(CAO) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, chiều ngày 24-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế ở Hà Nội, điểm cầu TP.HCM và một số điểm cầu khác. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Y tế đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 16 ca đã tử vong.
Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Tại Hà Nội, theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 6.000 trường hợp mắc, trong đó đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.
TP.HCM là địa phương có số ca ghi nhận mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước. Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc SXH trên địa bàn TP tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay là hơn 10.000 ca. Hiện 18/24 quận, huyện có số ca SXH nhập viện tăng so với trung bình 4 tuần trước. TP.HCM cũng đã ghi nhận có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Theo nhận định của các bác sĩ, năm nay do mùa mưa đến sớm cộng với các công trình xây dựng, nhiều khu nhà trọ, môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đang rất sốt ruột trước tình hình dịch sốt xuất huyết đến sớm và diễn biến phức tạp, dự sẽ có thể còn kéo dài.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Bộ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới tập trung tập huấn nhanh về phác đồ điều trị sốt xuất huyết, giảm tối đa tử vong, luôn sẵn sàng thuốc, đủ nguồn lực để tránh tử vong, không gây hoang mang.
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong.
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, bất thường so với mọi năm. Tình hình này khiến nhiều người lo ngại dịch bệnh do virus Zika có thể tái bùng phát. Bởi cả hai căn bệnh này đều do do muỗi vằn (Aedes) lây truyền.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt lăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Do đó, một trong những cách phòng bệnh tốt nhất là tiêu diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng. Người dân cần tránh bị muỗi đốt, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng chống. Do đó, một trong những cách chống dịch tốt nhất là tiêu diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng. Ảnh: NĐ
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Diệt loăng quăng/bọ gậy; Dọn dẹp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Ngoài ra, người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
“Bệnh sốt xuất huyết có thể phòng được và chữa được. Do đó, cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng, chống loại muỗi gây bệnh sinh sản”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
(CAO) Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, dịch sốt xuất huyết năm nay có biến phức tạp, ngay từ đầu năm đã tăng. Thêm vào đó, năm nay nhuận tháng 6 âm lịch, mùa hè kéo dài là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn phát triển, lây truyền bệnh, làm mùa dịch kéo dài.