Chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học:

Vừa làm vừa lo… thất nghiệp

Thứ Năm, 06/10/2016 18:20

|

(CAO) Thời gian gần đây, nhiều cán bộ thuộc diện Chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học vào làm việc tại các cơ quan ban ngành mừng ít lo nhiều khi số phận của họ vẫn “long đong” như 3 năm trước đây. Bên cạnh việc chưa “lạc nghiệp”, thì các chế độ, hỗ trợ, phụ cấp tại một số đơn vị công tác cũng thua kém, thẩm chí là không có. Nhiều cơ quan đơn vị, và ngay cả đơn vị tham mưu cũng thừa nhận “bỏ thì thương mà vương thì nặng”. Vì sao vậy?

Năm 2013, HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua và ban hành Nghị quyết về Chính sách sử dụng con em (CSSDCE) Quảng Bình tốt nghiệp vào các ban ngành, đơn vị trong tỉnh. Theo đó, có 241 người vào khối chính quyền, 51 người vào khối đảng, đoàn thể. Trong 3 năm thực hiện, một phần trong số đó được các cơ quan đơn vị tuyển dụng vào biên chế, không ít trường hợp nghỉ việc, chuyển công tác, còn khoảng 220 người đang thuộc diện chính sách như trên.

Mới đây, cuối năm 2015, sở Nội vụ là đơn vị tham mưu đã ghi nhận, nắm tình hình và có sơ kết 3 năm thực hiện. Theo đó, bên cạnh những thuận lợi thì vướng không ít khó khăn khiến sau 3 năm lượng cán bộ hợp đồng vẫn còn khoảng 2/3 chưa được vào chính thức các cơ quan đơn vị nhà nước.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn 3 năm, hơn 200 người còn chưa được vào biên chế, nên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục ra quyết định thực hiện CSSDCE Quảng Bình tốt nghiệp đại học từ 1-1-2016 với thời hạn tối đa 3 năm.

Trụ sở Nội vụ Quảng Bình, đơn vị tham mưu chính sách trên

Các em được hưởng chế độ lương theo quy định của nhà nước. Người lao động hợp đồng đủ 4 năm được xem xét nâng lương thường xuyên như đối với công chức, viên chức. Tuy nhiên, các chế độ hỗ trợ, phụ cấp tùy theo đơn vị sử dụng cán bộ hợp đồng.

Không ít người có nhiều tâm tư, làm việc ở cơ quan đơn vị nào “dễ thương” thì được hưởng một số phụ cấp, hỗ trợ trong các dịp lễ tết, cuối năm (tuy được hưởng khoảng 50% so với cán bộ biên chế); còn một số đơn vị “khó tính” thì anh em hợp đồng lãnh đủ, không được đối xử công bằng. Thanh niên tuổi trẻ đầy nhiệt huyết anh em vẫn cống hiến hết mình, tuy nhiên luôn bị xem là người thừa, có đơn vị còn không giao việc cụ thể, chỉ giao những việc lặt vặt, các khoản hỗ trợ hầu như không có. Thỉnh thoảng sếp kêu lên “bóng gió” khiến anh em cũng lo sốt vó.

Hợp đồng thì ký một năm một lần, cuối năm bình xét đánh giá, nếu cơ quan đơn vị nào thương tình thì cho qua, còn nơi nào muốn “gạt” thì viện vài lí do là số phận nhân viên theo diện chính sách này cũng khóc ròng.

“Anh em cống hiến, nếu đến hạn tối đa 3 năm như quyết định của UBND tỉnh thì coi như hết tuổi xuân, nếu ra ngoài xin việc các doanh nghiệp, công ty thì cũng khó, nhất là các chị em, vì họ thích tuyển những nhân viên trẻ trung”, một người thuộc diện chính sách trên tâm sự.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2016

Ông Trần Tiến Vương, Phó giám đốc sở Nội vụ Quảng Bình cho rằng, chính sách này hết sức nhân văn, nhưng ‘vướng” cũng không ít. Bởi vậy, sau 3 năm thực hiện, vẫn còn gần 220 em còn chưa được vào biên chế. Hiện sở cũng đang tìm cách “gỡ”. Xét thấy công việc các em làm tốt, các đơn vị có nhu cầu nên sở tham mưu tỉnh quyết định kéo dài tối đa 3 năm. Mục đích, đây là “nguồn dự phòng” cho các cán bộ về hưu; tạo điều kiện có đủ thời gian để xét tuyển dụng đặc cách vào biên chế công chức, viên chức theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Vương, hiện cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, về kinh phí còn nhiều hạn hẹp nên chỉ có thể bố trí để trả lương; kinh phí chi thường xuyên cho các chỉ tiêu lao động hợp đồng các cơ quan, đơn vị tự cân đối. Vì hạn hợp đồng theo Chính sách là 3 năm nên ở một số cơ quan, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế công chức, biên chế sự nghiệp vẫn chưa thể tuyển dụng đặc cách các hợp đồng lao động này. Ngoài ra, với thời gian 3 năm, các lao động hợp đồng mới thạo việc, làm quen với lề lối làm việc cơ quan, đơn vị, có thể hiện khả năng bản thân cũng là lúc hết thời hạn hợp đồng.

“Hiện nay, đang thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, vì vậy, chỉ tiêu tuyển biên chế để tuyển dụng trong các năm tiếp theo rất hạn chế, do đó để tuyển dụng hết số lao động này gặp nhiều khó khăn”, ông Vương cho biết.

Khi hỏi về một số thiệt thòi khi làm tại một số cơ quan đơn vị, ông Vương cho rằng, đó là quy chế chi tiêu nội bộ của từng cơ quan, đơn vị nên sở không can thiệp được. Còn tỉnh thì trả lương theo quy định, hỗ trợ thêm không được vì không thể thực hiện ngoài Nghị quyết HĐND và không đủ kinh phí.

Ông Nguyễn Đức Lý, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình cho hay, bên sở có 2 em được tỉnh đưa về theo diện CSSDCE Quảng Bình. Đây là chính sách rất hay, nhưng thú thật đã gần 4 năm nhưng sở vẫn chưa có suất nào vào biên chế. Hiện sở chưa có ai về hưu, mà theo quy định thì 2 người về hưu mới nhận được một người. “Tôi cũng chưa giám chắc trong thời hạn 3 năm có nhận được các em vào biên chế hay không vì những vướng mắc trên. Trong khi đó các em làm việc cũng ổn. Sở cũng hỗ trợ thêm cho các em trong nguồn khoán chi, tuy có ảnh hưởng đến những biên chế khác, nhưng như thế cũng không bền. Tỉnh nên vận dụng hỗ trợ thêm cho các em ngoài khoản lương mà tỉnh đã cấp kinh phí để các em có điều kiện tốt hơn”, ông Lý nhìn nhận.

Thiết nghĩ, từ một chính sách nhân văn, tỉnh Quảng Bình có cơ chế hợp lý để các em không băn khoăn, không thấp thỏm âu lo khi số phận công việc của mình cứ bấp bênh vì cơ chế…

Bình luận (0)

Lên đầu trang