đến 1 năm sau phẫu thuật.
Theo BS Nguyễn Xuân Anh, đây là căn bệnh bẩm sinh dị tật ngón tay chân khổng lồ (Macrodactyly), là một tình trạng hiếm gặp khi một hoặc nhiều ngón tay/chân trên một bàn tay tay hoặc bàn chân có kích thước lớn hơn nhiều so với những ngón còn lại gây biến dạng bàn tay/bàn chân dẫn đến mất thẩm mỹ.
Hiện nay căn bệnh này vẫn là một bệnh lý khó điều trị, hầu hết điều trị chủ yếu về mặt thẩm mỹ.
(CAO) Khi phụ huynh phát hiện con mình có một lõm sâu giữa lồng ngực thì nên đưa con trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.