Trèo cây té, bé trai Campuchia bị suy thận suýt chết được cứu sống tại Việt Nam

Thứ Ba, 16/05/2017 12:53  | Ngô Đồng

|

(CAO) BS Đặng Thanh Tuấn cho biết, trường hợp của bé trai Campuchia này khá hi hữu, hơn 20 năm trong nghề thì đây là lần đầu tiên ông gặp một trường hợp chỉ đơn giản là gãy xương mà dẫn đến hủy cơ, suy thận, phải lọc máu.

Đó là trường hợp của bé trai Sok Ly H. (6 tuổi, người Campuchia). Bé được gia đình tự đưa tới BV Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương đùi, nứt xương chậu, phù toàn thân, tiểu ít,...

Gia đình cho biết, trước đó bé leo cây và bất cẩn nên bị té. Gia đình đã đưa vào một bệnh viện tại Phnom Penh (Campuchia) để điều trị. Tại đây, bé được cố định xương đùi bị gãy bằng 4 đinh sắt trên khung sắt. Bé còn được rạch một đường dài ở cẳng chân phải để tránh trường hợp bị chèn ép mạch máu ở chân phải. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3 sau khi nhập viện thì sức khỏe của cháu bé diễn tiến xấu: đi tiểu ít dần và sưng phù toàn thân nên gia đình tự xin xuất viện và đưa con sang BV Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp tục điều trị.

BS Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức ngoại BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, bé nhập vào bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng đa chấn thương. Khi vào viện, bé đừ, phù toàn thân, cẳng chân gãy được rạch giải áp, phù nề. Qua kiểm tra thấy bé bị bầm da đầu vùng đỉnh thái dương, bầm máu sau tai,...

BS Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức ngoại BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết tình trạng gãy xương của bé. Ảnh: NĐ

Ngoài ra, bé tiểu ít dần, phù toàn thân, xét nghiệm thấy creatinin trong máu tăng 416 µmol/l (trị số bình thường trong máu: Nam: 62-115 µmol/l. Nữ: 44-88 µmol/l), Ure 26 mmol/l, CK (Creatinin kinase) tăng rất cao, lên đến 47.911 U/L (mức bình thường là 280 U/L).... Bé được chẩn đoán suy thận cấp, hoại tử cấp ống thận.

Cháu bé nhanh chóng được xử lý tình trạng suy thận cấp bằng cách chạy thận nhân tạo để lọc máu. Trong 10 ngày đã thực hiện 5 lần chạy thận nhân tạo.

Sau 12 ngày điều trị tại BV Nhi Đồng 1, hiện tại bé tỉnh táo, sinh hiệu ổn, ăn uống được, hết phù, lượng nước tiểu tăng dần mỗi ngày, Creatin máu giảm dần, đùi phải giảm sưng, vết rạch giải áp cẳng chân được khâu lại và lành tốt.

Hiện tại bé tỉnh táo, sinh hiệu ổn, ăn uống được, hết phù. Ảnh: NĐ

BS Đặng Thanh Tuấn cho biết, trường hợp của bé này khá hi hữu, hơn 20 năm trong nghề thì đây là lần đầu tiên ông gặp một trường hợp chỉ đơn giản là gãy xương mà dẫn đến hủy cơ, suy thận, phải lọc máu.

Tình trạng suy thận cấp của bệnh nhi gần như không liên quan đến chấn thương gãy xương đùi mà lại xuất phát từ tình trạng chèn ép khoang ở bắp chân dẫn đến hoại tử cơ vân.

Khi cơ vân bị hoại tử đã sản sinh ra một lượng lớn chất myoglobin. Chất này đã gây ra hoại tử cấp ống thận dẫn đến suy thận cấp. Đây là các dấu hiệu thường gặp trong những vụ tai nạn mà nạn nhân bị đè ép như trong các vụ sạt lở đất, sập hầm mỏ, sập tường nhà, động đất, nạn nhân trong các vụ nổ mìn; thường được gọi là hội chứng vùi lấp. Các nạn nhân khi bị chôn vùi dưới các đống đổ nát trong tình trạng dập nát cơ cũng sẽ dẫn đến tình trạng suy thận cấp như trường hợp cháu bé người Campuchia này.

BS Đặng Thanh Tuấn cho biết, trường hợp của bé này khá hi hữu, gãy xương gây hủy cơ, suy thận, phải lọc máu. Ảnh: NĐ

Ths BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV Nhi Đồng 1 vẫn thường xuyên tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhi là người Campuchia. Phần lớn là họ tự tìm đến bệnh viện để được chữa trị và thường là những trường hợp bệnh nặng, gia cảnh khó khăn.

Ths BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM. Ảnh: NĐ

Trường hợp của bé H., gia cảnh khá khó khăn, ba mẹ không có nghề nghiệp ổn định, đi làm tạp vụ. Khi đến với BV Nhi Đồng 1, họ cũng không có nhiều tiền. Trong khi chi phí lọc máu và thuốc men cho bé H. khá cao, khoảng 100 triệu đồng nên vượt quá khả năng của gia đình. Chính vì vậy, bệnh viện phải kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ cho bé.

ThS BS Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác Xã hội BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, rất nhiều bệnh nhi đến BV Nhi Đồng có gia cảnh khó khăn. Khi đó, bệnh viện phải vận động mạnh thường quân hỗ trợ để giúp bệnh nhi vượt qua bệnh cảnh. Trong đó, đáng mừng là có những trường hợp, sau khi được hỗ trợ, số tiền chi trả viện phí, thuốc men vẫn còn dư ra, gia đình gửi lại quỹ hỗ trợ của bệnh viện để tiếp tục hỗ trợ cho các bé khó khăn khác.

Xót xa bé trai 5 tuổi bị điện giật hoại tử 2 bàn tay, phỏng mặt và mắt cần giúp đỡ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang