(CAO) Ngày 9-3, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có công điện yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban An toàn giao thông địa phương và Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam phải tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông do xe tải gây ra.
Trong những tháng đầu năm 2016, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết nhiều người do xe ô tô tải gây ra. Nguyên nhân trực tiếp của các vụ tai nạn là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người lái xe.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành có liên quan cần tăng cường các giải pháp cấp bách để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên.
Xe container, xe ben được người dân gọi là "hung thần" đường phố
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại các địa phương có nhiều xe ô tô tải, đặc biệt là các địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô tải trong thời gian vừa qua, chú trọng kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại Sở Giao thông vận tải và kiểm tra tại một số đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá lớn, chủ phương tiện có nhiều xe ô tô có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên, các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ phương tiện có xe ô tô tải liên quan đến các vụ tai nạn giao thông.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành hành quy định về lộ trình, thời gian hoạt động, vận tốc tối đa của các loại xe ô tô tải theo quy định về tải trọng trục và tổng khối lượng tham gia giao thông trên đường bộ, đặc biệt là các đoạn đường qua các khu đô thị, khu vực đông dân cư, khu vực có các cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; nghiên cứu tổ chức giao thông phân tách giữa xe hai bánh và xe ô tô trên các tuyến đường có nhiều xe ô tô tải và xe khách hoạt động; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
Cục Đăng Kiểm Việt Nam nghiên cứu, đề xuất tham mưu để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông; tổ chức tập huấn, phổ biến các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến xe ô tô tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục tăng cường chất lượng việc kiểm xe cơ giới, đặc biệt là ô tô tải tự đổ có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên; triển khai và kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông cả nước tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn đối với lái xe ô tô tải, các quy định về báo hiệu, cảnh báo khi đỗ xe trong trường hợp khẩn cấp trên đường, hoặc đỗ xe dọc lề đường vào ban đêm; cảnh báo về các nguy cơ tai nạn giao thông đối với người điều khiển phương tiện khác và người đi bộ khi tham gia giao thông trên các tuyến đường có xe ô tô tải hoạt động.
Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thành viên, các Ban An toàn giao thông cấp Huyện, cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.
Hiện trường xe ben lao nhà dân ở cầu Nhị Thiên Đường (Q.8, TP.HCM) sáng ngày 21-5-2015
Sở Giao thông vận tải các địa phương phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành quy định về lộ trình, thời gian hoạt động, vận tốc tối đa của các loại xe ô tô tải theo quy định về tải trọng trục và tổng khối lượng tham gia giao thông trên mạng lưới đường bộ do địa phương quản lý, đặc biệt là các đoạn đường qua các khu đô thị, khu vực đông dân cư, khu vực có các cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; nghiên cứu tổ chức giao thông phân tách giữa xe hai bánh và xe ô tô trên các tuyến đường có nhiều xe ô tô tải và xe khách hoạt động.
Tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá, các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ phương tiện có xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Lực lượng Cảnh sát giao thông có kế hoạch chuyên đề phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông của người điều khiển xe ô tô tải, chú trọng kiểm tra đối với xe ô tô tải có thùng chở vật liệu (xe ben) xe chở công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ móoc.
Hiệp Hội Vận tải Ô tô Việt Nam chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương tổ chức tập huấn quy định pháp luật và nghiệp vụ quản lý vận tải cho lãnh đạo, người điều hành của các đơn vị kinh doanh vận tải; yêu cầu các đơn vị vận tải là thành viên của Hiệp hội, đặc biệt là đối với các đơn vị có nhiều xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên...