Giấy đi đường do Phòng CSGT và Công an quận/huyện ký có hiệu lực toàn TPHCM

Thứ Tư, 25/08/2021 10:26

|

(CAO) Giấy đi đường do Phòng PC08 và Công an quận/huyện, TP.Thủ Đức được ủy quyền ký có hiệu lực toàn TP; giấy đi đường do Trưởng Công an xã, phường, thị trấn được ủy quyền ký có hiệu lực trong phạm vi cấp quận/huyện của nơi Công an cấp xã đóng quân.

Ngày 21/8/2021, UBND TPHCM đã ban hành Công văn 2800/UBND-VX điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Công văn 2796/UBND-VX ngày 21/8/2021 về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Căn cứ tình hình triển khai thực tế, ngày 23/8/2021, UBND TP tiếp tục ban hành Công văn 2850/UBND-VX điều chỉnh lần 2 về quy định tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ngày 24/8/2021, các sở ngành thuộc TPHCM là đầu mối tổng hợp số lượng người được phép di chuyển tại các đơn vị, cơ quan đã đến trụ sở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TPHCM (Phòng PC08) nhận Giấy đi đường có chữ ký và đóng dấu của Phòng PC08 gửi đến các cơ quan chủ trì.

Phòng CSGT giao giấy đi đường cho Cục Hải quan TP

Số giấy đi đường được cấp trong ngày là hơn 80.000 giấy, trong đó số lượng giấy đi đường được cấp cho nhóm 3A (nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối) chiếm hơn ½ tổng số giấy đi đường được cấp ra. Nhóm di chuyển này sẽ do Sở Công Thương chủ trì quản lý, cấp giấy, được phép hoạt động từ 06 giờ đến 18 giờ trong địa bàn một quận, huyện.

Thượng tá Nguyễn Đình Dương - Trưởng Phòng PC08 Công an TPHCM cho biết, từ 0h ngày 25/8/2021, tất cả đối tượng trong 17 nhóm tại Công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 của UBND TP được phép di chuyển phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức; phường, xã, thị trấn cấp.

Phòng CSGT làm thủ tục gửi phát giấy đi đường

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, UBND TP giao Công an TP làm đầu mối in và quản lý, cấp giấy đi đường cho các lực lượng theo nhóm được phép lưu thông của thành phố. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân đã hiểu sai về vấn đề này. Công an TPHCM được giao in và gửi giấy đi đường về các đơn vị đầu mối làm chủ quản để cấp cho cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp, các đơn vị đó quản lý.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm: “Công an TP.HCM không trực tiếp xét duyệt các trường hợp, cấp giấy đi đường mà chỉ được giao in, quản lý cấp giấy. Chỉ quản lý được lượng giấy cấp ra bao nhiêu, cấp cho đơn vị nào, trong giấy có quy định một số nội dung về kỹ thuật để quản lý và có mã QR code để người sử dụng quét và khai báo thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư”.

Phòng CSGT kiểm đếm giấy đi đường

Như vậy, có thể hiểu rằng, các đơn vị đầu mối là chủ quản sẽ tập hợp và báo về Công an TPHCM danh sách, số lượng và Công an TPHCM sẽ cấp in và gửi ngược lại cho các đơn vị chủ quản đã đề nghị cấp; sau đó các đơn vị chủ quản có trách nhiệm cấp cho cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp do các đơn vị quản lý.

Về phạm vi hiệu lực, Giấy đi đường do Phòng PC08 và Công an quận/huyện, TP.Thủ Đức được ủy quyền ký có hiệu lực toàn TP; giấy đi đường do Trưởng Công an xã, phường, thị trấn được ủy quyền ký có hiệu lực trong phạm vi cấp quận/huyện của nơi Công an cấp xã đóng quân.

Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa trong TP: Các xe vận tải hàng hóa đã được cấp mã QR code, được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian được cấp phép. Với trường hợp các xe vận tải hàng hóa không được cấp mã QR code thì tài xế và người ngồi trên xe phải có giấy đi đường theo quy định.

Đối với các đối tượng, phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư y tế, các chốt, trạm kiểm soát của TP cho phép lưu thông khi có các giấy tờ chuyên môn, lý do đi lại như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận chuyên môn, hợp đồng, hàng hóa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang