(CAO) Thoái hóa khớp đã không còn là bệnh của người già nữa mà rất nhiều người ở độ tuổi 35-40 mắc căn bệnh này, số lượng người trẻ mắc bệnh khớp ngày càng tăng.
Chị Mai Thị S. (45 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) tìm đến các BS BV Đại học Y dược TP.HCM khi cảm thấy chân phải rất đau, co duỗi gối phát ra tiếng kêu lụp cụp.
Chị S. cho biết, cách đây 1 năm, chị đã từng thay khớp gối toàn phần bên trái với vết mổ khá dài 15cm, 7 tuần sau mổ mới gấp duỗi gối 110 độ.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, công việc của chị S. thường hay ngồi xổm, leo cầu thang,… dẫn đến bị thoái hóa khớp sớm.
Sau khi được thăm khám, chị S. được phẫu thuật thay khớp gối bán phần. Chị S. chia sẻ, chị cảm thấy cuộc phẫu thuật lần này nhẹ nhàng hơn hẳn lần trước, ít đau, ít mất máu, vết mổ ở chân phải nhỏ hơn chỉ khoảng 10cm, chỉ sau 3 – 4 tuần, chị đã gập duỗi gối 110 độ. Hiện nay, khả năng vận động của chị đã được cải thiện nhiều, có thể tiếp tục công việc hằng ngày.
Chị S. chia sẻ, chị cảm thấy cuộc phẫu thuật lần này nhẹ nhàng hơn hẳn lần trước, ít đau, ít mất máu, vết mổ ở chân phải nhỏ hơn chỉ khoảng 10cm
PGS TS BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho những người bệnh thoái hóa chỉ một khoang khớp gối. Gần đây, với cải tiến về kỹ thuật ít xâm lấn và kết quả sau mổ tốt hơn nên kỹ thuật thay khớp gối bán phần ngày càng được chỉ định nhiều đối với các người bệnh ở độ tuổi trẻ bị thoái hóa khớp với mục đích phục hồi vận động nhanh hơn sau phẫu thuật.
BV Đại học Y dược cũng tiên phong trong việc áp dụng khớp gối nhân tạo di động (Mobile Bearing) trong việc thay khớp cho người bệnh trẻ tuổi, cần vận động nhiều. Đây là loại khớp gối có thể xoay, tăng độ linh hoạt, độ mòn ít hơn, có thể gia tăng thời gian sử dụng khớp nhân tạo từ 10 năm lên đến 15 năm, đến khi cần thay lại khớp cũng sẽ dễ dàng và mau bình phục hơn.
Theo PGS TS BS Bùi Hồng Thiên Khanh, thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể do nhiều yếu tố như di truyền, chuyển hóa và chấn thương.
Theo thống kê, ở Mỹ có đến 85% người trên 55 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp. Tại Việt nam, có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp. Trong đó, đáng lưu ý là bệnh lý thoái hóa khớp gối đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Tỷ lệ tàn tật của thoái hóa khớp gối ngang bằng với bệnh phổi và bệnh tim mãn tính.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa khi bảo tồn không còn hiệu quả. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các kỹ thuật ngoại khoa được ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối khá đa dạng như nội soi (cắt lọc, tạo vi gãy xương kích thích tủy, cấy tế bào sụn tự thân), ghép sụn xương tự thân, ghép sụn xương đồng loại, cắt xương sửa trục, liệu pháp tế bào gốc và thay khớp (thay khớp gối bán phần và toàn phần). Trong đó, sự ra đời của khớp gối nhân tạo và tay nghề của phẫu thuật viên Chấn thương chỉnh hình được nâng cao đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.
Thay khớp gối là phẫu thuật cắt đi lớp sụn đầu xương đã bị hư hoại và thay vào đó là lớp mỏng kim loại bao bọc đầu xương tránh cho xương tiếp xúc trực tiếp với xương gây đau. Khớp gối nhân tạo được chỉ định thay trong những trường hợp thoái hóa khớp nặng, chân bị lệch trục, điều trị nội khoa không hiệu quả nhằm mục đích giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khớp gối nhân tạo khi thay được chia làm 2 nhóm bao gồm thay khớp gối toàn phần và thay khớp gối bán phần. Trước đây, khi chưa có phương pháp thay khớp gối bán phần, những người bị thoái hóa khớp gối thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng cho đến lúc không thể đi được mới được chỉ định thay khớp gối toàn phần. Khi thực hiện kỹ thuật này, những bộ phận không bị tổn thương như dây chằng chéo, khớp lành và một số phần mềm khác đều bị cắt bỏ. Đối với người bệnh còn trẻ, kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi vận động sau này. Hiện nay, phương pháp mới là thay khớp gối bán phần - chỉ thay 1 bên tổn thương, không phải toàn bộ mặt khớp giúp ít mất máu, bảo tồn xương nhiều hơn, phục hồi chức năng tốt hơn.
(CAO) Những tiến bộ gần đây của ngành sinh học phân tử đã chỉ rõ, điểm mấu chốt trong tiến trình thoái hóa xương khớp là sự tổn thương của sụn và xương dưới sụn. Việc phòng ngừa và điều trị bệnh cần hướng “trúng đích” vào bộ đôi tổn thương đặc trưng này.