Vượt qua… “bão giá”

Thứ Tư, 27/04/2022 17:15

|

(CATP) Trong những ngày cuối tháng 4-2022, chúng tôi đi trên nhiều nẻo đường, vào những khu trọ chật như nêm… từ trung tâm đến vùng ven TP.Hồ Chí Minh để chứng kiến tận mắt, cũng như cùng chia sẻ với biết bao phận đời cơ cực, lam lũ, lặn ngụp mưu sinh giữa dòng đời vốn luôn chảy xiết...

CHẬT VẬT MƯU SINH

Trên chuyến xe lôi của anh Ba (ngụ quận Bình Thạnh) trên đường gần chợ tự phát Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh) đầy ắp những hàng hóa như dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt… Nói chung như một của hàng tạp hóa di động.

Anh Ba kể: “Trước tôi làm công nhân, nhưng sau dịch từ năm ngoái đến đầu năm nay, tôi cùng vợ bươn chải bán hàng rong ngoài đường, trong hẻm kiếm sống. Nhưng riết cũng không đủ trang trải cuộc sống, tiền gửi về quê nuôi hai con ăn học. Thế là vợ chồng bàn tính mở của hàng tạp hóa di động trên xe lôi, hàng ngày rong ruổi từ sớm đến tận khuya mới về nhà trọ. Giá hàng hóa lặt vặt có tăng, nhưng người mua cũng chấp nhận được. Như chai nước tương mười lăm ngàn, nay tăng thêm một ngàn rưỡi, bỏ công sức kiếm lời cũng không sao, nhưng lo vẫn lo vì mưu sinh cuộc sống là vậy mà”.

Mua bán hàng hóa đủ loại để mưu sinh.

“Vượt qua dịch là tốt lắm rồi, gia đình tôi ở Bắc miền Trung vào TPHCM, khó khăn kiếm sống mà vượt qua là hạnh phúc gì bằng, được chích ngừa hết anh ạ, giờ lo kiếm sống nuôi được bản thân và lo con ăn học ngoài quê là điều mong muốn của vợ chồng tôi đạt được”, anh Ba cho biết thêm.

Lau vội những giọt mồ hồi dưới cái nắng nóng hầm hập, bụi đường lấm lem, anh Ba vẫy tay cùng vợ tiếp tục cuộc mưu sinh thường nhật, mang hàng hóa đến tận nơi các gia đình mua sắm tại chỗ. Tôi nhìn theo chiếc xe “cửa hàng tạp hóa” của anh, mà khâm phục sự cố gắng vươn lên của người lao động chân chính. Vợ chồng anh như khắc họa hình ảnh người lao động chẳng quản ngại khó khăn gì mà không biết cách vượt qua.

Len lỏi trong dòng xe giữa trưa nắng gay gắt trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần Bến xe Miền Đông (cũ), quận Bình Thạnh, chúng tôi bất chợt nhìn dòng chữ “Cốm quê… 10K 4 bịch” trên chiếc xe ba bánh dành cho người tàn tật. Cũng như biết bao phận đời chịu thương chịu khó, sau đại dịch Covid-19 ở TPHCM, họ đã lao ra mặt đường, bám vỉa hè để mưu sinh. Hay bất chợt nhận ra chị Phượng quê tận miền Trung vào TPHCM kiếm sống bằng nghề bán tạp hóa kiểu “tả phí lù”, những nào đủ kiểu trang sức của… người nghèo. Nào là bông tai, kẹp tóc, kính mát, dây chuyền, bấm móng tay, dao cạo râu, cây gãi lưng… và… nhưng đều là thứ rẻ tiền.

Mua bán hàng hóa đủ loại để mưu sinh.

Chị Phượng bảo: “Tui bán vậy giá rẻ mới có nhiều người ít tiền mua được anh ơi. Giá bèo, thì lời cũng bèo à, mỗi thứ lời chút ít, mỗi ngày đi hơn chục cây số, đẩy xe bán hàng chỉ tốn sức thôi, mà cũng vui, gặp được nhiều người, đủ kiểu tâm sự trên đời, kiếm được trăm, hai trăm ngàn đồng là tốt lắm rồi”. Cũng theo giãi bày của chị Phượng, vốn bỏ ra ít, hàng dễ bán, khách là đối tượng nhà nghèo nên nhiều lắm, có bữa bán được nhiều thì kiếm kha khá, vậy so với ở quê làm ruộng là cao hơn gấp nhiều lần đó.

Người dân thành phố dễ dàng bắt gặp nhan nhản hàng, quán vỉa hè, lòng lề đường bày bán khắp nơi. Âu cũng là mưu sinh cuộc sống, như tâm sự của anh Ba, vợ chồng anh kiếm được chút tiền vừa những nuôi được bản thân, còn có ít tiền gửi về lo con ăn học ở quê thì người làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn đạt được mỗi tháng, mỗi ngày. Câu chuyện hàng rong khắp nơi ở thành phố là vậy, thậm chí có nhiều xóm nghèo rất dễ tìm thấy ở ngay trung tâm thành phố như quận 1, quận 3, 5, 6 hay quận 10… nhiều lắm “đội quân” bán vé số, nào đi bộ bán rong, xe tàn tật, lê lết cũng có, nhưng họ biết mưu sinh bằng chính sức lực của bản thân mình “đầu tư”.

Mua bán hàng hóa đủ loại để mưu sinh.

Hầu hết những phận nghèo mưu sinh trên công sức bỏ ra mỗi ngày, nào bán thập cẩm các loại hàng hóa, mà đa phần là nhu yếu phẩm dễ tiêu thụ cho nhu cầu. Mặc dù mỗi cảnh đời mưu sinh là hàng vạn kiểu khác nhau, nhưng cái chung vẫn là biết vươn vượt lên số phận chính mình, kiếm sống một cách chân chính bằng sức lao động, của nỗ lực bản thân mà vượt qua số phận.

NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO

Ngày 26-4, PV Báo Công an TPHCM gặp chị Thi, chủ cửa hàng tạp hóa tại Khu dân cư Tân Thuận (Bình Lợi), phường 13, quận Bình Thạnh. “Hàng hóa lấy vào, để bán lẻ ra cũng có tăng chút giá, nhưng mức tăng nhẹ, bà con mình chấp nhận được. Sức mua mỗi ngày vẫn vậy, sau dịch nhiều người cũng chi tiêu tiết kiệm hơn, nhưng nhu yếu phẩm cần thiết thì vẫn xài”.

Hỏi chuyện, chúng tôi biết chị Thi có một số phòng trọ, với giá bình thường bấy lâu nay là khoảng 1,8 – 1,9 triệu đồng/phòng/tháng. Khách thuê trọ lâu dài, đa phần là công nhân, sinh viên, người lao động. Suốt 8 tháng trong cơn Đại dịch Covid-19, chị Thi ngay lập tức quyết định giảm giá đến 50% tiền thuê phòng cho khách. Bên cạnh đó, chị cùng gia đình làm từ thiện, giúp đỡ nhiều người quanh khu phố có hoàn cảnh ở trọ gặp khó khăn.

Hay trường hợp của ông N.V.Bình ở quận Gò Vấp, ông có đến hai mươi phòng trọ cho người lao động thuê ở. Không những giảm đến 30%, 50%, thậm chí miễn phí luôn nhiều tháng tiền thuê trọ; mà gia đình ông cũng tặng cho rất nhiều người nghèo nào gạo, mắm muối, nước tương, đường, sữa, bột ngọt thời gian vừa qua.

Khu nhà trọ dành cho người thu nhập thấp

Bày tỏ tấm lòng thơm thảo của mình, ông Bình giản dị: “Người ta khó, mình có chút tấm lòng chia sẻ cùng cam cộng khổ là vui lắm rồi. Bữa dịch, ai cũng ở nhà, công việc tạm dừng hết, mình có chút điều kiện thì giúp đỡ mọi người thôi”. Rồi cũng qua câu chuyện của ông, mới biết có trường hợp ở trọ là vợ chồng công nhân may mặc, không việc làm, ông miễn phí luôn nhiều tháng.

Chờ buổi đêm khi công nhân đi làm về, chúng tôi tìm đến tận những căn phòng nhỏ thuê trọ, anh Huỳnh Thanh Hùng (quê tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: “Tháng rồi tôi mới đi làm chỗ mới, ở công ty mới vừa có lương là tôi vội về đóng tiền trọ. Vậy mà bác chủ nhà nói cứ để tiền đó xài đi, bữa nào dư dả chút rồi đóng mà…”.

Nói đến nghẹn lời, anh Hùng đưa tay quệt nước mắt: “Có tiền lương, tôi nghĩ đến ngay bao nhiêu tháng trời cố gắng vượt qua là tốt, mà còn được ăn, được ở thật chẳng biết khi nào mới trả hết ơn!”. Và biết bao là những tấm lòng nhân ái, giúp người nghèo vượt qua Đại dịch Covid-19 vừa qua ở thành phố mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi nêu không toàn vẹn hết được. Ông bà mình có câu: “Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách” là vậy đó.

LẠM PHÁT ĐƯỢC KIỂM SOÁT

Về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ thời gian qua (cụ thể trong quý I/2022) đạt kết quả tốt, lạm phát được kiểm soát, tránh được bão giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ở trong nước, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới với tổng sản phẩm trong nước quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên, nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020.

Tập quán và cơ cấu tiêu dùng của Việt Nam khác các nước. Lạm phát của Việt Nam trong quý I năm nay không tăng cao như nhiều quốc gia khác trên thế giới chủ yếu do một số nguyên nhân: Đó là danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính chỉ số giá tiêu dùng của các quốc gia khác nhau do phụ thuộc vào tập quán tiêu dùng, đồng thời cơ cấu chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng không đồng nhất. Đơn cử, Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn, trong khi ở Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%).

Việt Nam là quốc gia có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi đào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định. Nhóm thực phẩm quý I/2022 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm chỉ số tiêu dùng giảm 0,26 điểm phần trăm. Trong đó, giá thịt lợn giảm 21,55%; mỡ ăn giảm 22,6% và giá thịt chế biến giảm 4,63%. Giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do Việt Nam đã sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi nên chủ động trong phòng ngừa dịch khiến nguồn cung đảm bảo, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số địa phương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 làm chỉ số tiêu dùng giảm 0,23 điểm phần trăm. Nhiều hộ gia đình đã giảm giá hỗ trợ người thuê nhà 15,14%. Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Các chính sách, giải pháp tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời đã giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1-2-2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1.1 đến hết 31-12-2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022…

Bình luận (0)

Lên đầu trang