Hiến máu từ thuở sinh viên
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện, cô Lê Thị Ngọc Thắm (43 tuổi, hiện là giáo viên dạy cấp 2 môn ngữ văn tại trường THCS II thị trấn Củ Chi) chia sẻ: "Cô đã tham gia hiến máu tình nguyện từ khi còn là sinh viên. Khi đó, khi nhà trường phát động phong trào hiến máu tình nguyện, cô đã hăm hở đăng kí tham gia".
"Khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện cũng chưa có nhiều hoạt động, nên tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện diễn ra thường xuyên", cô Thắm nói.
Cô Lê Thị Ngọc Thắm với 50 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: NĐ
Cô Thắm kẻ: "Có lần, chứng kiến cảnh một đồng nghiệp bị tiền sản giật, cần truyền máu để cứu chữa nên các bác sĩ đã phải huy động truyền máu từ nguồn máu dự trữ và nguồn máu sống của bệnh viện. Song nguồn máu vẫn không đủ. Khi đó, tôi đã tình nguyện hiến máu, nhưng vì tôi vừa hiến máu trước đó chưa tròn 100 ngày nên các bác sĩ khuyên không nên hiến máu tiếp. Tình trạng của đồng nghiệp vẫn đang rất cần máu nhưng chưa thể huy động kịp, nên tôi vẫn quyết định hiến và lúc đó các bác sĩ mới lấy máu của tôi".
Từ lần hiến máu đầu tiên, đến nay hễ có phong trào vận động hiến máu cứu người là cô Thắm lại tham gia. "Được cái gia đình cũng ủng hộ việc làm nhân văn nên thấy cũng vui. Khi sinh con thì cô có gián đoạn một thời gian, khi sức khỏe ổn định là lại tham gia hiến máu cứu người", cô Thắm chia sẻ.
Vận động cả nhà tham gia hiến máu tình nguyện
Đó là nghĩa cử hết sức ý nghĩa của bà Võ Kiều Hạnh (55 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM). Bà Hạnh chia sẻ, bà tham gia hiến máu từ năm 1997, từ đó đến nay đã hiến máu được 43 lần. Do tham gia trong hội phụ nữ nên bà lại đi vận động thêm nhiều chị em cùng tham gia hiến máu.
Bà Võ Kiều Hạnh (bìa trái) đã 43 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: NĐ
Bà Hạnh tình thiệt kể: 'Hồi đó phong trào hiến máu tình nguyện cũng chưa có nhiều hoạt động, đi hiến máu sợ gia đình la nên toàn lén lén đi không hà. Nhưng hiến máu thấy vừa cứu được người mà bản thân mình thì không ảnh hưởng gì, thậm chí còn khỏe hơn nên dần dần mạnh dạn kể cho gia đình nghe, rồi vận động cả nhà cùng tham gia".
"Má của tôi cũng là một người được tôi vận động đi hiến máu nhiều lần, cả nhà tôi được Hội Chữ thập đỏ tặng bằng khen vì cả nhà cùng tham gia hiến máu", bà Hạnh phấn khởi nói.
Tôn vinh người hiến máu tình nguyện
Nhằm ghi nhận, cảm ơn, khuyến khích những người đã hiến máu và tiếp tục hiến máu nhắc lại; ngày 14-6 hàng năm được chọn là "Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu".
BS Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM chia sẻ: "Những người hiến máu tình nguyện họ là những người bình thường nhưng đối với người bệnh họ là anh hùng. Họ đã hiến tặng người bệnh, cho họ cuộc sống bởi hai món quà vô giá đó là máu và thời gian dành để đi hiến máu. Chính nhờ món quà này, chính nhờ nghĩa cửu này mà hằng năm trên thế giới có hàng triệu lượt người được cứu sống nhờ có máu để truyền".
BS Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM chia sẻ: "Những người hiến máu tình nguyện họ là những người bình thường nhưng đối với người bệnh họ là anh hùng". Ảnh: NĐ
Tại TP.HCM, theo BS Ninh, Trung tâm Hiến máu nhân đạo chính thức được thành lập từ ngày 31-12-1994. Đến nay, toàn TP đã có hơn 2 triệu lượt người dân tham gia hiến máu tình nguyện, đạt trên 2,3 triệu đơn vị máu.
BS Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM chia sẻ: "Mọi người cần hiểu rằng hiến máu không gây đau đớn. Hiến máu rất an toàn và không làm người hiến cảm thấy ốm yếu hay mệt mỏi, vì thế không nên sợ hãi. Khi hiến máu là chúng ta đã làm việc có ích "mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại". Càng có nhiều người hiến máu thường xuyên được tuyển chọn thì nguồn cung cấp máu sẽ càng an toàn và đảm bảo hơn".
BS Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM chia sẻ: "Tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến hơn 2 triệu người dân TP.HCM, họ đã hiến tặng dòng máu của mình để cứu sống biết bao bệnh nhân. Tôi xin tri ân đến các anh, các chị đã hiến máu thường xuyên và đều đặn như anh Nguyễn Hữu Thuận với 88 lần hiến máu tình nguyện và là người có số lần hiến máu cao nhất TP.HCM và các anh chị với trên 80 lần hiến máu như Phan Kim Mỹ, Lương Đình Chiêu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vũ Chấm Minh, Ngô Văn Dư, Lâm Kiến Phước, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Hòa, Trần Nguyên Hòa,... Họ đã hiến tặng dòng máu của mình để cứu sống biết bao bệnh nhân góp phần quan trọng giúp ngành y tế cứu sống nhiều bệnh nhân, nhất là đảm bảo đủ số lượng máu cho cấp cứu và điều trị trên toàn TP".
BS Ninh cũng hoan nghênh và biểu dương đội hiến máu dự bị 10 ngàn người của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP và 24 quận/huyện đã trong tư thế sẵn sàng đưa dòng máu cảu mình đến các bệnh nhân cần máu khẩn cấp. Đặc biệt là 196 người trong đội máu hiếm, họ luôn sẵn sàng cứu giúp bệnh nhân có nhóm máu Rh- vượt qua cơn thập tử nhất sinh. Ngoài ra, còn có các chú, các bác đã từng hiến máu tình nguyện nhưng vì tuổi cao không thể tiếp tục hiến máu nên họ đã thành lập các câu lạc bộ như đờn ca tài tử đi tuyên truyền, vậ động con cháu, bạn bè khắp nơi tham gia hiến máu tình nguyện.
Sáng 9-6, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM đã tổ chức Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2017 nhằm biểu dương, động viên và ghi nhận thành tích các cá nhân đã tham gia và hưởng ứng trong công tác vận động hiến máu tình nguyện trong thời gian qua.
Trog buổi tôn vinh, 752 anh chị hiến máu tình nguyện được biểu dương. Cụ thể, trao tặng 74 Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nhân đạo" cho người đã hiến máu 40 lần; trao 186 Bằng khen Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho người hiến máu 30 lần và trao 492 bằng khen UBND TP.HCM cho người hiến máu tình nguyện đạt 20 lần.
Trao tặng quà cho Đoàn tham dự Hành trình Trái tim Việt Nam lần XI
Trao tặng 74 Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp nhân đạo" cho người đã hiến máu 40 lần
Dịp này, Lãnh đạo TP cũng trao tặng quà cho Đoàn tham dự Hành trình Trái tim Việt Nam lần XI gồm 10 anh chị hiến máu tình nguyện tiêu biểu, đại diện cho hơn 2 triệu người dân TP đã tham gia hiến máu.
(CAO) Diễn viên Lan Phương là người đang mang trong mình dòng máu hiếm O Rh-, vậy nên khi có cơ hội hiến máu giúp cứu người có nhóm máu hiếm như mình, chị đều sẵn lòng.