Trước thông tin khan hiếm tiểu cầu trầm trọng: Bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếng!

Thứ Tư, 26/07/2017 00:16  | Ngô Đồng

|

(CAO) Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội có thông tin về việc bệnh viện Chợ Rẫy đang khan hiếm trầm trọng tiểu cầu gây hoang mang cho người bệnh và kêu gọi mọi người tham gia hiến tiểu cầu. BV Chợ Rẫy khẳng định đây không phải là thông tin chính thức từ bệnh viện Chợ Rẫy.

Chiều 25-7, TS BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy cho biết, thông tin lan truyền trên mạng là không chính xác.

Thông tin lan truyền trên mạng 

Theo TS BS Lê Hoàng Oanh, máu là dược phẩm tự nhiên rất quý, các bệnh viện luôn rất cần máu và các chế phẩm từ máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân, vận động người dân hiến máu tình nguyện, trong đó có hiến các thành phần máu (tiểu cầu, huyết tương).

Máu gồm nhiều thành phần như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương,... Mỗi thành phần có nhiệm vụ nhất định để duy trì sự sống.

Tiểu cầu là một trong những thành phần tế bào máu, có chức năng cầm máu và đông máu, rất cần cho những bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn chảy máu…

Với tiến bộ của khoa học, chúng ta có thể hiến máu toàn phần hoặc hiến máu từng phần như hiến tiểu cầu, hiến huyết tương,...

Tiểu cầu được lấy ra bằng cách lấy máu từ cánh tay và đưa vào máy, chỉ có tiểu cầu được tách riêng ra, phần máu còn lại (bao gồm hồng cầu, bạch cầu, huyết tương) sẽ được truyền trả lại cho người hiến.

BS Lê Hoàng Oanh cho biết, tiểu cầu khi được lấy ra sẽ được bảo quản nhiệt độ 20 – 24 độ C trong điều kiện lắc liên tục cũng chỉ sống được 5 ngày nên các Trung tâm truyền máu, bệnh viện cần đảm bảo nguồn hiến tiểu cầu thường xuyên.

"Thời gian gần đây, có thể do nhu cầu điều trị và các dịch bệnh như sốt xuất huyết, các bệnh viện tỉnh khu vực phía Nam rất cần tiểu cầu, gây ra tình trạng thiếu một cách tương đối tiểu cầu để phục vụ cho điều trị chứ chưa hề có tình trạng thiếu tiểu cầu trầm trọng như các trang mạng nói trong thời gian qua. Tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy có lúc cũng xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu như khi có nạn nhân bị tai nạn hàng loạt như tai nạn giao thông nhưng luôn được điều tiết được ngay sau đó", BS Oanh khẳng định.

TS BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy cho biết, thông tin lan truyền trên mạng là không chính xác. Ảnh: NĐ

Tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy luôn có khoảng 50 – 70 khối tiểu cầu dự phòng mỗi ngày. Tuy nhiên do đời sống của tiểu cầu rất ngắn, chỉ sống được 5 ngày, nên các bác sĩ phải "cân não" để cân bằng được lượng tiểu cầu hàng ngày đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân mà không bị thiếu và dư phải hủy bỏ.

"Việc duy trì nguồn tiểu cầu dự trữ không thể quá lớn, nếu dự trữ một lượng quá lớn sau 5 ngày không truyền hết sẽ phải hủy gây ra sự lãng phí; còn nếu duy trì một lượng quá ít sẽ không đủ đáp ứng cho người bệnh hàng ngày. Việc lan truyền thông tin không chính xác ít nhiều đã gây tâm lý hoang mang cho bệnh nhân", BS Oanh cho biết.

Ngoài sự cố dịch bệnh hay có tai nạn hàng loạt khiến bệnh nhân tăng cao bất ngờ, thì theo bác sĩ Oanh việc thiếu tiểu cầu cũng có thể xảy ra trong trường hợp có nhóm tiểu cầu nào đó khan hiếm do bệnh nhân thuộc nhóm tiểu cầu đó tăng cao. Tiểu cầu cũng có 4 nhóm như máu (A, B, AB và O). Người bệnh thuộc nhóm tiểu cầu nào thì tốt nhất nên truyền nhóm tiểu cầu đó. Do đó, khi có nhóm tiểu cầu nào đó sử dụng trên lâm sàng nhiều quá hay người đến hiến nhóm tiểu cầu đó ít sẽ gây ra tình trạng thiếu tiểu cầu cục bộ.

BS Oanh cũng cho hay: “Hiện chúng tôi có khoảng 500 người đăng ký hiến tiểu cầu thường xuyên và lúc nào trong kho chứa của trung tâm cũng lưu trữ từ 50 đến 70 khối tiểu cầu. Lượng tiểu cầu mới luôn được bổ sung hàng ngày vào kho để đáp ứng nhu cầu cho người bệnh. Khi có trường hợp dịch bệnh hay những tai nạn hàng loạt khiến nhiều người thương vong dẫn đến nhu cầu cần tiểu cầu cao thì bệnh viện mới vận động sinh viên các trường đại học cũng như cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị hiến tiểu cầu".

Các bác sĩ cho biết, hiến tiểu cầu rất an toàn bởi số lượng tiểu cầu sẽ được hồi phục trong thời gian ngắn, mỗi ngày tủy xương sản xuất 150 tỷ tiểu cầu thay thế tiểu cầu già chết đi, bởi vậy việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến.

Bất cứ người bình thường nào khỏe mạnh cũng có thể hiến tiểu cầu và có thể hiến tiểu cầu ít nhất mỗi 4 tuần 1 lần. Hiện nay, có 5 đơn vị tiếp nhận tiểu cầu trên cả nước là Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy, Trung tâm truyền máu Hà Nội, Trung tâm hiến máu Huế, Trung tâm hiến máu Cần Thơ và Bệnh viện truyền máu huyết học TP.HCM.

Không để bệnh nhân nghèo đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang