(CAO) Trước nguyện vọng của người bệnh có tuổi đời còn quá trẻ, các bác sĩ đã phải cân nhắc, quyết định tiến hành hội chẩn và chỉ định thực hiện cuộc phẫu thuật với hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi cuộc sống “không bằng chết”.
Biến chứng của căn bệnh rối loạn đông máu Hemophilia khiến V.V.C. (23 tuổi, quê Thái Bình) rơi vào cảnh tàn phế. Sau nhiều năm điều trị không mang lại kết quả, nam bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng.
Mẹ của Cường chia sẻ: “Khi thằng bé mới chào đời được vài tháng, thì nhiều vùng trên cơ thể tím bầm bất thường, đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói thằng bé bị bệnh máu khó đông, nguy cơ chảy máu đến chết nếu bị vết thương hở”.
C. kể: “Hồi em còn đi học, trong lúc đùa giỡn, chân mày em bị xước, vậy mà vết thương chảy máu không cầm được khiến cô giáo cũng sợ hải, phải mất 4 tháng sau, vết thương mới lành được".
Học đến lớp 11, bệnh tình của Cường diễn tiến ngày càng nặng, các khớp chân tay thường xuyên đau nhức, tím bầm vì chảy máu trong, Cường buộc phải gác lại giấc mơ đèn sách vì không đủ sức đến lớp.
Tình trạng chảy máu gây biến chứng thoái hóa khớp ngày càng trở nặng, khoảng 5 năm nay bệnh nhân phải đi nạng, ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân. Dù đã đến nhiều bệnh viện từ địa phương đến trung ương điều trị nhưng chưa thể can thiệp dứt điểm.
Gia đình đưa C. đến Bệnh viện Quận Thủ Đức với hi vọng còn nước còn tát. BS-CKII Lê Hoàng Văn Hải, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cho hay: "Qua thăm khám chẩn đoán hình ảnh xác định, khớp gối của bệnh nhân bị biến dạng nặng, dây chằng thoái hóa khiến khớp lỏng lẻo gây khó khăn cho vận động".
"Nguy hiểm hơn, đây là trường hợp mắc bệnh máu khó đông (bệnh lý Hemophilia – thiếu yếu tố VIII) nên mọi can thiệp thủ thuật, phẫu thuật sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong đó tình trạng xuất huyết không cầm được có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay trên bàn mổ hoặc tử vong trong quá trình hậu phẫu", BS Hải nói.
Trước nguyện vọng của người bệnh có tuổi đời còn quá trẻ, các bác sĩ đã phải cân nhắc và quyết định tiến hành hội chẩn, chỉ định thực hiện cuộc phẫu thuật với hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi cuộc sống “không bằng chết”.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật với hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi cuộc sống “không bằng chết”
Ca mổ yêu cầu phải thực hiện càng nhanh càng tốt nên bác sĩ đã phải tiến hành cùng lúc việc tái tạo dây chằng và thay khớp gối (phải) nhân tạo. Suốt 3 giờ khẩn trương trên bàn mổ, để tránh tình trạng xuất huyết, các bác sĩ đã truyền liên tục yếu tố đông máu cho bệnh nhân cuộc mổ khép lại thành công trong niềm vui của ê kiếp phẫu thuật và gia đình.
Đây là ca
bệnh Hemophilia thứ 2 được thực hiện kỹ thuật thay khớp gối trên toàn quốc
BS Hải cho hay, đây là ca bệnh Hemophilia thứ 2 được thực hiện kỹ thuật thay khớp gối trên toàn quốc (ca bệnh trước đó được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Sau phẫu thuật bệnh nhân có tiên lượng tốt, dự kiến sẽ vật lý trị liệu, tập đi nạng trong khoảng từ 6 đến 8 tuần sau đó có thể tự đi lại bình thường.
“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đến phương án hàn khớp gối, nhưng nếu hàn thì bệnh nhân sẽ không co duỗi được chân. Trong khi đó, bệnh nhân còn rất trẻ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này, nên chúng tôi quyết định thực hiện phẫu thay khớp gối và tái tạo dây chằng cho bệnh nhân”, bác sĩ cho biết.
(CAO) Nam sinh đã phải nhập viện 50 lần vì căn bệnh dị dạng mạch máu hiếm gặp và buộc phải bỏ dở giấc mơ học đại học giữa chừng.