(CAO) Xung quanh việc kiểm tra người cùng phương tiện qua các chốt kiểm tra phòng chống dịch ở nội ô TPHCM, Công an TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Từ 0 giờ ngày 23-8 TPHCM bắt đầu thực hiện tăng cường giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”.
Cụ thể trong Công văn (CV) số 2796 UBND TPHCM ban hành ngày 21-8 có yêu cầu, tất cả các cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp của TP hoặc của Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM phải triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa ¼ tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị) và phải có mặt cơ quan, công ty, đơn vị… trước 0 giờ ngày 23-8.
CSGT kiểm tra giấy đi đường của người dân
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM trước ngày 23-8 cần phải chủ động bố trí nhân sự hoạt động tại cơ quan, đơn vị, xí nghiệp theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, chủ động sắp xếp, bố trí bộ phận vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất, làm việc. Cả 2 địa điểm ở đây chính là nơi ở của công nhân và nơi sản xuất, nhà máy của doanh nghiệp.
Về việc triển khai giấy đi đường, các đơn vị được UBND TPHCM giao trách nhiệm (căn cứ theo CV 2796, CV 2800, CV 2850 của UBND TPHCM và Thông báo 2361 của Phòng CSGT CATP) xem xét duyệt cấp không quá 10% trên tổng số.
Lực lượng quân đội được tăng cường, hỗ trợ tại TPHCM chống dịch
Hiện nay, các đơn vị doanh nghiệp đều phải thực hiện quy định “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” nên người dân và doanh nghiệp cần hiểu chính xác, việc cấp giấy đi đường dành cho nhóm đối tượng ra đường làm công vụ, hoạt động giao dịch, không phải cấp phép cho người đi từ nhà đến cơ quan.
Các đơn vị, doanh nghiệp nào không duy trì được "3 tại chỗ", không đảm bảo được các yêu cầu phòng chống dịch thì tạm ngưng trong giai đoạn này. Do đó, mong người dân, doanh nghiệp thấu hiểu, chia sẻ khó khăn chung.
Hướng dẫn người dân 11 vấn đề kiểm tra giấy đi đường ở nội đô
Ngày 26-8, Công an TPHCM có nội dung hướng dẫn về việc kiểm tra các nhóm đối tượng được phép di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó" sẽ được thực hiện đồng bộ tại các chốt nội ô.
Theo văn bản hướng dẫn, vấn đề về kiểm tra giấy đi đường ở các chốt kiểm soát nội đô TP gồm các nội dung cụ thể sau:
1. Không kiểm tra giấy đi đường đối với các phương tiện vận tải là xe taxi, xe khách, xe chở công nhân… có mã QR code được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian cấp phép.
2. Đối với các xe vận tải hàng hóa không được cấp mã QR code, tài xế và người ngồi trên xe phải có giấy đi đường theo quy định mới nhất. Theo đó, giấy đi đường này do Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM và Công an các cấp ký cấp theo danh sách gửi về của đơn vị đầu mối, quản lý đối với các phương tiện trên.
3. Đối với các nhóm đối tượng lưu thông là cán bộ công nhân viên chức, người lao động, hỗ trợ phòng chống dịch, tình nguyện viên, thiện nguyện viên… phải có giấy đi đường do Công an cấp (giấy do công an phường, xã cấp chỉ đi trong quận, huyện).
4. Shipper giao hàng (sử dụng ứng dụng công nghệ): Dừng hoạt động tại các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức. Các quận, huyện khác chỉ được hoạt động trọng địa bàn quận, huyện (không đi liên quận) và có nhận diện theo quy định.
5. Đối tượng không cần giấy đi đường:
- Người đi tiêm vaccine: Có tin nhắn hoặc giấy mời, kèm chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
- Lực lượng y tế: Có thẻ y tế hoặc Giấy đi đường do Thủ trưởng đơn vị (Sở Y tế, các cơ sở y tế có quyết định thành lập) cấp.
- Các đối tượng, phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư thiết bị y tế… phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, khi có các giấy tờ chứng minh như Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hợp đồng vận chuyển hàng hóa…
6. Đối với lực lượng công an, quân sự: Phương tiện và cán bộ chiến sĩ mặc quân phục được phép di chuyển trên toàn TP để thực thi công vụ (Lực lượng thường phục phải có giấy giới thiệu hoặc giấy phân công công tác của Thủ trưởng đơn vị hoặc thẻ ngành hoặc giấy đi đường)
7. Giấy đi đường do Sở Ngoại vụ cấp vẫn được sử dụng (mã 7A, 7B).
8. Cán bộ, công nhân viên chức của sở, ban, ngành có đồng phục; công nhân viên dịch vụ công ích thì mặc đồng phục Ngành. Các sở, ban, ngành không có đồng phục mặc áo nhận diện Thành phố cấp.
9. Kiểm tra di biến động dân cư trên nền tảng dữ liệu dân cư thông qua kiểm soát bằng tài khoản kiểm tra mã QR Code của dân cư.
10. Ưu tiên xe của công an, quân sự, y tế và các xe được Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cấp phù hiệu nhận diện.
11. Trong khung giờ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau, lực lượng chức năng sẽ tạo điều kiện lưu thông cho các nhóm đối tượng là cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; ngành hàng không, sân bay; hoa tiêu hàng hải; vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố khẩn cấp về điện, nước, hệ thống thông tin, hạ tầng giao thông…. Tuy nhiên, các nhóm này phải xuất trình được giấy đi đường và giấy xác nhận phân công công tác vào khung giờ này.
Công an TPHCM yêu cầu tổ trưởng tổ công tác tại các chốt, trạm kiểm soát nội ô căn cứ tình hình thực tế để tổ chức kiểm soát, kiểm tra phương tiện không để ùn tắc, dồn ứ tại các chốt, trạm kiểm soát.
(CAO) Giấy đi đường do Phòng PC08 và Công an quận/huyện, TP.Thủ Đức được ủy quyền ký có hiệu lực toàn TP; giấy đi đường do Trưởng Công an xã, phường, thị trấn được ủy quyền ký có hiệu lực trong phạm vi cấp quận/huyện của nơi Công an cấp xã đóng quân.