Nước ngập bủa vây mái ấm và ước mơ bé nhỏ của người phụ nữ liệt hai chân

Chủ Nhật, 28/05/2017 06:35  | Ngô Đồng

|

(CAO) Những mảnh đời khuyết tật, lang thang cơ nhỡ từ nhiều nơi cùng nhau nương tựa trong một căn nhà cấp 4 ở Hóc Môn. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm lầy lội, mỗi khi trời mưa, nước ngập tràn vào nhà khiến họ không còn chỗ ngủ.

Mái ấm Đồng Cảm

Tôi ghé mái ấm Đồng Cảm (ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, Hóc Môn, TP.HCM) vào một buổi trưa muộn của những ngày cuối tháng 5-2017. Con đường dẫn vào mái ấm khá lầy lội vì trời vừa đổ xuống một cơn mưa nhẹ. Ngôi nhà hiện ra trước mắt tôi khá nhếch nhác, bừa bộn. Trong ngôi nhà, chị Văn Thị Hoài Thương (49 tuổi, cũng là chủ căn nhà) đang ngồi bệt dưới nền nhà bếp chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà.

Chị Thương chia sẻ: “Mấy bữa trước mưa lớn dữ quá em ơi, nhà ngập hết, mọi người xúm nhau tát nước, không còn chỗ ngủ, cả 17 người chen chúc nhau trên một chiếc giường, rồi phải chia nhau đi ngủ nhờ nhà hàng xóm…”.

Xem clip nước tràn vào nhà:

Xem clip cả nhà tát nước:

Chị Hoài Thương cũng phải ngồi xe lăn tát nước:

Chị Văn Thị Hoài Thương kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Trị. Năm 6 tuổi, sau một cơn sốt, chị không còn được đứng bằng đôi chân của mình nữa. 11 tuổi, cha mẹ qua đời, chị bơ vơ giữa cuộc đời. Sau những ngày tháng rong ruổi nay đây mai đó, chị được nhận vào nhà nuôi trẻ mồ côi Mầm Non 6, nay là Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật – mồ côi Thị Nghè.

Nhân duyên sắp đặt, chị gặp gỡ và yêu thương một thanh niên trong mái ấm. Lập gia đình, anh chị bước vào cuộc mưu sinh. Hai người tàn tật rong ruổi khắp ngõ phố bán vé số sinh sống. Anh chị dựng một căn lều trong nghĩa trang bên Thủ Thiêm để trú ngụ.

Khổ nhất là khi mang thai đứa con đầu lòng, đi sinh con không có tiền trong túi, thấy vợ chồng chị quá nghèo, nhiều người ngỏ ý muốn xin đứa bé để nuôi và cho anh chị 5 triệu đồng. “Nhưng thấy con thấy thương lắm, không thể cho người ta nuôi được”, chị Thương kể.

Khổ là vậy, nhưng trong những ngày mưu sinh cơ cực đó, anh chị lại gặp những người còn khổ hơn mình. Vậy là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cùng chia sẻ một chỗ trú nắng, trú mưa, cùng chia sẻ bữa no bữa đói, ngày đi bán vé số kiếm sống, tối về chen chúc trong căn chòi lá ở nghĩa trang Thủ Thiêm.

Sống vạ vật trong một gò mả ở Thủ Thiêm, năm 1996 được một người lấy cốt ông bà thương cho 10 triệu đồng, chị Hoài Thương dắt díu những mảnh đời cơ nhỡ nương dưới mái nhà của chị về xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn mua một miếng đất nhỏ. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị cũng có được mái nhà che mưa, che nắng.

"Thương nhất là những người cùng cảnh ngộ, họ thấy tôi đi đâu, họ cũng nhất định đòi đi theo…”, chị Thương kể.

Về Hóc Môn không được bao lâu thì bất hạnh lại giáng xuống khi chồng chị qua đời vì bạo bệnh, để lại hai đứa con thơ dại.

Những lúc khó khăn thế này, chị thấu hiểu được giá trị của một bàn tay chìa ra cho mình nắm đáng quý biết dường nào. Thế nên, thấy người đồng cảnh ngộ là chị cưu mang. Thương các cụ già bơ vơ không con cháu đỡ đần, chị sẵn lòng mang về chăm sóc như mẹ ruột. Rồi thấy cảnh 2 cha con bán vé số tật nguyền không nơi nương tựa, chị cũng cho về nhà ở,… Cứ thế, căn nhà nhỏ ấy đông dần lên, họ nương tựa vào nhau mà sống với tình thương ấp áp của chị Văn Thị Hoài Thương, đúng như cái tên của chị. Cái tên “mái ấm Đồng Cảm” cũng từ đó mà ra, họ tự đặt tên cho ngôi nhà để thấy ấm lòng hơn.

Cần lắm một ngôi nhà mới

Được nhiều người giúp đỡ, mái ấm Đồng Cảm cũng được mở rộng hơn, đến nay rộng gần 100m2, là chốn đi về của gần 20 con người.

Căn nhà nhỏ cả ngày vắng lặng vì mọi người chia nhau đi làm kiếm sống. Tùy theo điều kiện sức khỏe, người thì phụ bán cà phê, người đi làm xí nghiệp, người khuyết tật thì đi bán vé số,…

Khi chiều xuống, con hẻm lại rộn rã tiếng cót két của xe lăn, tiếng bước chân khập khiễng của những chị em đi bán vé số trở về. Trẻ con thì kể chuyện trường lớp, bạn bè; người lớn kể chuyện bán đắt, bán ế, bị giật, bị lừa…

Khi hỏi chuyện, cô Lâm Kim Lệ Thủy (54 tuổi, quê quán Vĩnh Long) tình thiệt chia sẻ: “Cô không có nơi nương tựa, Hoài Thương cưu mang hơn 20 năm rồi”.

Cô kể, cô lên Sài Gòn bán vé số dạo từ hơn 20 qua vì tay cô bị tật, người cũng bị di chứng phỏng nặng, mất sức lao động không thể làm gì kiếm sống ngoài việc bán vé số. Thấy cô quá khổ, Hoài Thương cho ở chung đến tận bây giờ.

Mới đây, cô bị tông xe chấn thương ở chân trong lúc đi bán vé số dạo nên giờ mỗi lần đi bán, cô phải chống nạn mới đi được.

Người lớn tuổi nhất hiện ở mái ấm Đồng Cảm đã 76 tuổi, nhỏ nhất là 7 tuổi. Mỗi người là một hoàn cảnh xót thương, như trường hợp của em Đặng Thị Thu Thảo. Cả em và ba đều bị khuyết tật, đi bán vé số dạo rồi lại gặp Hoài Thương, rồi được cưu mang. Khi ba em mất, Thảo được nuôi cho ăn học. Từng quyển sách, cuốn vở, tấm áo dài trắng để Thảo đi học đều do chị Hoài Thương đi xin về. Đến nay, em hiện là sinh viên năm thứ 4 Đại học công nghiệp. Ngoài giờ đi học, em đi phụ bán cà phê để có tiền trang trải sinh hoạt.

Lúc trước, mái nhà của chị Thương cưu mang 20 người. Giờ chỉ còn lại 17 người, trong đó có 7 em nhỏ đang tuổi ăn học. Cho đến bây giờ, ngôi nhà nhỏ của người phụ nữ bị liệt hai chân đã chứng kiến nhiều lớp người đến rồi lại đi. Đã có những đám cưới và những đám tang trong gian nhà nhỏ này. Người đầu tiên vĩnh viễn ra đi chính là chồng của chị, rồi đến 'bà ngoại', một cụ bà không có người thân, được chị cưu mang và coi như mẹ.

"Nhớ bà ngoại lắm, bà không ai nuôi dưỡng, nói cho bà vào Viện dưỡng lão nhưng bà không chịu, nói chỉ ở với Hoài Thương, bệnh Hoài Thương nuôi, chết Hoài Thương chôn. Bà không chịu đi đâu, đến ngày nhắm mắt cũng chỉ ở nhà này", chị Hoài Thương nhớ lại.

Trẻ em được chị Hoài Thương thương như con, cho ăn học; người già được chị coi như mẹ, chăm sóc tận tình. Để có thể trang trải được miếng ăn cho cả nhà, chị Thương phải đi xin gạo ở chùa hay nhà thờ đem về nấu cơm chung, xin thuốc men từ thiện cho các cụ già, cháu nhỏ…

“Bây giờ hạnh phúc lắm rồi, có nhà cửa, có anh chị em, có con cháu, không còn cô độc nữa...”, chị Thương tâm sự.

Tuy nhiên, mái ấm ấy những năm gần đây đã xuống cấp, nhà thấp hơn mặt đường nên mỗi khi trời mưa là nước tràn vào nhà. Mới đầu mùa mưa thôi mà cả nhà phải hì hục tát nước, có bữa ngập quá trời, không còn chỗ ngủ, cả nhà 17 người chen chúc nhau trên một chiếc giường hoặc chia nhau đi ngủ nhờ ở nhà hàng xóm.

Tháng năm cơ cực mang đến cho chị nhiều bật tật, viêm đa xoang, loét dạ dày. Gần đây nhất, chị phát hiện thêm bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, nó khiến chị đau đớn vật vã, phải nhập viện BV Nhân dân 115.

Thuở trước, ngoài việc đi bán vé số. Mỗi khi có giải đấu bóng bàn quốc gia thì chị Hoài Thương lại khăn gói lên đường thi đấu cho đội người khuyết tật TP.HCM nhưng giờ không đánh được nữa, lăn xe đi bán vé số cũng không được vì cánh tay đau nên để có tiền nâng nền nhà chống ngập; để bà, dì, các cháu không phải đi ngủ nhờ… chị nhận việc kết cườm gia công làm vòng tay, móc khóa tại nhà.

Chị Thương chia sẻ, chị sợ bệnh tật, gắng gượng liên tục cũng khiến chị thấy mệt mỏi; nhưng cứ thấy mọi người xung quanh lo lắng, buồn bã, chị lại thấy mình cần phải giữ vững tinh thần. Chị rất lạc quan, dí dỏm chia sẻ: "Chị hát cũng hay lắm nha, buồn buồn chị hát là hết buồn". Bây giờ điều chị mong ước duy nhất là có một số vốn để nâng được nền nhà, cho những người đồng cảnh ngộ một chỗ trú chân, một đêm ngủ ngon giấc sau những ngày vật lộn để mưu sinh.

Xem thêm clip:

Mọi sự chung tay giúp đỡ của Mạnh Thường Quân xin vui lòng gửi về số nhà: 56/7N ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Số điện thoại chị Văn Thị Hoài Thương: 098 525 3511

Bình luận (0)

Lên đầu trang